Điểm lại những vụ tai biến kinh hoàng do “nâng cấp” cơ thể

10-01-2018 07:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Bài 3: Làm gì để quản lý hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ?

Trên các số gần đây, báo Sức khỏe&Đời sống đã có các bài phản ánh về hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) hiện nay, trong đó đề cập đến các ca tai biến thẩm mỹ; hiện trạng hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ và ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này. Để làm rõ thêm những nội dung liên quan, PV báo SK&ĐS đã trao đổi với các cơ quan quản lý về vấn đề bạn đọc quan tâm.

Điểm lại những vụ tai biến kinh hoàng do “nâng cấp” cơ thể phần 2

Tiếp theo số 5

Hà Nội: Chấn chỉnh và xử lý nghiêm nếu vi phạm

Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết: Trước nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ, các cơ sở phun, xăm thẩm mỹ đua nhau “mọc” lên như nấm. Ngoài các cơ sở được cấp phép, một số chủ cơ sở phun, xăm thẩm mỹ mặc dù không có chứng chỉ hành nghề song vẫn công khai hoạt động. Hầu hết họ chỉ theo học các khóa đào tạo phun, xăm thẩm mỹ ngắn ngày ở một vài Trung tâm rồi về mở cửa hàng. Tuy nhiên, với việc dễ dãi lựa chọn các cơ sở phun, xăm thẩm mỹ, nhiều người đã phải chuốc lấy hậu quả đáng tiếc.

PGS. Tăng Chí  Thượng - Phó GĐ Sở Y tế TP. HCM.

PGS. Tăng Chí  Thượng - Phó GĐ Sở Y tế TP. HCM.

Theo ông Trung, hiện nay, Sở Y tế Hà Nội mới chỉ cấp phép cho khoảng hơn 50 cơ sở, phòng khám chuyên khoa dịch vụ thẩm mỹ. Mặc dù phun, xăm thẩm mỹ có những ảnh hưởng và tác động nhất định đối với sức khỏe của con người, song đối chiếu Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, việc phun, xăm thẩm mỹ lại không có tên trong tất cả các danh mục tạo hình thẩm mỹ nên cũng không thể nói các cơ sở này vi phạm do không có giấy phép hoạt động. Vì vậy, việc kiểm tra và xử lý hành chính đối với các cơ sở này còn gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Nghị định 109/NĐ-CP của Chính phủ, vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng đi kiểm tra một vài cơ sở. Mục đích là tuyên truyền nhắc nhở đối với các cơ sở không phép vi phạm lần đầu.

Ông Nguyễn Quang Trung cũng cho biết thêm: UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND về việc quản lý các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, các UBND quận, huyện, thị xã sẽ phải chịu trách nhiệm toàn diện đối với hoạt động y dược tư nhân trên địa bàn. Để tránh những hệ lụy do PTTM, người có nhu cầu thẩm mỹ nên lựa chọn cơ sở y tế có uy tín và bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình. Đặc biệt, đối với những trường hợp thẩm mỹ cần gây mê toàn thân như tạo hình thành bụng, căng da mặt... thì cần đến cơ sở y tế có các chuyên khoa sâu như cận lâm sàng, hồi sức cấp cứu, gây mê... để khi phẫu thuật được gây mê an toàn cũng như được xử trí kịp thời những tai biến có thể xảy ra. Ngoài ra, Sở Y tế tăng cường kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp (spa) để phát hiện, xử lý kịp thời hành nghề PTTM, quảng cáo sai sự thật.

Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội.

Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội.

TP.HCM hướng tới xây dựng bản đồ thẩm mỹ

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, trên địa bàn thành phố có 185 cơ sở khám chữa bệnh có loại hình PTTM, bao gồm: bệnh viện công lập có khoa/đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh viện chuyên khoa PTTM tư nhân, bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa PTTM, bệnh viện chuyên khoa tư nhân có đơn vị PTTM, phòng khám đa khoa tư nhân có chuyên khoa PTTM và  phòng khám chuyên khoa PTTM. Trong khi hệ thống chăm sóc da và thủ thuật gây chảy máu tràn lan ở các con hẻm và đường phố với gần 10.000 cơ sở lớn nhỏ.

PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong một buổi hoạt động với hội PTTM TP.HCM đã đặt hàng Hội phải làm thế nào để tạo dựng được thương hiệu của ngành PTTM ở TP.HCM không chỉ trong nước và cả quốc tế. Hiện nay, thực trạng ngành thẩm mỹ vẫn còn nhiều hạt sạn, nhiều cơ sở trá hình, nhiều người trá hình hoạt động thẩm mỹ. Việc quản lý các cơ sở vừa không đăng ký vừa trá hình gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khi cơ quan quản lý đến kiểm tra cơ sở, người đã biến mất hoặc bác sĩ nước ngoài bay qua làm ngay trong khách sạn rồi bay về nước.

Do đó, Sở Y tế TP.HCM kêu gọi việc quản lý trên địa bàn, phối hợp với Hội Y học và Hội PTTM, song song với Phòng Y tế quản lý hành nghề, thực hiện kiểm tra định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất. Kết quả sẽ phải báo cáo cho Sở Y tế biết trên địa bàn có bao nhiêu cơ sở hành nghề thẩm mỹ. Người dân cũng phải tham gia giám sát, phát hiện và báo cáo cho cơ quan chức năng. Điều này chính là góp phần xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề trong ngành thẩm mỹ, ở rất nhiều cơ sở hành nghề, cần phải làm rõ cơ sở nào làm nghiêm túc, cơ sở nào làm không nghiêm túc và phải công khai thông tin cho người dân biết. Hiện nay, thông tin trá hình xuất hiện nhiều hơn các thông tin chính thống nên vai trò của Hội PTTM rất quan trọng trong việc tăng cường thông tin. Nói cách khác, theo TS. Tăng Chí Thượng, ngành y tế TP.HCM sẽ xây dựng một bản đồ thẩm mỹ, hướng tới du lịch - y tế với những đánh giá chất lượng. Muốn như vậy, các chuyên gia của Hội PTTM sẽ phải làm việc với các chuyên viên của Sở Y tế để xây dựng các tiêu chí chất lượng, sau đó sẽ phổ biến và đánh giá công khai để người dân chọn lựa…


Trần lâm - An Quý
Ý kiến của bạn