1. Ai là người cần bổ sung vitamin?
Những đối tượng sau đây dễ bị thiếu hụt và cần phải bổ sung vitamin:
- Người cao tuổi: Nhiều người cao tuổi gặp khó khăn khi nhai và nuốt hoặc ăn uống không đầy đủ, do đó không hấp thu đủ lượng vitamin cần thiết cho cơ thể.
- Phụ nữ mang thai: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên cân nhắc bổ sung vitamin tổng hợp hằng ngày có chứa folate (axit folic). Nếu dùng sớm trong thai kỳ có thể làm giảm nguy cơ dị tật não và tủy sống ở phôi thai đang phát triển.
Vitamin là những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
- Một số bệnh liên quan đến tiêu hóa: Một số bệnh (bệnh celiac, viêm loét đại tràng và xơ nang), người phẫu thuật cắt dạ dày… có thể cản trở quá trình tiêu hóa bình thường khiến cho việc hấp thu vitamin khó khăn.
- Một số loại thuốc: Thuốc ức chế bơm proton trị chứng trào ngược axit dạ dày và ợ nóng có thể ngăn cơ thể hấp thụ vitamin B12 đúng cách; một số loại thuốc điều trị bệnh Parkinson cũng ức chế sự hấp thụ vitamin B; thuốc lợi tiểu, dùng để hạ huyết áp, có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ magiê, kali và canxi của cơ thể...
2. Những vitamin nào cơ thể dễ bị thiếu hụt?
2.1. Vitamin D
Tình trạng thiếu vitamin D đặc biệt phổ biến khi cơ thể già đi do việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít hơn cùng với mối lo ngại về ung thư da khi tiếp xúc với tia UV. Các dấu hiệu thiếu hụt vitamin D bao gồm: Mệt mỏi, đau xương, thay đổi tâm trạng, đau cơ và suy nhược.
Có thể bổ sung thực phẩm giàu vitamin D trong sữa bò, ngũ cốc tăng cường, sữa đậu nành, nấm, cá ngừ đóng hộp, tôm và cá hồi. Lượng khuyến nghị dùng vitamin D bổ sung hàng ngày là 600 IU cho người lớn đến 70 tuổi và 800 IU cho những người từ 71 tuổi trở lên.
2.2. Sắt
Các tế bào hồng cầu, mang oxy đi khắp cơ thể, dựa vào nguồn dự trữ sắt đầy đủ. Ở người mang thai hoặc các trường hợp ra máu nhiều trong những ngày kinh nguyệt có thể khiến cơ thể thiếu chất sắt. Thiếu sắt dễ cảm thấy lạnh, mệt mỏi hoặc khó thở, đau đầu thường xuyên.
Thông thường thực phẩm từ động vật cung cấp lượng sắt cao hơn và cơ thể hấp thụ sắt dễ dàng hơn từ các nguồn động vật. Các nguồn thực vật bao gồm đậu, đậu lăng, ngũ cốc, rau bina và ngũ cốc tăng cường... Phụ nữ trên 50 tuổi cần 8 mg sắt mỗi ngày, phụ nữ trẻ cần 18 mg sắt mỗi ngày.
2.3. Vitamin B12
Vitamin B12 rất quan trọng đối với sức khỏe của hệ thần kinh và sản xuất tế bào hồng cầu. Tuy nhiên, khi cơ thể già đi, việc hấp thụ vitamin B12 ngày càng kém hiệu quả hơn. Người ăn chay cũng có nguy cơ bị thiếu hụt cao hơn vì thực vật không chứa vitamin B12.
Các dấu hiệu thiếu hụt B12 bao gồm mệt mỏi do thiếu máu, tê tay, chân, hoa mắt, chóng mặt và bộ nhớ cũng có thể bị ảnh hưởng.
Vitamin B12 dễ tìm thấy trong cá, thịt gà, sữa và sữa chua, các loại ngũ cốc... Người lớn cần 2,4 microgam B12 mỗi ngày.
Thiếu vitamin B12 dễ gây hoa mắt, chóng mặt…
2.4. Canxi
Canxi giúp xương chắc khỏe, đồng thời cũng giúp kiểm soát chức năng cơ và thần kinh và điều chỉnh nhịp tim. Khi estrogen giảm trong cơ thể phụ nữ khi tuổi cao, khả năng hấp thụ canxi của cơ thể giảm đi và những người ăn kiêng thuần chay có thể tăng nguy cơ thiếu canxi.
Thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa bò, sữa đậu nành hoặc sữa hạnh nhân tăng cường, sữa chua, pho mát, ngũ cốc tăng cường canxi và các loại rau có màu xanh đậm như cải xoăn, bông cải xanh.
Đa số người lớn cần 1.000 mg mỗi ngày, nhưng với phụ nữ trên 50 tuổi cần 1.200 mg.
Thật khó có thể biết chắc chắn được rằng bạn đang thiếu vitamin nào. Do đó, việc xác định cần phải được thông qua những kiểm tra tại cơ sở y tế.
Để đảm bảo cơ thể không bị thiếu vitamin, các chuyên gia khuyến cáo, nên thực hiện chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, lành mạnh, khoa học kết hợp với việc tập luyện thường xuyên. Ngoài ra, với những đối tượng cần thiết phải bổ sung vitamin nên đến thăm khác tại các cơ sở y tế đáng tin cậy để được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn cách dùng thuốc an toàn, hiệu quả.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Mùa lạnh đừng để viêm phổi 'tấn công'