Nhiều ca đã gây thương tổn nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể người như mắt, hệ thần kinh trung ương, tắc ruột, gan mật, lấy đi nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể của bệnh nhân, …
Lấy sán xơ mít dài hơn 10m ký sinh nhiều năm trong cơ thể
Trước đây, không lâu các y, bác sĩ bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành bài thuốc sổ Đông y lấy con sán dây dài hơn 10m từ bệnh nhân Lê Viết K., sinh năm 1974, đến từ huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trước đó, nhân K. nhập viện với triệu chứng đau bụng bứt rứt, rối loại tiêu hóa.
Theo thông tin từ người nhà, bệnh nhân K. thường đau bụng hơn một năm nay, nhiều lần điều trị các loại thuốc Tây y ở nhiều nơi nhưng vẫn không giảm. Khi vào Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, các y bác sĩ khám, kiểm tra bụng bệnh nhân K., có những đốt sán tự rụng ra ống tiêu hóa, gần hậu môn. Sau đó, được các bác sĩ dùng bài thuốc sổ đặc trị được ứng dụng nhiều năm qua tại Bệnh viện.
Chỉ 2 ngày sau, một con sán được tống ra ngoài khi bệnh nhân đi đại tiện, dài hơn 10m. Các bác sĩ nhận định nó đã sống ký sinh trong cơ thể K. nhiều năm. Bệnh nhân K. hoàn toàn khỏe mạnh và đã xuất viện.
Người đàn ông yếu liệt vì sán nhái 7 cm chui lên não
Tại BV ĐH Y Dược TP.HCM đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân là ông NNA (52 tuổi, ngụ Lâm Đồng) đến khám tại với những triệu chứng đau đầu, yếu nửa người kèm co giật. Chụp cộng hưởng từ sọ não, các bác sĩ chẩn đoán ông A. có tổn thương choán chỗ vùng vỏ não vận động có thể do u hoặc nang ký sinh trùng trong não. Đến khi phẫu thuật, các bác sĩ mới xác định chính xác bệnh lý của A. là do u nang ký sinh trùng trong não dài 7 cm và tiến hành lấy ra.
Sau phẫu thuật, người bệnh được tiếp tục điều trị bằng thuốc kháng ký sinh trùng. Sau bốn tuần điều trị, ông A. đã không còn đau đầu, co giật, sức cơ hồi phục và xuất viện với sức khỏe ổn định.
Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy đây là loại ký sinh trùng có tên khoa học Spirometra erinaceieuropaei hay còn gọi là sán nhái. Người dân có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng này khi ăn thịt ếch, nhái, gà, vịt, chim không nấu chín kỹ. Sán nhái thường ký sinh ở mắt người, rất hiếm khi có ở não.
TS.BS Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại thần kinh BV Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật, cho biết những người có thói quen ăn rau sống, thịt sống hoặc ăn thức ăn không được làm sạch, chế biến kỹ sẽ có nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng. Sau khi vào cơ thể, ký sinh trùng sẽ theo mạch máu lên não và sống ký sinh ở đó. Thậm chí, ký sinh trùng còn có thể sinh sản và phát triển thành nhiều nang ở nhiều vị trí khác nhau trong não người bệnh.
Sán lúc nhúc trong phổi thanh niên 19 tuổi
Trước đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa tiếp nhận nam bệnh nhân tên LHT (19 tuổi, quê Tân Yên, Bắc Giang) với nhập viện trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp, tràn khí màng phổi kèm tràn dịch màng phổi.
