Nhưng ngành y Việt Nam vẫn là một đề tài khó, ít được điện ảnh quan tâm. Phim tài liệu đã ít, phim truyện truyền hình và điện ảnh về ngành y chỉ đếm trên đầu ngón tay...
Có một thực tế, nhìn chung trong khu vực châu Á, phim về đề tài ngành y khá nhiều, thậm chí còn rất “nóng”, hút khán giả, với các chủ đề đa dạng. Nhưng với Việt Nam thì đề tài về ngành y là một thử thách không nhỏ với cả đạo diễn, biên kịch, lẫn nhà sản xuất. Chính vì thế, phim chỉ như vài giọt nước nhỏ trong cái hồ mênh mang nước của phim Việt... Tuy vậy, phim về ngành y vẫn để lại nhiếu dấu ấn tích cực trong lòng công chúng.
Những phim truyền hình từng nổi danh một thời
Phim Việt về ngành y không nhiều, đặc biệt là phim sản xuất từ 20 năm trở lại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng khá đa dạng, đã đề cập đến khía cạnh chân thực nhất về lối sống, tư tưởng, y đức cũng như một số chuyên môn của những người được mệnh danh “Lương y như từ mẫu”. Có thể điểm qua một số phim sau:
Lời thề Hyppocrate,10 tập, năm 2001, đạo diễn Phạm Thanh Phong, có thể nói như mở đầu cho loạt phim về đề tài ngành y. Bộ phim xoay quanh việc mỗi sinh viên ngành y trước khi ra trường và được công nhận là một bác sĩ đều phải tuyên thệ lời thề danh dự Hyppocrate, một lời thề luôn tận tụy với bệnh nhân và nghề nghiệp của mình. Nhưng khi ra trường, không phải ai cũng giữ được lời thề, đã có không ít những bác sĩ đi ngược lại y đức..., một thực trạng trong ngành y thời đó.
Một cảnh trong phim Blouse trắng.
Blouse trắng, 70 tập, biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Mỹ Hà, đề cập về tác động xã hội đối với ngành y. Phim gồm 3 nhân vật chính đều là bác sĩ: Hùng, Oanh, Thanh. Họ mang đầy đủ các phẩm chất tích cực và tiêu cực vốn có của con người. Hùng và Oanh là 2 bác sĩ giỏi về chuyên môn. Hùng đào hoa, nhiều tham vọng, sẵn sàng dùng thủ đoạn để thăng tiến, còn Oanh lại sống bao dung, hết mình với nghề, quyết đoán và thẳng thắn vạch trần cái xấu. Bác sĩ Thanh đại diện cho những người có tư tưởng cá nhân, đứng ngoài và coi thường mọi sự tác động từ xã hội.
Gia tài bác sĩ, 40 tập, đạo diễn Nguyễn Cao Minh khắc họa cuộc sống và tâm huyết của bác sĩ dành cho bệnh nhân. Phim xoay quanh những câu chuyện ở bệnh viện và vấn đề y đức. Đó là cuộc sống và tâm huyết của các bác sĩ dành cho bệnh nhân. Họ luôn tận tâm để có thể cứu sống, đem lại niềm vui cho những mảnh đời bất hạnh, ở đây luôn tràn ngập tình thương yêu.
Tháng 9/2009, Hãng phim Lasta cũng trình làng phim truyền hình Ký ức mong manh dài 45 tập, kịch bản: Nguyễn Quang Lập và nhóm Lưỡng Hà Song Thủy, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo. Một câu chuyện hiện đại, thông qua những nhân vật và các mối quan hệ để phản ánh một thực tế về những con người tha hóa trong lương tâm, trách nhiệm, mờ mắt vì danh lợi, sẵn sàng chà đạp lên tình cảm, danh dự, đạo lý. Phim có một số “hạt sạn” nhất định nhưng câu chuyện về y đức, về bác sĩ được mổ xẻ trong phim khá chân thật.
Năm 2010, có thể nói là nhiều phim đề tài ngành y được sản xuất. Từ việc nở rộ các thẩm mỹ viện với hàng loạt dịch vụ làm đẹp tạo cảm hứng cho nhà sản xuất M&T Pictures tiếp tục ra mắt phim thứ hai về đề tài bác sĩ: Thẩm mỹ viện, 40 tập, đạo diễn Đinh Đức Liêm.
Nơi tình yêu bắt đầu, 30 tập, đạo diễn Hồ Ngọc Xum, cũng khai thác đậm vai trò người bác sĩ qua Sinh Hy - 1 trong 4 nhân vật chính của phim. Bác sĩ Sinh Hy là đứa trẻ mồ côi, bị dị tật hở hàm ếch, được các bác sĩ làm việc ở tổ chức phẫu thuật quốc tế chữa khỏi, lớn lên trở thành bác sĩ giúp đỡ nhiều bệnh nhân...
Anh em nhà bác sĩ phiên bản Việt, remake phim Hàn Quốc, chuyển thể kịch bản Trần Nhã Thụy, đạo diễn Minh Cao. Là câu chuyện diễn ra tại một bệnh viện về ngoại khoa. Bộ phim đã khắc họa những con người tốt dám xả thân cứu người, những gương hy sinh lặng thầm của người trong nghề y, đồng thời nhắn gửi khán giả có cái nhìn tích cực, lạc quan hơn về những thầy thuốc luôn nỗ lực hết mình để cứu chữa, chăm sóc cho người bệnh.
Lời thề danh dự, 30 tập, đạo diễn Võ Việt Hùng, do FPT Media sản xuất. Phim là những câu chuyện diễn ra xung quanh bệnh viện Mimosa. Nơi đó những thầy thuốc không chỉ đối diện với bệnh nhân, hồ sơ bệnh án mà còn đối diện với đồng nghiệp và với cả chính bản thân trong cuộc chiến đấu với tử thần để giành lại mạng sống quý giá cho con người...
Chân trời trắng, sản xuất năm 2012, 38 tập, kịch bản được đạo diễn Phạm Gia Phương - Nguyễn Đức Hiếu xây dựng dựa trên cuốn tiểu thuyết Màu trắng không im lặng của bác sĩ Phan Cao Toại. Bộ phim khai thác những mảng sáng và tối trong ngành y, đề cao sự cống hiến thầm lặng, hy sinh của những người thầy thuốc.
Phim điện ảnh và tài liệu quá hiếm
Phải thừa nhận là phim điện ảnh về đề tài ngành y rất hiếm. Gần như vắng bóng trong các giải liên hoan phim Việt Nam (LHPVN), Cánh Diều... Có thể đây là đề tài kén khán giả, đầu tư sản xuất cao, nội dung kịch bản lại khó vì chuyên môn của nghề...
Mùa sen - 2003, đạo diễn Võ Tấn Bình, (Giải thưởng Bông sen vàng và giải Đạo diễn xuất sắc dành cho thể loại phim video tại LHPVN lần thứ 14 năm 2004). Phim kể về 2 sinh viên trường y là Bàng và Hải, một cô gái miệt Đồng Tháp. Bất bình với những việc “chướng tai gai mắt” trong bệnh viện, Bàng quyết định nghỉ việc, rồi sau anh về miền Tây Nam Bộ, nơi người dân cần những bác sĩ như anh...
Bộ phim điện ảnh về đề tài bác sĩ ra rạp gần đây nhất ở nước ta và được chiếu ở một số cụm rạp tại Mỹ là Giấc mơ Mỹ, đạo diễn Davina Hồng Ngân là một minh chứng. Phim đề cập đến các vấn đề chuyên môn về y khoa cũng như đam mê, hoài bão và tâm huyết của các y bác sĩ.
Blouse trắng là một trong số ít phim về ngành y để lại dấu ấn tích cực trong lòng công chúng.
Dòng phim tài liệu về ngành y phải đợi cuộc “tổng duyệt” nhân tuần lễ chiếu phim tôn vinh Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2019, thì khán giả mới biết đến với số phim khá ít ỏi. Cuộc hội ngộ sau 30 năm, Giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại, Y tế huyện Bình Lục, Tiêu diệt bệnh sốt rét, Những người thầy tận tâm, Ứng dụng công nghệ ECMO tại Việt Nam, Thầy mo làm y tế, