Điểm “đen” vì sao kéo dài?

01-12-2008 15:55 | Thời sự
google news

Những đường ngang đi qua đường sắt luôn là hiểm họa với người tham gia giao thông. Hơn nữa các đường ngang trái phép (do dân tự mở) ngày càng gia tăng trong khi không có đèn tín hiệu, người gác barie

Những đường ngang đi qua đường sắt luôn là hiểm họa với người tham gia giao thông. Hơn nữa các đường ngang trái phép (do dân tự mở) ngày càng gia tăng trong khi không có đèn tín hiệu, người gác barie, thì đường ngang rất dễ biến thành điểm đen thường xảy ra những tai nạn giao thông đáng tiếc.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có đến hàng trăm đường ngang đi qua đường sắt, hợp pháp có, trái phép (do dân tự mở) cũng có. Trong lúc việc bố trí đèn tín hiệu, người gác cho mọi đường ngang chưa thực hiện được ở những khu vực cần thiết thì ngành đường sắt cũng nên xem xét, bố trí người gác tại những “điểm đen” thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt là những “điểm đen” mới xuất hiện để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Tai nạn đường sắt, lỗi một phần do ý thức của người dân nhưng không thể không nói tới trách nhiệm của ngành đường sắt. 
Từ đường Ngô Gia Tự rẽ phải theo ngõ 53, băng qua đường ngang là đến phố Thượng Thanh (quận Long Biên). Mặc dù địa bàn phường tập trung khá nhiều trường học, cơ quan như UBND phường, khu tập thể Thượng Thanh, các trường mầm non, tiểu học, THCS Thượng Thanh, THPT Lý Thường Kiệt... Tại khu vực này, trung bình mỗi ngày có gần 10 chuyến tàu chạy qua, thế nhưng, từ 6-7 năm nay, tổ dân phố, phường Thượng Thanh đã nhiều lần đề nghị ngành đường sắt cho lắp đặt barie chắn đường khi tàu đến gần, bảo đảm an toàn cho người dân đi lại nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết.

Với lưu lượng người qua lại đông, nhưng trong 5 đoạn đường ngang nằm trên địa bàn phường thì có đến 3 đoạn không có barie chắn của ngành đường sắt, trong đó, đoạn đường ngang nối từ ngõ 53 Ngô Gia Tự sang phố Thượng Thanh có đông người qua lại nhất. Được biết, từ 2-3 năm nay, tại đoạn đường ngang đi qua khu vực này đã được ngành đường sắt cho lắp đèn tín hiệu và chuông báo hiệu tàu, song bà Nghiêm Thị Lâm, tổ trưởng tổ dân phố số 10 phường Thượng Thanh cho biết: “Hoạt động của đèn tín hiệu cũng rất thất thường, có lúc tàu đến rồi mới báo, có lúc đèn báo nhưng lại không có tàu. Nhiều lúc đèn báo lâu mà vẫn chưa thấy tàu xuất hiện, người dân đợi mãi nóng ruột nên cứ thế phóng qua”.

Còn hệ thống gác chắn tại khu vực này cũng hoạt động phập phù như đom đóm. Bà Đinh Thanh Hà, bán hàng nước tại khu vực đường tàu Giáp Bát cho biết: “Nhiều lúc không có tàu chạy qua nhưng các thanh gác chắn này vẫn “dập” xuống khiến không ít người đi đường phát hoảng. Có nhiều khi tàu chạy qua rồi mà thanh gác này vẫn chổng chơ chĩa thẳng lên để “ngắm” trời. Thật không thể hiểu nổi?”.

Và những hậu quả thì cứ liên tiếp xảy ra. Khoảng 11giờ 30 ngày 26/2/2008, tại điểm giao cắt với đường sắt thuộc ngõ 987 đường Ngô Gia Tự (đoạn gần UBND phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 7 người bị thương, trong đó có 3 người bị thương nặng. Còn gần đây là vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ngày 16/8 vừa qua tại đường ngang giao cắt với đường sắt khu vực phố Thượng Thanh đã khiến chiếc xe ôtô Honda Civic bị tàu hỏa hất tung bay xa hơn 10m và hậu quả vụ tai nạn đó đã khiến 2 người chết tại chỗ và gần 10 người bị thương nặng.

Ngành đường sắt cần nhanh chóng có những giải pháp cấp thiết trước mắt để xoá bỏ điểm “đen” này, trước khi có những giải pháp về lâu dài.

Đỗ Phong


Ý kiến của bạn