Điểm mặt 5 bệnh về da thường gặp mùa mưa lũ và cách phòng ngừa

29-10-2021 07:57 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS- Điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm, chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, tạo thuận lợi cho một số bệnh ngoài da phát triển. Vậy cách nhận biết, xử trí và phòng bệnh như thế nào?

6 bệnh thường gặp sau mưa lũ: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp điều trị6 bệnh thường gặp sau mưa lũ: Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp điều trị

SKĐS - Sau mưa lũ sẽ là nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, chính vì vậy người dân cần nhận biết các dấu hiệu và biện pháp phòng ngừa. Dưới đây là một số bệnh thường gặp sau mưa lũ.

Mưa nhiều kèm theo thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm mốc sinh sôi nảy nở, gây các bệnh về da. Bên cạnh đó, vào mùa mưa nhiều nơi ngập úng, lũ lụt kèm theo các chất thải từ sinh hoạt nên nếu tiếp xúc với da dễ gây bệnh. Dưới đây là 5 loại bệnh về da dễ gặp phải mùa mưa lũ.

1. Các bệnh nấm da

Mùa mưa lũ, nguồn nước bị ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển. Vị trí thường nhiễm nấm là nấm thân mình, nấm bàn tay, bàn chân, nấm kẽ ngón, nấm da đầu, nấm móng, nấm bẹn...

Biểu hiện của nấm da là các tổn thương là các đám da có mụn nước tróc vảy, bờ nổi gồ, lan rộng dần, có thể có các sẩn đỏ hoặc mụn nước, ngứa ít hoặc không ngứa. Những tổn thương do gãi có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng da, chàm hóa gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe và công việc của người bệnh.

Với điều trị, nếu tổn thương nấm da ở mức độ nhẹ, diện tích nhỏ và không nặng các bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc kháng sinh chống nấm dùng ngoài da (dạng mỡ, dạng kem, dạng gel, dạng bột hoặc thuốc xịt, tắm…). Cũng có thể lấy lá trầu không vò đun sôi lấy nước ngâm rửa chỗ vùng da bị tổn thương.

Điểm mặt 5 bệnh về da thường gặp mùa mưa lũ và cách phòng - Ảnh 1.

Các bệnh về da dễ gặp mùa mưa lũ.

Các trường hợp tổn thương da diện tính rộng, nấm da nặng sẽ được chỉ định dùng các thuốc điều trị đặc hiệu. Điều lưu ý, chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu, tránh tự ý mua thuốc dùng hoặc theo hướng dẫn của người không phải là bác sĩ da liễu. Cần đến khám bệnh sớm, dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý dừng thuốc dù các triệu chứng bệnh đã hết vì sẽ làm tái phát bệnh.

Để phòng ngừa nấm da cần phải tránh tiếp xúc trực tiếp với nước bẩn. Vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm gội và giặt giũ quần áo. Những nơi dễ bị nấm như bộ phận sinh dục, bàn chân, ngón chân, nách cần được vệ sinh thường xuyên và giữ cho da luôn khô thoáng…

Tại nơi nước ngập úng sau khi tiếp xúc với nguồn nước bẩn cần vệ sinh rửa lại bằng nước sạch, sau đó lau khô, chú ý bàn chân, tay nhất là kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc nước. Rắc phấn rôm vào các vị trí ẩm ở bàn chân 1-2 lần/ngày. Phơi khô giày, ủng trước khi sử dụng. 

Khi có dấu hiệu bị nấm da cần đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết. Từ kết quả xét nghiệm sẽ được chỉ định điều trị đúng bệnh, đúng thuốc, đủ thời gian.

2. Viêm da tiếp xúc

Một số tác nhân từ ô nhiễm nguồn nước do mưa nhiều kèm theo chất bụi bẩn từ môi trường có thể dẫn tới viêm da tiếp xúc, khiến da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy,  gây khó chịu.

Viêm da tiếp xúc với biểu hiện rất đặc trưng là tình trạng da viêm đỏ, có thể xuất hiện các mụn nước, ngứa nhiều. Tiếp xúc với nguồn nước có chứa một số hóa chất, khí độc, vi sinh... gây kích ứng da, dễ dẫn đến bệnh này. Ngoài ra, việc sử dụng các chất sát khuẩn, tẩy rửa thường xuyên sau đợt lũ cũng làm tăng nguy cơ viêm da tiếp xúc ở những người có cơ địa dị ứng từ trước.

Chính vì vậy, để phòng bệnh cần tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng và giữ khô tổn thương để ngăn ngừa các bệnh da thứ phát. khi có biểu hiện viêm da cần đến cơ sở y tế để được hướng dẫn xử trí và dùng thuốc điều trị thích hợp. 

