Nhiều điểm mới trong tuyển sinh trường Y Dược năm 2025
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là trường Y Dược đầu tiên công bố chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh hệ chính quy năm 2025. Theo đó, Nhà trường dự kiến điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành so với năm 2024: ngành Y học cổ truyền tăng 20%; Điều dưỡng tăng 10%; Dược học tăng 30%. Các ngành còn lại không tăng chỉ tiêu.
Điểm mới trong mùa tuyển sinh 2025 là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch không áp dụng môn Ngoại ngữ trong tiêu chí phụ khi xét đồng điểm như các năm trở về trước. Các tổ hợp xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 được trường giữ nguyên, gồm B00 (Toán, Hóa, Sinh), A00 (Toán, Lý, Hóa), B03 (Toán, Sinh, Văn).
Về phương thức tuyển sinh, Nhà trường dự kiến thực hiện 6 phương thức xét tuyển, bao gồm: kết quả thi tốt nghiệp THPT; tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; sử dụng phương thức khác. Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng là trường y công lập đầu tiên tuyển sinh bằng tổ hợp có môn Văn với ngành Điều dưỡng và Y tế công cộng.
Năm 2024, trường tuyển 1.530 sinh viên, xét tuyển chung cả nước. Điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 từ 21,35 - 26,57 điểm, cao nhất ở ngành Y khoa. Mức học phí khóa tuyển sinh 2024 của trường từ 41,8 - 55,2 triệu đồng/năm (10 tháng). Trong đó, ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt có mức thu cao nhất là 55,2 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại có cùng mức học phí 41,8 triệu đồng/năm (tăng 10 triệu đồng so với năm học trước).
Năm nay, Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế duy trì các phương thức tuyển sinh như năm trước, và xem xét mở rộng phương thức theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT cũng như nhu cầu xã hội.
Về tổ hợp tuyển sinh, ngoài các tổ hợp của năm 2024, trường sẽ mở rộng thêm một số tổ hợp cho tất cả các ngành đào tạo. Đồng thời sử dụng thêm môn tiếng Anh và các môn trong nhóm Khoa học tự nhiên (Hóa học, Sinh học, Vật lý) để đưa vào tổ hợp xét tuyển của một số ngành.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, trường giữ nguyên chỉ tiêu như các năm về trước nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
Từ năm 2025, Trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng thêm một phương thức tuyển sinh dành cho những sinh viên đã có một bằng tốt nghiệp đại học theo học ngành Y khoa và Dược. Với đối tượng sinh viên này, ngành Y khoa sẽ học 4 năm còn ngành Dược học 3 năm.
Trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non sửa đổi, Bộ GD-ĐT dự kiến nâng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo Sư phạm và Y Dược có cấp chứng chỉ hành nghề.
Cụ thể, từ năm 2025, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành này phải có kết quả học tập trong cả ba năm THPT từ loại tốt trở lên, hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên.
Một số ngành được áp dụng mức sàn thấp hơn như: Giáo dục thể chất, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng và các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Thí sinh cần có kết quả học tập trong cả ba năm THPT từ khá hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 6,5 trở lên.
Điều chỉnh quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe
Bộ GD&ĐT đang xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư 08/2022/TT BGDĐT.
Theo đó, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 có một số điểm đáng chú ý. Trong đó, Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo giáo viên và các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Cụ thể, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành Sư phạm hoặc Y Dược phải có kết quả học tập trong cả ba năm THPT từ mức tốt trở lên, hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên.
Đối với một số ngành Bộ GD&ĐT đưa ra như Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, ngưỡng đầu vào được áp dụng mức sàn thấp hơn như sau:
- Học lực cấp THPT đạt loại khá (mức Khá) hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa cấp THPT đạt từ 6,5 trở lên;
- Tốt nghiệp THPT loại khá, hoặc có học lực cấp THPT đạt loại trung bình (mức Đạt) và có 5 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo;
- Tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, trình độ đại học đạt loại khá trở lên.
Bộ GD&ĐT cũng dự kiến bổ sung điều kiện xét tuyển bằng học bạ. Trong đó, việc xét học bạ phải bằng tổ hợp gồm ít nhất 3 môn và bắt buộc phải có Toán hoặc Ngữ văn với trong số ít nhất 1/3 tổng điểm.
Một ngành, chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn. Đồng thời, số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm.
Các trường có thể sử dụng không giới hạn tổ hợp xét tuyển thay vì chỉ được dùng 4 tổ hợp như hiện nay. Nhưng bị ràng buộc về trọng số điểm của các môn.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh thay vì dùng điểm từ 3 học kỳ đến 5 học kỳ như hiện nay. Nếu phương án này được thông qua thì đại học không thể xét tuyển bằng học bạ và công bố điểm chuẩn từ tháng 3 như hiện nay.