Tiếp theo số 3
Vì sao nhiều tai biến phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) vẫn xảy ra khiến nhiều người vì nhu cầu làm đẹp mà đẹp đâu chưa thấy đã phải rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”? Đi tìm lời giải cho câu hỏi này, chúng tôi đã nhận ra được không ít tồn tại... từ chính các cơ sở này cũng như phần nào có sự cả tin của người sử dụng dịch vụ PTTM.
Nhiều cơ sở thực hiện quá chức năng
Tháng 9/2017, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội do ông Tô Tử Anh, Phó Trưởng phòng Hành nghề y dược tư nhân - Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã phát hiện Thẩm mỹ viện Rose (ở địa chỉ 47 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) quảng cáo và thực hiện nhiều dịch vụ không thuộc phạm vi chuyên môn được cấp phép, đó là dịch vụ tiêm giảm béo.
Trên danh sách khách hàng thực hiện dịch vụ tiêm giảm béo, đại diện đoàn kiểm tra đã thực hiện cuộc điện thoại gọi ngẫu nhiên tới số điện thoại của 2 khách hàng đang được lưu tại đây, một khách hàng đang thực hiện liệu trình tiêm giảm béo cho biết đã được nhân viên tên S. ở đây tiêm 2 mũi giảm béo vào vùng bụng với giá 5 triệu đồng nhưng chưa thấy hiệu quả. Một khách hàng khác cũng thừa nhận đang thực hiện liệu trình tiêm giảm béo tại thẩm mỹ viện này. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện fanpage của Thẩm mỹ viện Rose quảng cáo bằng clip về dịch vụ truyền trắng tại cơ sở, trong clip có số điện thoại, tên và địa chỉ cơ sở này.
Những vi phạm tại Thẩm mỹ viện Rose không phải là cá biệt. Tình trạng thẩm mỹ viện và spa, thậm chí cơ sở gội đầu, làm đẹp cũng quảng cáo quá sự thật, lừa đảo người tiêu dùng đang phổ biến hiện nay. Điển hình tháng 11/2017, trường hợp Spa Kelly Trần (số 5 ngõ 47, phố Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội), bị khách hàng tố “làm hỏng khi cắt mí mắt cho khách hàng”, có giấy phép hành nghề nhưng không được cấp phép hoạt động.
Trước đó, vào tháng 5/2017, đoàn kiểm tra do bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn đã phát hiện Cơ sở thẩm mĩ Lavie en Rose Beauty & Spa (338C Bà Triệu) chưa được cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, chưa có văn bản và hồ sơ báo cáo Sở Y tế về hoạt động của cơ sở thẩm mỹ theo quy định.
Ngang nhiên quảng cáo nâng ngực, hút mỡ bụng khi không được cấp phép
Tại TP. Hồ Chí Minh, đầu tháng 8/2017, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an TP. Hồ Chí Minh, Phòng Y tế và công an phường 4, quận Phú Nhuận kiểm tra đột xuất cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép tại địa chỉ số 694/5 Nguyễn Kiệm (phường 4, quận Phú Nhuận). Qua kiểm tra, cơ sở này không có biển hiệu; chưa xuất trình được bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động. Trong khi đó, tại khu lầu 1 cơ sở này có một phòng tư vấn và các dụng cụ trang thiết bị y tế chuẩn bị thực hiện thủ thuật nâng mũi do bà Lê Thị Tuyết Nga thực hiện.
Trước đó, ngày 4/5, theo thông tin phản ánh của người dân về cơ sở hoạt động thẩm mỹ nhưng không có bảng hiệu, Thanh tra Sở Y tế kiểm tra và phát hiện ông Kim Hak Joong không có chứng chỉ hành nghề nhưng lại đang tư vấn cho bà N.M.P (thông qua người phiên dịch) về phương pháp tiêm botox tại phòng 1104 tòa nhà Somerset (8A Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1). Thanh tra Sở đã yêu cầu ông Kim Hak Joong ngưng ngay hoạt động tư vấn tiêm botox và chăm sóc da khi chưa có hồ sơ pháp lý theo quy định; đồng thời tiến hành xử phạt vi phạm hành chính ông Kim HaK Joong vì hành vi “hành nghề nhưng không có chứng chỉ hành nghề” và bà Hoàng Lệ Dung với hành vi “cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động”.
