Điểm tên những 'anh tài' tham nhũng nghìn tỷ ở Bộ Giao thông Vận tải

28-03-2014 09:05 | Thời sự
google news

Phần 1: Những người “vặt khế” nổi tiếng

Phần 1: Những người “vặt khế” nổi tiếng

Năm 2006 – TGĐ Ban quản lý dự án 18, con bạc triệu đô Bùi Tiến Dũng

PMU-18 ban đầu được thành lập để quản lý dự án nâng cấp Quốc lộ 18, sau đó được giao nhiều dự án khác, với số vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức) đã giải ngân lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Vì vậy vụ án đã gây chấn động dư luận Việt Nam cũng như các nước và tổ chức cung cấp ODA cho Việt Nam, trong đó có Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới.

“Giao thông là vườn khế ngọt” (1)
Bùi Tiến Dũng - Ảnh: Dân Việt

Năm 2006 Bùi Tiến Dũng bị bắt giữ và cáo buộc đã cá độ bóng đá với số tiền trên 1,8 triệu USD. Những thông tin công bố sau đó của công an và báo chí cho thấy chân dung một tay chơi ăn chơi khét tiếng: nhậu nhẹt, đánh bạc, bao gái. Dũng nhận 13 năm tù về tội đánh bạc và đưa hối lộ; 3 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Năm 2011, lần thứ ba Dũng ra tòa với tội danh tham nhũng liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng cầu Bãi Cháy trên quốc lộ 18 tại tỉnh Quảng Ninh.Cùng ra tòa với Dũng còn có bộ sậu liên quan đến dự án này.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng và PMU 18 là đại diện chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, thi công dự án. Lợi dụng sơ hở trong quản lý và chi trả tiền lương nên Bùi Tiến Dũng đã tạo điều kiện cho Phạm Tiến Dũng và các bị cáo khác cùng cấu kết với nhau, lập khống danh sách 26 nhân viên tư vấn bổ sung, bảng thanh toán lương... để chiếm đoạt gần 3,5 tỷ đồng từ 8/2003 đến 2/2006.

Trong đó, Phạm Tiến Dũng cùng các đồng phạm chiếm hưởng 1,59 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cáo buộc các bị cáo đã dùng 500 triệu đồng để làm quà chia tay Phó TGĐ Đỗ Kim Quý khi về hưu và 100 triệu để tiếp các bạn học của Dũng ở Quảng Ninh.

Vì vụ việc PMU18, trước đó ngày 14/6/2006, Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình đã phải thừa nhận trách nhiệm trước quốc hội khi để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài tại đơn vị này. Ngày 21/6/2006, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Bình. Ngày 29 tháng 6 năm 2006, Quốc hội biểu quyết miễn nhiệm chức Bộ trưởng.

Năm 2008: PCI và Huỳnh Ngọc Sỹ

Huỳnh Ngọc Sỹ là PGĐ Sở GTVT TP HCM, GĐ Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 6 năm 2008 2008, ông Sỹ bị phía Nhật Bản cáo buộc nhận hối lộ của Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI, trụ sở chính tại Nhật) để tạo điều kiện cho PCI trúng thầu gói tư vấn thiết kế Đại lộ Đông - Tây.

“Giao thông là vườn khế ngọt” (2)
Huỳnh Ngọc Sỹ - Ảnh: Người lao động

Theo lời khai của các cựu lãnh đạo PCI, để được trúng thầu và thanh toán nhanh, PCI đã nhiều lần mặc cả qua lại và đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ với số tiền lên tới 262.000 USD (khoảng hơn 4 tỷ đồng).

Vụ việc kết thúc vào năm 2012, Huỳnh Ngọc Sỹ bị kết án tù chung thân, sau đó được giảm án xuống còn 20 năm.

Dự án đại lộ Đông - Tây là dự án được Thủ tướng phê duyệt với tổng vốn đầu tư ban đầu gần 10.000 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Vì vụ PCI này mà ngày 4 tháng 12 năm 2008, phía Nhật bản tuyên bố đình chỉ các dự án ODA với Việt Nam, mãi đến tháng 2/2009 mới nối lại tài trợ.

Năm 2009 và năm 2010, Đại lộ Đông Tây được nhắc đến với nhiều quan ngại khi phát hiện hiện tượng lún quá mức cho phép của nền hầm hở chữ U phía Thủ Thiêm, nhất là hiện tượng nứt rạn bê tông trên bề mặt và một số vết nứt xuyên các đốt hầm dìm.

Năm 2012: Đại án Vinashin và Phạm Thanh Bình

Với khoản nợ trên 4 tỷ đô la , đây có lẽ là vụ án đình đám nhất của thập kỷ, của nền kinh tế nói riêng và của ngành giao thông nói chung.

Năm 2012, 9 bị cáo được đưa ra xét xử trong vụ án này gồm: Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin; Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc Vinashin; Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng ban kiểm soát tập đoàn; Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc công ty cổ phần Công nghệ tàu thủy Hoàng Anh cùng 7 bị cáo thuộc cấp ông Bình.

Theo cáo trạng dài 32 trang của Viện KSND tối cao, bị cáo Phạm Thanh Bình cùng các đồng phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước ở năm dự án với tổng thiệt hại trên 910 tỉ đồng.

“Giao thông là vườn khế ngọt” (3)
Phạm Thanh Bình - Ảnh: Tuổi Trẻ

Đầu tiên phải kể đến là dự án mua tàu Hoa Sen gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 469,5 tỷ đồng. Theo cáo trạng, ông Bình (với tư cách là người tổ chức) và các đồng phạm đã cố ý làm trái khi thực hiện một số hành vi như không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, phê duyệt mua tàu trước khi lập và thẩm định dự án, không thực hiện thủ tục chào hàng cạnh tranh, không quyết toán vốn dự án…

Hậu quả của những hành vi này, theo giám định, đã gây thiệt hại cho Vinashin nói riêng và ngân sách nói chung gần 470 tỷ đồng, trong đó riêng tiền lãi vay và chi phí vay vốn đã lên tới hơn 464 tỷ[2]

Ra tòa ngày đầu tiên , nói về chiếc tàu nghìn tỷ đang đắp chiếu ngoài bến, bị cáo Phạm Thanh Bình vẫn say sưa: “Chúng tôi mua tàu Hoa Sen với mục đích thử nghiệm”, cú thử nghiệm đi tong 462 tỷ đồng mồ hôi nước mắt của nhân dân.

Ngoài ra là một loạt các dự án mua hàng “sắt vụn” về rồi bỏ không tiêu tốn hàng trăm tỷ khác: Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (tỉnh Nam Định) là hơn 316,5 tỷ đồng;Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân gây thiệt hại hơn 66,5 tỷ đồng;Dự án đầu tư tàu Bình Định Star gây thiệt hại hơn 30,4 tỷ đồng, mua-bán tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại hơn 27,3 tỷ đồng

2014: Dương Chí Dũng và cục sắt gỉ có tên “ụ nổi M83”

Dương Chí Dũng nguyên là Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Tháng 2/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định khởi tố bắt tạm giam 4 bị can Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều bị đề nghị truy tố về hành vi tham ô tài sản.

Cơ quan cảnh sát điều tra xác định ụ nổi 83M thực chất giá 2,3 triệu USD đã được Dũng và đồng bọn kê lên thành 9 triệu USD, trong quá trình thuê tàu vận chuyển VN, sửa chữa… đã tăng lên gần 20 triệu USD.

Đến thời điểm tháng 5.2012, Vinalines báo cáo cho biết tổng chi phí cho chiếc ụ nổi này đã lên tới số tiền khoảng 24 triệu USD (525 tỉ đồng.)

“Giao thông là vườn khế ngọt” (4)
Dương Chí Dũng

Ngoài ra, theo điều tra của cơ quan công an, khi chưa được Thủ tướng phê duyệt thì ngày 27/6/2007, ông Dương Chí Dũng là Chủ tịch HĐQT Vinalines đã ký quyết định phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỉ đồng.

Tuy nhiên, dự án này sau đó đã bị đội lên thành 6.489 tỉ đồng. Vinalines đã tự ý quyết định đầu tư khi chưa được Bộ Giao thông Vận tải cập nhật dự án vào quy hoạch và dự án này cũng chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4805/VPCN-CN ngày 31/8/2006.

Tại phiên xử sơ thẩm ngày 16/12/2013 Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình về tội tham ô, 28 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

2014 – Vinalines và Bùi Quốc Anh

Tháng 2/2014, TAND TP.Hà Nội tiếp tục đưa vụ án mới - “hậu vụ án Vinashin” ra xét xử. Trong số các bị cáo, đáng chú ý có nguyên Phó TGĐ Vinalines Bùi Quốc Anh.

“Giao thông là vườn khế ngọt” (5)
Bùi Quốc Anh và đồng bọn

Vụ án bắt đầu vào ngày 6.12.2005, ông Bùi Quốc Anh là GĐ Cty vận tải Biển Đông (thuộc Vinashin) có tờ trình ông Phạm Thanh Bình - TGĐ Vinashin - đề nghị phê duyệt 5 dự án mua tàu cũ và chỉ định đơn vị lập dự án là Cty tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC) và được ông Phạm Thanh Bình chấp thuận.

Sau khi được chấp nhận chủ trương, ông Bùi Quốc Anh đã cùng ông Hồ Ngọc Tùng - Tổng GĐ VFC; Hoàng Gia Hiệp - Phó TGĐ VFC... đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc ký hợp đồng lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án mua tàu cũ giữa Cty vận tải Biển Đông với VFC để lập khống hồ sơ thuê Cty TNHH Tân Minh Nguyệt làm thầu phụ lập một phần báo cáo nghiên cứu khả thi, sử dụng giấy tờ, hồ sơ giả, mua hóa đơn mang tên Cty TNHH Tân Minh Nguyệt để hợp thức hóa hồ sơ thanh quyết toán nhằm rút hơn 1 tỉ đồng để tham ô, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 5 tỉ đồng.

Cơ quan công tố cũng cho rằng, ông Bùi Quốc Anh đã không tổ chức đàm phán với Cty TNHH Tân Minh Nguyệt, lợi dụng chức vụ quyền hạn dùng tiền của Cty vận tải Biển Đông để chi phí “ngoại giao” với người có chức quyền ở các bộ, ngành liên quan để được thông qua các hợp đồng với Cty TNHH Tân Minh Nguyệt.

Bùi Quốc Anh, Ngô Văn Nhuận và các bị can khác đều bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ ... ” có mức án từ 5 năm đến 10 năm tù.

(Còn nữa)

 

 

 


Ý kiến của bạn