Có hơn 400 trực thăng Bell-505 hoạt động trên thế giới
Trực thăng Bell-505, tên đầy đủ là Bell-505 Jet Ranger X (JRX) là loại trực thăng một động cơ hạng nhẹ dùng trong dân sự, được chế tạo và sản xuất bởi hãng chuyên chế tạo trực thăng Bell Helicopter (Mỹ).
Trực thăng này dài 13 mét, cao 3,25 mét, nặng 989 kg, có 5 chỗ (1 ghế phi công và 4 ghế hành khách). Bell-505 có thể đạt vận tốc tối đa xấp xỉ 125 hải lý/giờ, tương đương 232 km/h.
Theo Bellflight, thế hệ trực thăng này được trang bị các công nghệ tiên tiến nhất cho đến nay, bao gồm bộ điện tử hàng không Garmin G1000H NXi với 2 màn hình 10,4 inch cung cấp đầy đủ thông tin quan trọng cho phi hành đoàn.
Cùng với đó là động cơ phản lực Safran HE Arrius 2R đi kèm công nghệ kiểm soát động cơ FADEC cho hiệu năng cao, được thiết kế theo tiêu chuẩn Mỹ để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng.
Giá mua mới của một chiếc trực thăng Bell-505 là khoảng 1,2 triệu USD (tương đương 28 tỷ đồng).
Hiện nay, có khoảng 400 chiếc Bell-505 đang hoạt động trên toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam có 2 chiếc tại Hạ Long mang số hiệu VN-8650 và VN-8651, được chứng nhận an toàn bởi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (US FAA) và Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EUASA).
Chỉ mới cách đây 2 tháng, Bell-505 đã trở thành loại trực thăng một động cơ đầu tiên thực hiện một chuyến bay sử dụng hoàn toàn nhiên liệu bền vững, thân thiện với môi trường.
Bell-505 gặp nạn 12 lần khiến 12 người thiệt mạng kể từ năm 2019
Theo dữ liệu Aviation Safety Network thuộc Flight Safety Foundation (Mỹ), dòng máy bay trực thăng Bell-505 đã gặp tổng cộng 12 vụ tai nạn trong 4 năm từ 2019 (chưa kể sự cố trực thăng mang số hiệu VN-8650 gặp nạn tại vịnh Hạ Long vào ngày 5/4).
Cụ thể: Bell-505 đã gặp sự cố tại 2 quốc gia châu Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc; 3 vụ xảy ra ở châu Âu gồm 2 vụ ở Thụy Sỹ và một vụ ở Georgia; 3 vụ ở Mỹ; 2 vụ ở Nam Phi; một vụ ở Kenya và một vụ ở Australia.
Trong đó có 4 vụ tai nạn gây thương vong gây thiệt hại về người (với tổng số 12 nạn nhân) gồm các vụ việc: hồi tháng 7/2022 gần Bắc Kinh (Trung Quốc); tháng 3/2020 tại tỉnh Tây Bắc (Nam Phi); tháng 6/2019 tại vùng Mtskheta-Mtianeti phía đông bắc Gruzia; và tháng 3/2019 tại vườn Quốc gia Central Island (Kenya).
Sự cố đầu tiên liên quan tới Bell-505 được ghi nhận ngày 27/2/2019 tại Nhật Bản. Một chiếc Bell-505 của Trường Cảnh sát biển Nhật Bản, thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã bị hư hại nặng do phải hạ cánh cứng trong khi huấn luyện tại Sân bay Sendai. Không có thiệt hại về người trong vụ tai nạn.
Vụ tai nạn gây thiệt hại về người đầu tiên với mẫu máy bay này là vụ việc xảy ra tại hồ Turkana, thuộc Khu bảo tồn Central Island, Kenya vào tháng 3/2019. Trực thăng đã bị rơi ngay khi vừa cất cánh khiến toàn bộ 5 người trên máy bay thiệt mạng bao gồm 1 phi công và 4 khách du lịch người Mỹ.
Còn vụ tai nạn gần đây nhất xảy ra vào tháng 10/2022 tại Fort Myers, bang Florida, Mỹ liên quan tới một chiếc trực thăng Bell-505 của tư nhân. Sau khi gặp nạn, chiếc trực thăng bị hư hỏng nặng phần rotor và cánh quạt nhưng rất may không ai thiệt mạng. Vụ việc khiến một phi công và 1 hành khách bị thương nặng còn 2 hành khách khác bị thương nhẹ.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, dòng máy bay này được trang bị công nghệ và động cơ tiên tiến nhất hiện nay, đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa khi sử dụng.
Tuy nhiên, Bell-505 vẫn gặp nhiều sự cố. Nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn của Bell-505 nói riêng và các dòng máy bay trực thăng nói chung có sự khác biệt, ảnh hưởng bởi tác động từ nhiều phía.