Gia đình bệnh nhân cho biết trước đó bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau tức ngực phải rồi lan dần ra giữa ngực. Bệnh nhân đã được đưa đến phòng khám tư nhưng bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân gây đau. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tuyến huyện thăm khám. Tại đây, qua kết quả chụp chiếu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi và được chuyển tuyến lên bệnh viện tỉnh. Kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhân có thêm tràn khí màng phổi, các bác sĩ đã tiến hành hút dịch cho bệnh nhân. Trong quá trình ra dịch phổi, bệnh nhân nhận thấy có nhiều ký sinh trùng ra cùng dịch nên được chuyển tuyến lên bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Khi đó, bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp, tràn khí màng phổi kèm tràn dịch màng phổi. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực để dẫn lưu khí màng phổi và cho làm xét nghiệm tìm căn nguyên. Sau khi lấy dịch màng phổi làm xét nghiệm, các bác sĩ soi vi sinh cho thấy có hình ảnh sán lá phổi. Sau khi điều trị bằng thuốc đặc hiệu, bệnh nhân đã có tiến triển tốt, không còn tình trạng tràn khí, tràn dịch, sốt, đau tức ngực.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân có nguy cơ mắc sán lá phổi nếu tiếp xúc với căn nguyên, cụ thể là loài cua đá - vật chủ mang sán lá phổi đặc trưng. Người dân ở khu vực miền núi dễ mắc bệnh này hơn người dân thành thị. Ngoài ra, những người có thói quen ăn đồ sống, đồ nướng... cũng rất dễ bị nhiễm sán lá phổi.
Thói quen ăn đồ tái sống dễ nhiễm ký sinh trùng.
Hoảng hồn phát hiện 0,5kg giun trong bụng gây tắc ruột bé 3 tuổi
Mới đây, các bác sĩ khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận cháu bé 3 tuổi vào viện trong tình trạng mệt mỏi, bụng chướng, đau bụng quặn cơn, siêu âm có nhiều búi giun trong lòng ruột gây tắc ruột. Bệnh nhi vào viện trong tình trạng mệt mỏi, bụng chướng, đau bụng quặn cơn, siêu âm có nhiều búi giun trong lòng ruột.
Sau uống thuốc, bé V. nôn ra giun, bụng chướng tăng dần và tiếp tục đau. Khi chụp X-quang ổ bụng, bác sĩ kết luận trẻ bị tắc ruột do giun, chỉ định phẫu thuật gắp giun. Khi mở ra, giun chiếm hầu hết lòng ruột non, đại tràng, cách góc hồi manh tràng 10cm, đặc biệt có nhiều búi lớn gây tắc lòng ruột. Số giun gắp ra có khối lượng hơn 400g. Sau mổ, bệnh nhi được nuôi dưỡng tĩnh mạch, sử dụng kháng sinh, chăm sóc tích cực, hiện tình trạng sức khoẻ đã ổn định.
Các bác sĩ cho biết, trường hợp của bé V tuy hi hữu nhưng cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng thiếu kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh cho trẻ em, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi...
Cha mẹ nên tiến hành tẩy giun cho trẻ theo định kỳ để đảm bảo sức khỏe cho các trẻ vì nhiễm giun ở trẻ em là không thể tránh khỏi do trẻ hay nghịch đất cát, mút tay, cần cho trẻ dùng đồ ăn, thức uống đã được nấu chín, đun sôi, chăm sóc vệ sinh thân thể tốt.
Chúng ta thường được khuyến cáo tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Song thuốc này chỉ tiêu diệt được những loại giun có trong ruột, có thể gồm giun móc, giun tóc, giun lươn, giun kim. Thực chất có rất nhiều ấu trùng giun sán tập trung trong máu, nên thuốc tẩy giun khó có tác dụng với chúng. Vì vậy, việc phòng ngừa giun sán và tránh tái nhiễm là rất quan trọng.
Trước hết phòng bệnh bằng cách sử dụng thức ăn đã nấu chín, uống nước đã đun sôi, xử lý các chất thải sạch sẽ (không phóng uế bừa bãi), rửa tay thường xuyên trước khi ăn, thường xuyên giặt giũ quần áo, chăn mền, thường xuyên làm vệ sinh đồ chơi trẻ em.
Lưu ý: Không ăn các thức ăn chưa nấu chín như phở bò tái, hải sản sống hoặc tái... Những người hay bị ngứa da, chữa da liễu không khỏi nên xét nghiệm giun sán.