Điểm mặt 5 bệnh về da thường gặp mùa mưa lũ và cách phòng - Ảnh 2.

Tiếp xúc với nước bẩn dễ mắc viêm kẽ ngón chân

3. Viêm nang lông

Nếu cơ thể không sạch hay ẩm ướt do dính nước mưa sẽ khiến vi khuẩn phát triển mạnh ở nang lông: tóc, lông nách, ở bộ phận sinh dục... tạo thành những mụn nhỏ gây ngứa, chảy dịch, loét hay còn gọi là viêm nang lông.

Viêm nang lông có thể do vi khuẩn hoặc vi nấm tấn công. Nang lông bị viêm sẽ sưng đỏ, ngứa và có thể tạo mụn mủ. Thiếu nước sạch để tắm gội là nguyên nhân vi khuẩn phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày. 

4. Ghẻ

Bệnh ghẻ là một bệnh da khá phổ biến ở nước ta. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Bệnh lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn chiếu dính trứng ghẻ hoặc cái ghẻ.

Trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ cũng sinh sôi nảy nở và lây truyền rất nhanh từ người sang người. Bệnh do ký sinh trùng có tên gọi Sarcoptes Scabies xâm nhập vào da, gây sẩn hồng ban mụn nước, rãnh ghẻ.

Vị trí hay gặp là kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, lưng quần, vùng bụng, mặt trong đùi, mông bẹn, sinh dục, nếp lằn vú, nách. Hiếm khi thấy ghẻ trên lưng, mặt. Ghẻ chủ yếu gây ngứa và khó chịu cho người bệnh hoặc mất thẩm mỹ nếu vết thương kéo dài không khỏi.

Điều trị bệnh ghẻ cần vệ sinh cá nhân và bôi thuốc trị ghẻ theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi tiếp xúc với nước bẩn, cần tắm rửa ngay bằng nước sạch, lau khô người, đặc biệt những vùng dễ đọng nước như kẽ ngón chân, ngón tay. Giặt quần áo, ga, gối bằng cách luộc hoặc phơi nắng, ủi hai mặt để đảm bảo vệ sinh.

Điểm mặt 5 bệnh về da thường gặp mùa mưa lũ và cách phòng - Ảnh 3.

Mưa lũ khiến nhiều nơi ngập úng, lũ lụt kèm theo các chất thải từ sinh hoạt nên nếu tiếp xúc với da dễ gây bệnh

5. Nhiễm trùng da

Nhiễm trùng da do vi khuẩn và nấm là bệnh da thường gặp nhất sau đợt lũ. Nguy cơ nhiễm trùng tăng lên sau các tổn thương da ( viêm da mủ, viêm nang lông, bệnh viêm kẽ …) và ở những người mắc bệnh mạn tính như: tiểu đường, suy tĩnh mạch mãn tính và suy giảm miễn dịch. Tụ cầu và liên cầu vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm trùng da sau mỗi trận lũ lụt.

Tuy nhiên, việc tiếp xúc với nước lũ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng các vi khuẩn không điển hình. Nhiễm nấm như nấm da cũng đã được báo cáo đặc biệt là ở những vùng khí hậu ấm ẩm như Việt Nam.

Để đối phó với bệnh này, cần giữ vệ sinh sạch sẽ sau khi lao động môi trường ẩm ướt, cần phải rửa sạch bằng xà phòng, lau khô da sau giờ lao động. Khi có biểu hiện bệnh lý cần sát khuẩn da bằng dung dịch Betadin, xanh metilen… khi đã có biểu hiện nhiễm trùng thì cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và điều trị thích hợp.

Lời khuyên bác sĩ

Để phòng bệnh ngoài da cần chăm sóc và bảo vệ da kỹ hơn trong mùa mưa bão. Một số bệnh có thể tự khỏi song đa số đều phải điều trị thuốc, nhất là với làn da nhạy cảm hoặc từng có tiền sử mắc bệnh về da.

Khi nước rút, người dân cần dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh, ăn chín uống sôi và dùng nước sạch để sinh hoạt. Hạn chế lội hay ngâm mình trong nước bẩn. Nếu bắt buộc phải lội, bạn nên đi giày, ủng, găng tay để bảo vệ da.

Khi vết thương lan rộng, bạn nên hạn chế gãi và đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh đúng cách. Mùa mưa lũ tại nhà nên có một số dung dịch sát khuẩn như oxy già, dung dịch thuốc tím, xanh methylen, clorhexidin, cloramin B... để rửa vết thương trước khi bôi thuốc hoặc sát trùng sau khi lội nước bẩn.

Video bạn quan tâm

Ảnh hưởng áp thấp mưa ngập nhiều đoạn đường ở Nha Trang (Khánh Hòa)



ThS.BS Nguyễn Thị Thảo
Ý kiến của bạn