Cách đây không lâu, thông tin một nữ sinh lớp 7 ở Bắc Giang có thai rồi tự sinh con trong nhà tắm khiến dư luận vô cùng đau xót. Điều đáng nói, cả gia đình và nhà trường đều tỏ ra bất ngờ và không hay biết trẻ đã trải qua giai đoạn mang thai trước đó.
Thực tế, tại Khoa Sức khỏe Vị thành niên- Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã từng tiếp nhận điều trị một trẻ gái 14 tuổi, mang thai và không có kiến thức làm mẹ ở tuổi vị thành niên.
TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: Vị thành niên là những trẻ từ 10 đến 19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục.
Trong khi đó, sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai cùng việc thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính… tất cả dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.
Một số nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn ở vị thành niên cụ thể như sau:
Tảo hôn và quan hệ tình dục sớm
Báo cáo tóm tắt về kết hôn trẻ em ở Việt Nam của UNFPA và UNICEF năm 2014 cho thấy cứ 10 phụ nữ (độ tuổi 20-24) lại có một người kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng trước khi đủ 18 tuổi và cứ 100 phụ nữ lại có một người kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng trước khi 15 tuổi (Điều tra quốc gia về sức khỏe tình dục và sinh sản của vị thành niên và thanh niên Việt Nam độ tuổi 10- 24).
Báo cáo này cũng cho hay, ngày càng có nhiều thanh niên Việt Nam có quan hệ tình dục ở độ tuổi chưa thành niên. Theo đó, có khoảng 7,8% người chưa thành niên ở độ tuổi 15-18 đã quan hệ tình dục lần đầu trước khi 15 tuổi.
Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai thấp, chỉ có 41% nữ và 65% nam ở độ tuổi 15-24 sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục. Kiến thức về các biện pháp tránh thai và thụ thai còn hạn chế. Ví dụ như không biết cách sử dụng bao cao su đúng cách, thậm chí cho rằng chỉ nên đeo bao trước khi xuất tinh.
Kiến thức về thụ thai cũng hạn chế, có người còn cho rằng lần quan hệ tình dục đầu tiên không bị mang thai. Nhiều trẻ vị thành niên quan niệm các biện pháp tránh thai chỉ dành cho các cặp vợ chồng…
Thiếu tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục
Theo thống kê năm 2020-2021 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, 27,2% phụ nữ đang có chồng hoặc sống chung như vợ chồng không sử dụng biện pháp tránh thai.
Nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng cao nhất trong lứa tuổi 15-19 và đặc biệt cao (50,4%) trong nhóm phụ nữ chưa lập gia đình nhưng có sinh hoạt tình dục. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai thấp, chỉ có 41% nữ và 65% nam ở độ tuổi 15-24 sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục.
Có rất nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/tình dục. Một số hạn chế phổ biến nhất bao gồm: Dịch vụ sức khỏe, kể cả sức khỏe sinh sản thân thiện với vị thành niên mới được triển khai nhỏ lẻ ở hình thức mô hình thí điểm ở một số cơ sở, khu vực, chưa trở thành một chương trình có độ bao phủ rộng trên toàn quốc; các cơ sở cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/tình dục có thể không dễ dàng tiếp cận đối với tất cả mọi người.
Kỳ thị và phân biệt đối xử
Mang thai và phá thai ở tuổi vị thành niên thường bị kỳ thị ở Việt Nam. Điều này có thể ngăn cản thanh thiếu niên tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc tiếp cận các dịch vụ và có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe và hạnh phúc của họ.
Kỳ thị và phân biệt đối xử khi mang thai ở vị thành niên là một vấn đề nghiêm trọng mà các thiếu niên mang thai phải đối mặt.
Có nhiều loại khác nhau của phân biệt đối xử khi mang thai ở vị thành niên, bao gồm: Bị trêu chọc hoặc bắt nạt; bị từ chối tham gia các hoạt động ngoại khóa; bị yêu cầu nghỉ học; bị từ chối cơ hội việc làm; bị từ chối bảo hiểm y tế…
Hạn chế trong tiếp cận giáo dục về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục
Các chuyên gia nhận định, vị thành niên Việt Nam phải đối mặt với rào cản tiếp cận các thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Hạn chế tiếp cận giáo dục giới tính toàn diện cùng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản làm gia tăng nguy cơ mang thai sớm và ngoài ý muốn ở thanh thiếu niên và đây là yếu tố góp phần quan trọng dẫn đến kết hôn trẻ em.
Cùng với đó, nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng còn hạn chế. Thầy cô giáo và cha mẹ chưa đủ tin cậy để vị thành niên có thể chia sẻ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.
Bất bình đẳng giới
Bất bình đẳng giới là một vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nó có thể đặc biệt có hại cho thanh thiếu niên, những người có thể dễ bị mang thai ngoài ý muốn.
Lý do khiến bất bình đẳng giới có thể khiến thanh thiếu niên dễ mang thai như: Bất bình đẳng giới có thể dẫn đến việc thiếu quyền lực của phụ nữ. Điều này có nghĩa là thanh thiếu niên có thể cảm thấy không có khả năng nói "không" với quan hệ tình dục hoặc yêu cầu người bạn đời của họ sử dụng biện pháp tránh thai.
Cùng với đó, bất bình đẳng giới có thể dẫn đến bạo lực trên cơ sở giới. Nghĩa là nữ giới tuổi vị thành niên có thể bị ép quan hệ tình dục hoặc bị lạm dụng bởi bạn đời hoặc người thân.