Vào cuối tháng 7, Thanh tra Sở Y tế cũng đã tạm ngưng hoạt động cơ sở Thẩm mỹ Việt Thành (quận 10) vì có nhiều dấu hiệu vi phạm. Theo đó, ngày 20/7, một nạn nhân người nước ngoài đã tử vong tại thẩm mỹ viện này khi làm phẫu thuật thẩm mỹ cắt da dư vùng bụng.
Sau khi sự việc xảy ra, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra và phát hiện cơ sở này thực hiện phẫu thuật cắt da thừa vùng bụng nằm ngoài danh mục kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt, phòng khám không đảm bảo an toàn cho công tác khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, cơ sở này còn quảng cáo trên facebook và trên website với những kỹ thuật ngoài danh mục được cấp phép là nâng ngực, hút mỡ bụng... trong khi chỉ được phép tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, tạo hình gò má, mũi...
Các chuyên gia PTTM nói gì?
TS.BS. Nguyễn Huy Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình BV TW Quân đội 108:
Tai biến trong PTTM là tai biến chung trong ngành ngoại khoa. Đã sử dụng thuốc, phương tiện phẫu thuật... rất dễ xảy ra tai biến. Tai biến đó có thể ít hay nhiều tùy thuộc vào điều kiện hoạt động của người bác sĩ có chuyên môn hay mới vào nghề và trang thiết bị của cơ sở đó có đầy đủ điều kiện, trang thiết bị hành nghề PTTM và cấp cứu các biến chứng hay không...
Bởi vậy, để hạn chế các tai biến trong PTTM, các cơ quan quản lý đã có quy trình cấp phép và công tác kiểm tra giám sát rất chặt chẽ. Trong danh mục, các cơ quan nhà nước chỉ quản lý các khoa PTTM trong các BV công, các BV PTTM tư nhân và các cơ sở PTTM. Trong đó các BV được làm tất cả các phẫu thuật chuyên môn, còn các cơ sở PTTM được làm các thủ thuật đến gây tê và dưới gây tê. Một bác sĩ đủ điều kiện cấp phép hành nghề phải có đủ 5 năm kinh nghiệm, phải có bằng PTTM, ngoài ra là các bằng nâng cao như thạc sĩ, tiến sĩ... cũng là điều kiện cần và đủ để cấp phép. Tuy nhiên, thực tế thời gian gần đây, các ca tai biến, biến chứng do PTTM vẫn xảy ra không ít, thậm chí có nhiều ca tai biến nghiêm trọng và đã có một số trường hợp tử vong. Đây là một thực tế rất đáng quan ngại.
Hiện nay, khi nhu cầu PTTM của người dân ngày càng tăng cao, dịch vụ làm đẹp trở thành thị trường “màu mỡ”, tại các thành phố lớn, bên cạnh khoảng 60 cơ sở thẩm mỹ là các BV thẩm mỹ, khoa thẩm mỹ trong các BV công thì hàng trăm các spa, cơ sở chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện, phòng PTTM cũng đua nhau mọc lên và làm các thủ thuật chuyên môn vượt mức cho phép. Thực chất các spa chỉ được cấp phép là nơi chăm sóc làm đẹp nhưng không ít cơ sở spa lại hoạt động chui, làm luôn cả các thủ thuật của phòng PTTM như nâng sống mũi, nhấn mí, tiêm chất làm đầy (chỗ lõm, bơm mặt gầy...)
Ngoài ra là sự nhập nhằng đánh lận tên, có không ít thẩm mỹ viện mọc lên, thực chất cũng chỉ làm spa nhưng họ cố tình đặt thành tên kêu như vậy khiến nhiều người dân rất dễ lầm tưởng đó là BV hay cơ sở PTTM. Mặt khác cũng có nhiều cơ sở thẩm mỹ chỉ vì lợi nhuận, thuê bác sĩ tay nghề thấp để trả lương thấp như bác sĩ chưa có giấy phép hành nghề, nên hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ cũng có nguy cơ cao gây tai biến... Bởi vậy, để giảm thiểu các tai biến do PTTM, người dân cần tìm hiểu kỹ càng về cơ sở đó.
PGS.TS.BS. Lê Hành, Chủ tịch Hội PTTM TP.HCM:
Số ca biến chứng nâng mũi tăng khoảng 5% mỗi năm. Nhưng chỉ riêng 6 tháng năm 2017, biến chứng này đã tăng 35% so với 30% (2016). “Nhu cầu thẩm mỹ phát triển quá nhiều, quá lớn, số người tham gia trong lĩnh vực thẩm mỹ cũng quá đông, bác sĩ có giấy phép cũng có, bác sĩ chưa có giấy phép cũng có, không phải bác sĩ cũng có, những người không là gì cả cũng tham gia phẫu thuật thẩm mỹ. Chính vì vậy, những biến chứng, tai biến liên quan đến thẩm mỹ chắc chắn sẽ khó tránh khỏi” - BS. Lê Hành nói.
Theo BS. Lê Hành, tai biến, biến chứng PTTM có thể chia ra làm nhiều loại. Một là tai biến chung của mọi loại phẫu thuật có thể rất nặng nề, ví dụ: tai biến của gây mê (sốc thuốc phản vệ), trúng độc thuốc tê - thuốc mê, tai biến về đường thở, chảy máu, nhiễm trùng, thuyên tắc phổi - não do huyết khối... Hai là tai biến do cơ địa, do những bệnh tiềm tàng có sẵn trên người bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn đông máu, suy giảm miễn dịch... Ba là tai biến hay biến chứng của chính phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, gây biến dạng phần cơ thể được sửa chữa, tuy không ảnh hưởng đến sinh mạng nhưng lại ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần, khả năng làm việc cũng như hạnh phúc của bệnh nhân. Tai biến này thường phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ thực hiện một thủ thuật hay phẫu thuật quá khả năng về chuyên môn, chưa được đào tạo hay thiếu kinh nghiệm.
Tai biến nặng nề, có thể gây chết người thường do được thực hiện ở một nơi không an toàn, không đủ phương tiện cấp cứu. Tai biến thường xảy ra ở những người có bệnh tiềm ẩn và nặng như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, máu loãng, cơ địa dị ứng với thuốc... mà PTTM là cơ hội để tình trạng bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, những ca PTTM trên những bệnh nhân kèm theo bệnh lý nhưng nếu được chuẩn bị đầy đủ thường ít xảy ra tai biến. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho chính mình, giảm nguy hiểm đi một nửa, bệnh nhân phải hiểu rõ tật bệnh của mình và khai rõ cho bác sĩ biết; bệnh nhân có những mong ước cụ thể, khả thi; và bệnh nhân phải tuân thủ quy trình phẫu, thủ thuật. Đặc biệt, người đi làm đẹp cần đến những cơ sở PTTM có giấy phép hoạt động, được Nhà nước công nhận, trang thiết bị được thẩm định, cơ sở không làm quá phạm vi chuyên môn cho phép.
Bên cạnh đó, bác sĩ phải tư vấn và đồng thuận với bệnh nhân về mục đích sau cùng của phẫu thuật. Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân phải được thực hiện các tiền phẫu thông thường hoặc xét nghiệm tiền phẫu đặc biệt tùy thuộc vào bệnh căn, bệnh sử của bệnh nhân.