Hà Nội

Điểm mặt “thủ phạm” gây rối loạn thần kinh thực vật

23-11-2019 06:17 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Rối loạn thần kinh thực vật ảnh hưởng đến chức năng tự động của các cơ quan trong cơ thể như nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa.

Đây không phải là một bệnh cụ thể mà chỉ là những rối loạn hoạt động hệ thần kinh tự động. Bệnh làm giảm hoạt động hoặc bất thường một hay nhiều chức năng tự động của cơ thể.

Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật

Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng rối loạn thần kinh thực vật, trong đó có thể do các bệnh như: các bệnh tự miễn, các cuộc tấn công hệ thống miễn dịch và thương tổn các bộ phận của cơ thể, dây thần kinh; do sự tấn công hệ miễn dịch của một số bệnh ung thư. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn thần kinh thực vật, dần dần có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể. Tổn thương dây thần kinh do phẫu thuật vùng cổ hoặc do xạ trị. Tác dụng phụ của một số loại thuốc sử dụng trong điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm và một số thuốc tim mạch. Bệnh mạn tính như bệnh Parkinson. Một số bệnh truyền nhiễm: do virut và vi khuẩn như ngộ độc thức ăn, bệnh bạch hầu... Rối loạn di truyền. Rối loạn tâm sinh lý: các sang chấn tinh thần, thủ dâm quá nhiều ở cả nam và nữ...

Điểm mặt các triệu chứng khi bị rối loạn thần kinh thực vật.

Điểm mặt các triệu chứng khi bị rối loạn thần kinh thực vật.

Phát hiện như thế nào?

Hệ thần kinh thực vật gồm hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Sự mất cân bằng của hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm dẫn đến bệnh lý của hệ thần kinh thực vật. Tùy thuộc vào loại rối loạn mà bệnh biểu hiện thành các triệu chứng khác nhau:

Tại hệ thần kinh: Rối loạn vận mạch gây đau đầu khi thay đổi thời tiết; rối loạn tuần hoàn não, giảm trí nhớ, giảm tập trung, ngủ kém, lo âu, buồn bực vô cớ.

Tại tim mạch: Chóng mặt và choáng tư thế đứng do tụt huyết áp, hồi hộp, hụt hơi, nhịp tim nhanh hoặc chậm, huyết áp tăng giảm thất thường, đau thắt ngực, thiểu năng mạch vành, khó thích ứng với hoạt động thể lực, nhịp tim thay đổi một cách chậm chạp hoặc không thay đổi để đáp ứng kịp thời với hoạt động thể lực hoặc tập thể dục thể thao.

Tại hệ tiêu hóa: Gây rối loạn tiêu hóa do rối loạn chức năng co bóp của dạ dày, ruột. Gây ra cảm giác nhanh no sau khi ăn, ăn không ngon, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, buồn nôn, nôn, khó nuốt và ợ hơi. Kích thích đại tiện khi căng thẳng.

Tại hệ tiết niệu: Rối loạn tiết niệu gây tiểu khó, tiểu không tự chủ, kích thích tiểu tiện khi căng thẳng và tiểu không hết nước tiểu, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Tại hệ bài tiết: Rối loạn tiết mồ hôi, giảm tiết hoặc tăng tiết quá mức, ảnh hưởng tới khả năng điều tiết nhiệt độ cơ thể, thân nhiệt nóng lạnh bất thường.

Hệ hô hấp: Co thắt cơ trơn phế quản gây khó thở, tăng khi thay đổi thời tiết hoặc căng thẳng. Hụt hơi khó thở, tức ngực. Ngạt mũi do giãn cuốn mũi.

Tại hệ cơ xương khớp: Máy giật cơ, buồn bực chân tay, đau nhức xương khớp khi trở trời.

Tại hệ sinh dục: Rối loạn tình dục, bao gồm cả vấn đề đạt được hoặc duy trì sự cương cứng, xuất tinh sớm ở nam giới và khô âm đạo, khó đạt cực khoái ở phụ nữ. Rối loạn kinh nguyệt.

Triệu chứng toàn thân như: mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau đầu, ớn lạnh, đau mỏi vai gáy, đau mỏi cột sống, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn lo âu, có bệnh nhân có cảm giác không sống nổi, như sắp chết. Phản ứng sinh học chậm chạp với ánh sáng, gặp khó khăn khi lái xe vào ban đêm.

Khi nào đi khám?

Khi phát hiện có các biểu hiện nghi vấn mắc chứng rối loạn thần kinh thực vật, người bệnh cần sớm đi thăm khám tại bệnh viện có chuyên khoa nội, nội thần kinh, ngoại khoa (trong trường hợp cần tới điều trị ngoại khoa) để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả. Hiện nay, việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật chủ yếu là điều trị các nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay thì mới chỉ điều trị được các triệu chứng của bệnh. Về thuốc tác dụng trên hệ thần kinh thực vật, các loại thuốc thường được dùng để điều trị rối loạn thần kinh thực vật gồm: thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa mất ngủ và các rối loạn lo âu, thuốc điều chỉnh động ruột, thuốc tim mạch, thuốc giảm tiết mồ hôi. Kết hợp các phương pháp vật lý trị liệu như xông hơi thuốc trên huyệt, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp cho việc điều trị bệnh nhanh khỏi hơn.

Lời khuyên của bác sĩ

Bệnh nhân cần tập suy nghĩ tích cực, duy trì thể dục và lối sống lành mạnh, từ bỏ các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào, cà phê, trà đặc...

Bệnh nhân cần tập hít thở sâu; xoa vùng trên rốn hàng ngày có giá trị lớn trong phòng và điều trị rối loạn thần kinh thực vật.

Do tác dụng phụ của một số loại thuốc sử dụng trong điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm và một số thuốc tim mạch có thể gây rối loạn thần kinh thực vật nên bệnh nhân và người khỏe mạnh không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhiễm virut và vi khuẩn cũng gây rối loạn thần kinh thực vật nên mọi người cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: rửa tay thường xuyên sau khi tiếp xúc với đồ vật, sau khi lao động; đeo khẩu trang khi ra đường hay ở nơi công cộng; luôn thực hiện ăn chín uống sôi. Tránh các sang chấn tinh thần; không nên thủ dâm quá nhiều...


ThS. Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn