Điểm nghẽn của nền kinh tế là nợ công cao, xử lý nợ xấu còn khó khăn

01-11-2017 07:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 31/10, Quốc hội (QH) dành cả ngày thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017; Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm quốc gia 2018-2020.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 từ 6,5%-6.7%

Mục tiêu dự kiến của Chính phủ, năm 2018, tăng trưởng GDP sẽ đạt mức 6,5-6,7%. Đặt mục tiêu như vậy đã chuẩn xác chưa và làm sao đạt được mục tiêu này trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn là câu hỏi sẽ được các ĐBQH thảo luận và giải đáp trong 2,5 ngày tại nghị trường.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2017, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế tăng 5,87%, tuy cao hơn so với năm 2016 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng của nền kinh tế và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh một điểm nghẽn lâu nay của nền kinh tế, đó là nợ công cao, xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn.Đại biểu Đặng Thuần Phong.

Đại biểu Đặng Thuần Phong.

Trong khi đó, do một số quy định pháp luật còn bất cập, nên phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Một số dự án công nghiệp và giao thông quy mô lớn còn chậm tiến độ, nhưng các nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, hay Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên...

Trong khi đó, cáo cáo Chính phủ trước đó gửi tới QH cho biết, nợ công năm 2017 đạt khoảng 3,13 triệu tỷ đồng, tương đương 62,6% GDP. Như vậy, bình quân mỗi người Việt “gánh” 33 triệu đồng tiền nợ công, tăng 4 triệu đồng so với năm 2016. Cũng theo thống kê, 5 năm trở lại đây nợ công tăng thêm khoảng 300.000 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài chuyện nợ công, nợ xấu, một trong những vấn đề khiến dư luận quan tâm đó là chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đạt thấp, nhất là việc phát hiện và xử lý các dự án chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát của các doanh nghiệp nhà nước...

Lo ngại về chất lượng tăng trưởng kinh tế và nguy cơ về nợ công

Trao đổi với báo chí bên hành lang QH, một số ĐB bày tỏ lo ngại về chất lượng tăng trưởng kinh tế và nguy cơ về nợ công. ĐB Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre), Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cho rằng việc phải tập trung cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề nợ công,… thực sự là thách thức của Chính phủ. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, trong 13 chỉ tiêu đề ra thì 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt. Tuy nhiên, theo ông Phong GDP vượt chỉ tiêu nhưng nhìn dòng tiền đi về đâu để có sự tính toán hiệu quả KT-XH lại là việc đáng băn khoăn. Giải ngân vốn rất chậm, năng suất lao động tăng không đáng kể, thu từ doanh nghiệp nhà nước không đạt, nguồn thu từ dầu thô cũng không đạt cho dù sản lượng khai thác có tăng lên cả triệu tấn. Nhìn vào yếu tố tăng trưởng này để đánh giá tính ổn định của kinh tế vĩ mô là đáng lo ngại.” ĐB Phong nói.

Với hơn 60% ngân sách dành cho chi thường xuyên, ông Phong cho rằng việc phải đảo nợ để trả nợ trong khi chi thường xuyên chiếm tỷ trọng quá lớn đã hạn chế việc chi cho đầu tư phát triển. Đây thực sự là thách thức cho nền kinh tế cho những năm sau và lâu dài, nếu đảo nợ mãi như thế thì bao giờ mới trả hết nợ. Cần tính toán căn cơ, tiết kiệm chi tiêu để trả nợ, mỗi năm phải giảm 10% chi thường xuyên. ĐB Đặng Thuần Phong cho rằng, để giảm chi thường xuyên đòi hỏi nhiều giải pháp, trong đó có giảm biên chế, giảm hội họp và lễ lạt. Đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chứ không thể cứ nói chung chung là giảm chi thường xuyên nhưng không biết giảm từ đâu, giảm cái gì.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn