Chủng tộc và giới tính
Người châu Á và các đảo Thái Bình Dương mắc ung thư gan nhiều hơn những người thuộc các chủng tộc khác. Ung thư gan phổ biến hơn ở nam giới so với phụ nữ.
Viêm gan siêu vi B
Viêm gan siêu vi B mạn tính là một yếu tố nguy cơ chính phát triển ung thư gan và là nguyên nhân hàng đầu của ung thư gan ở châu Phi và châu Á. Nghiên cứu cho thấy, người mang bệnh viêm gan siêu vi B mạn tính có nguy cơ phát triển ung thư gan cao gấp 100 lần so với người không mang bệnh.
Viêm gan siêu vi C
Viêm gan siêu vi C cũng là một yếu tố nguy cơ chính cho sự phát triển của ung thư gan. Khi bệnh viêm gan siêu vi C được phát hiện và điều trị bằng thuốc kháng virus, nguy cơ xơ gan và ung thư gan có thể giảm đáng kể.
Ung thư gan là căn bệnh khá phổ biến và tỷ lệ sống sót thấp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là một tình trạng tương tự như bệnh gan do rượu, nhưng sẽ dẫn đến sự tích tụ mỡ trong gan và hình thành nên gan nhiễm mỡ theo một cơ chế khác. Đây là một bệnh tự miễn dịch và có thể có yếu tố di truyền. Với NAFLD, nguy cơ ung thư gan tăng lên. Hội chứng chuyển hóa có liên quan mật thiết với NAFLD, cũng có thể là một yếu tố nguy cơ của ung thư gan.
Sự ức chế miễn dịch
Ức chế miễn dịch làm tăng nguy cơ ung thư gan, cũng như các bệnh ung thư khác. Những người được ghép nội tạng có nguy cơ phát triển ung thư gan cao gấp đôi so với dân số chung và nguy cơ này thậm chí còn cao hơn đối với những người đã được ghép gan. Bị nhiễm HIV/AIDS có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư gan cao gấp 5 lần.
Lupus ban đỏ hệ thống
Lý do chưa được kết luận chắc chắn, nhưng những người bị Lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ phát triển ung thư gan cao hơn gấp đôi.
Bệnh đái tháo đường
Những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan cao gấp 2-3 lần so với dân số chung. Điều đáng quan tâm là thuốc điều trị đái tháo đường Glucophage (metformin) có thể làm giảm nguy cơ này.
Phơi nhiễm hóa chất và nguy cơ do nghề nghiệp
Tiếp xúc với một số hóa chất có liên quan đến sự phát triển của ung thư gan. Một sự phơi nhiễm mà cộng đồng có thể gặp phải là asen trong nước giếng. Phơi nhiễm do nghề nghiệp cũng đáng quan tâm, bao gồm tiếp xúc với các chất như vinyl clorua (có trong nhựa), acrylamide, PFOA hoặc axit perfluorooctanoic (được tìm thấy trong các phương pháp giặt khô), polychlorinated biphenyls (PCB), perfluorinated (PFC), benzo pyrene (BaP) và trichloroethylene.
Viêm đường mật xơ cứng
Viêm đường mật xơ cứng gây ra tình trạng viêm và tạo sẹo đường mật khiến mật trào ngược vào gan. Khoảng 10-15% những người bị viêm đường mật xơ cứng phát triển thành ung thư đường mật.
Phơi nhiễm chất aflatoxin
Đây là một yếu tố nguy cơ quan trọng ở nhiều quốc gia. Aflatoxin B1 là một loại độc tố do nấm (thuộc giống Aspergillus) sinh ra trên các loại thực phẩm như lúa mì, đậu phộng, đậu nành và ngô. Chất độc này gây ra thiệt hại cho gene p53 trong tế bào gan - một gene ức chế khối u giúp sửa chữa DNA bị hư hỏng và ức chế sự phát triển của các tế bào có hại. Nghiên cứu đang được tiếp tục tiến hành tìm hiểu xem aflatoxin tự gây ung thư gan hay là một đồng yếu tố khi kết hợp với bệnh viêm gan siêu vi B.
Di truyền học
Ung thư gan có yếu tố di truyền gia đình, nếu có người thân mắc ung thư gan sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nguy cơ cao nhất khi có người thân là cha mẹ, anh chị em ruột mắc ung thư gan.
Các yếu tố nguy cơ liên quan lối sống
Các yếu tố liên quan lối sống rất quan trọng trong sự phát triển của ung thư gan. Đây là những yếu tố nguy cơ bạn có thể điều chỉnh và kiểm soát được.
Sử dụng rượu quá mức và lâu dài: Sử dụng rượu quá mức, trong thời gian dài có thể gây ra một số bệnh về gan, bao gồm viêm gan do rượu và bệnh gan do rượu. Theo thời gian, xơ gan phát triển với hình thành sẹo nhu mô gan rõ rệt và dẫn đến suy gan. Ung thư gan chủ yếu liên quan đến việc uống nhiều rượu hoặc uống nhiều hơn 3 ly mỗi ngày, mặc dù lượng ít hơn vẫn có thể gây ra bệnh gan và không thể hồi phục. Nhiễm độc rượu cấp, mặc dù không liên quan đến ung thư gan trong thời gian ngắn, nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc các hành vi liên quan đến mắc bệnh viêm gan siêu vi B hoặc C.
Hút thuốc lá: Hút thuốc lá một yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh ung thư, và ung thư gan cũng không ngoại lệ. Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa hút thuốc lá và ung thư gan, những người vừa hút thuốc lá vừa uống rượu nhiều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đáng kể. Trẻ em được sinh ra từ cha mẹ hút thuốc lá trước hoặc trong khi mang thai có nguy cơ mắc một loại ung thư gan hiếm gặp gọi là u nguyên bào gan.
Béo phì: Bản thân vai trò của béo phì đối với ung thư gan chưa được kết luận chắc chắn, nhưng béo phì làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gan không do rượu là rõ ràng, và tình trạng này làm tăng gấp 4 lần nguy cơ ung thư gan, cũng như tăng gấp 3 lần nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Sử dụng steroid đồng hóa: Steroid đồng hóa là chất thường chất được vận động viên cử tạ và thể hình sử dụng để xây dựng cơ bắp, đây được xem là một yếu tố nguy cơ gây bệnh gan và ung thư gan.
Các yếu tố nguy cơ khác
Có thể có một số nguy cơ liên quan đến bức xạ y tế do tia X gây ra. Ký sinh trùng gây bệnh sán máng đang được nghiên cứu về vai trò có thể có trong ung thư gan. Viêm gan tự miễn và sỏi mật cũng là những yếu tố nguy cơ gây ung thư gan đang được đề cập.