Bệnh có đặc điểm là gây ra hiện tượng viêm, loét và rối loạn chức năng của đại tràng và dễ bị tái phát trở thành viêm đại tràng mạn tính, gây nguy cơ ung thư đại tràng. Vì vậy, việc phát hiện sớm và hiểu biết là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân nào?
Viêm đại tràng do amip (lị amip): Bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa. Bệnh nhân có những triệu chứng đi tiêu phân nhày lẫn máu kèm cảm giác mót rặn và đau bụng quặn từng cơn. Bệnh thường kéo dài và hay tái phát. Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm phân để tìm amip, xét nghiệm huyết thanh, nội soi đại tràng sinh thiết có thể thấy được những hình ảnh tổn thương loét đặc hiệu ở đại tràng.
Hình ảnh đại tràng bị viêm loét.
Viêm đại tràng do lao: Thường thứ phát sau lao phổi (50% bệnh nhân lao ruột còn hình ảnh lao khi chụp Xquang phổi). Cũng có thể gặp lao ruột nguyên phát do bệnh nhân bị nhiễm khuẩn lao qua đường ăn uống. Bệnh diễn tiến mạn tính với những triệu chứng nhiễm lao (sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi, biếng ăn, thể trạng suy sụp và rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy kéo dài, phân đờm nhớt và có máu). Bệnh có thể diễn tiến gây tắc ruột và lao màng bụng. Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong phân, nội soi đại tràng sinh thiết cho thấy những hình ảnh tổn thương và tìm tế bào điển hình của lao. Việc điều trị lao ruột cũng phải theo phác đồ điều trị lao chung với các thuốc đặc hiệu như isoniazit, riafampin, pyrazinamid, ethambutol. Khi có biến chứng tắc ruột cần phải phẫu thuật cấp cứu.
Viêm loét đại tràng vô căn: Bệnh không tìm thấy nguyên nhân như vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm hay virut ở đại tràng. Nguyên nhân có thể liên quan đến những rối loạn miễn dịch và xảy ra trên những bệnh nhân bị stress nặng. Bệnh có thể diễn tiến thủng ruột hoặc phình đại tràng và ung thư hóa. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào nội soi đại tràng và sinh thiết. Về điều trị: cần cho bệnh nhân ăn thức ăn dễ tiêu, tránh sữa, dùng các thuốc chống tiêu chảy. Có khi cần sử dụng corticoid và thuốc ức chế miễn dịch nếu bệnh nặng. Khi xảy ra biến chứng xuất huyết ồ ạt, nhiễm độc hoặc thủng đại tràng cần phải mổ cấp cứu.
Bệnh Crohn: là bệnh không rõ nguyên nhân, bệnh xảy ra ở cả ruột non và đại tràng, diễn tiến mạn tính với các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, sốt, đau hố chậu phải, dễ chẩn đoán nhầm với viêm ruột thừa. Bệnh gây ra những tổn thương co thắt, phù nề và xơ hóa gây hẹp lòng ruột dẫn đến tắc ruột, rò ruột, áp-xe và rò cạnh hậu môn.
Ngoài ra, còn gặp một số trường hợp đặc biệt như viêm đại tràng trên bệnh nhân AIDS, do Chlamydia, lậu herpes simplex virut và viêm đại tràng sau xạ trị vùng bụng và chậu. Việc chẩn đoán và điều trị do những nguyên nhân này thường rất khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên cũng cần phân biệt với bệnh đại tràng chức năng, hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng co thắt... là những bệnh chỉ gây rối loạn chức năng đại tràng nhưng không có tổn thương thực thể ở đại tràng.
Biến chứng nguy hiểm
Viêm đại tràng mạn tính là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương sâu và rộng khu trú hoặc lan tỏa trên biểu mô niêm mạc đại tràng. Tại Việt Nam, số người bị mắc bệnh viêm đại tràng mạn tính đang có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân càng cao tuổi, bệnh càng diễn tiến lâu dài thì nguy cơ dẫn tới biến chứng nguy hiểm càng cao.
Biến chứng thường gặp là bệnh nhân có thể bị xuất huyết ồ ạt do viêm đại tràng mạn tính nên niêm mạc đại tràng đã tổn thương không được phục hồi vô cùng yếu ớt, lại viêm nhiễm nghiêm trọng. Do đó, sau khi chịu những tác nhân kích thích như dùng rượu bia, ăn thực phẩm kém vệ sinh hay sử dụng kháng sinh quá mức... sẽ gây xuất huyết ồ ạt hoặc đại tràng nhiễm độc.
Viêm đại tràng mạn tính sau các đợt điều trị kháng sinh khiến cho lợi khuẩn đường ruột bị tiêu diệt, lớp lông nhung trơ trọi. Vì thế mà các vết viêm loét đại tràng ăn sâu vào bào mỏng thành đại tràng, tiếp tục phát triển và đến một lúc nào đó sẽ gây thủng đại tràng. Thủng đại tràng nếu không được cứu chữa kịp thời thì nguy hiểm đến tính mạng rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, do viêm làm chức năng tiêu hóa của đại tràng suy giảm, không chỉ một vài tổn thương mà toàn bộ cấu trúc bị giãn, dẫn đến nguy cơ loét và thủng nguy hiểm. Biến chứng giãn đại tràng cấp tính có thể khiến bệnh nhân bị đau bụng dữ dội, hôn mê, không được cấp cứu kịp thời thì tỉ lệ tử vong rất lớn.
Đặc biệt, viêm đại tràng mạn tính là niêm mạc đại tràng viêm loét kéo dài, tái phát liên tục, khiến tế bào biểu mô niêm mạc có nguy cơ loạn sản, chuyển sang tế bào ác tính, sau đó phát triển sang ung thư đại tràng, quá trình phát triển tích lũy kéo dài 7 - 10 năm.
Viêm đại tràng mạn là một bệnh thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây nên việc chẩn đoán thường khó, điều trị kéo dài vì bệnh hay tái phát, vì vậy phòng bệnh rất quan trọng. Để phòng bệnh cần chú ý vệ sinh thực phẩm, ăn uống; không uống sữa bò tươi chưa tiệt trùng, tránh dùng kháng sinh kéo dài, điều trị tích cực khi bị lao phổi. Đặc biệt khi thấy rối loạn đi cầu, phân đờm, cần khám chuyên khoa tiêu hóa để xác định nguyên nhân, lưu ý loại trừ bệnh ác tính ở đại tràng.