Hà Nội

Điểm mặt bệnh mùa nắng nóng ở trẻ và cách dự phòng

01-06-2023 05:52 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Thời tiết nắng nóng kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Trẻ nhỏ dễ mắc phải các bệnh trong giai đoạn này, nhất là trẻ dưới 3 tuổi, vì sức đề kháng ở trẻ còn yếu.

3 ghi nhớ để phòng bệnh mùa nắng nóng cho trẻ3 ghi nhớ để phòng bệnh mùa nắng nóng cho trẻ

SKĐS - Mùa hè nắng nóng là nỗi lo ngại lớn đối với nhiều phụ huynh. Nhiệt độ tăng cao bất thường sẽ kèm theo nguy cơ trẻ bị suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng. Dưới đây là những lưu ý để cha mẹ biết cách chăm sóc trẻ phòng bệnh mùa nắng nóng.

Dưới đây là những lưu ý mà cha mẹ cần biết về một số bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng 

1. Nắng nóng dễ khiến trẻ mắc tiêu chảy cấp - ngộ độc thức ăn

Bệnh tiêu chảy cấp - ngộ độc thức ăn rất phổ biến ở trẻ em < 5 tuổi ở các nước đang phát triển. Nhất là trong mùa nắng nóng, thực phẩm thường dễ bị ôi thiu, nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ sau này.

Khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ cần chú ý bù đủ nước cho trẻ. Tái khám kịp thời khi: Trẻ đi tiêu nhiều lần, phân nhiều nước hơn; khát nhiều, kích thích, vật vã; sốt cao; phân có nhầy đờm hoặc máu; nôn ói mọi thứ; không ăn uống được...

Để dự phòng tiêu chảy cấp và ngộ độc thức ăn cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý nuôi con bằng sữa mẹ đối với trẻ dưới 24 tháng tuổi, thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng, cho trẻ tiêm vaccine phòng bệnh Rotavirus, tả, thương hàn… Ngoài ra, mùa hè cần chú ý đến việc lựa chọn, chế biến thực phẩm cho trẻ. Cần cho trẻ vệ sinh tay trước và sau khi đi vệ sinh, điều này sẽ giúp trẻ tránh tình trạng nhiễm bệnh.

2. Trẻ dễ mắc viêm đường hô hấp trên 

Viêm đường hô hấp trên dễ gặp ở trẻ và đây là bệnh lý có nguyên nhân hàng đầu đưa trẻ đến khám bệnh tại các cơ sở y tế. Khi mắc viêm đường hô hấp trên cấp, trẻ thường có biểu hiện: Sốt, ho, hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, buồn nôn, nôn…

Bệnh thay đổi từ nhẹ (có thể tự giới hạn) đến nặng, nguy kịch. Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, vệ sinh răng miệng - mũi họng, giữ ấm cho trẻ lúc về đêm khi sử dụng quạt, máy lạnh,  cho trẻ nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, sử dụng thuốc giảm đau - hạ sốt khi cần thiết.

Cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khi trẻ có các biểu hiện nặng hơn hoặc không yên tâm về tình trạng của trẻ. Các biểu hiện cần khám ngay là khi trẻ sốt cao, đau đầu tăng dần, nôn ói, ăn uống kém, khó thở, thở nhanh, tím tái...

Để phòng bệnh viêm đường hô hấp trên cấp trong mùa hè, cha mẹ nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung đầy đủ dưỡng chất, ăn nhiều các loại hoa quả để tăng cường vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, việc vệ sinh sạch sẽ tay chân miệng, tai mũi họng và cơ thể trẻ hàng ngày giữ vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh cho trẻ, giúp trẻ tránh được các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh từ những trẻ khác. Đặc biệt, cần lưu ý tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, nhất là các loại vaccine phòng bệnh đường hô hấp như vaccine cúm phòng bệnh cúm mùa…

Điểm mặt bệnh mùa nắng nóng ở trẻ và cách dự phòng - Ảnh 2.

Thời tiết nắng nóng kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, khiến trẻ dễ bị ốm. Ảnh minh hoạ.

3. Trẻ dễ bị nhiễm virus

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1/3 số trẻ em trên toàn thế giới bị lây nhiễm các loại virus và đặc biệt trẻ em cũng được xếp vào nhóm có tỉ lệ tử vong cao do virus gây nên. Đây là tác nhân gây bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các biểu hiện: Sốt, phát ban, ho, nhảy mũi, ngứa mũi, chảy nước mắt, đau đầu, đau cơ, đau mắt… một số có thể biếng ăn, nôn ói, mệt mỏi nhiều... khiến người thân lo lắng.

Bệnh có thể tự giới hạn sau 5 - 7 ngày nếu được chăm sóc và theo dõi đúng cách. Tuy nhiên, có một số tác nhân siêu vi gây bệnh nguy hiểm trong mùa hè mà cha mẹ cần chú ý như: Viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết Dengue... khiến nguy hại đến sức khỏe của trẻ. Đặc điểm chung là bệnh lây truyền do bị muỗi đốt, vì vậy, dự phòng cho trẻ bằng cách: Vệ sinh môi trường sạch sẽ, cho trẻ ngủ màn để tránh bị muỗi đốt, tiêm ngừa vaccine viêm não Nhật Bản. Riêng với sốt xuất huyết Dengue hiện chưa có có vaccine phòng bệnh, dự phòng chủ yếu dựa vào vệ sinh môi trường, tránh để bị muỗi đốt, diệt lăng quăng.

4. Một số bệnh lý khác

Với thời tiết mùa hè nóng bức, nhiệt độ môi trường tăng cao khiến trẻ em dễ bị chứng rôm sảy, gây ngứa ngáy rất khó chịu, trẻ có thể bị say nắng nếu chơi ngoài trời nắng nóng quá lâu, cơ thể trẻ sẽ bị mất nước và muối khoáng khá nhiều qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở.

Do đó, khi ra ngoài trời nắng, cha mẹ cần cho trẻ đội mũ, nón, mặc quần áo chống nắng. Đặc biệt, cần bổ sung nhiều nước, muối khoáng, nước hoa quả tươi... để cung cấp đủ vitamin và chất điện giải cho trẻ.

Mời độc giả xem thêm video:

Những Lưu Ý Cho Người Viêm Da Cơ Địa Khi Trời Nắng Nóng | SKĐS

BS Lê Quốc Tùng
Ý kiến của bạn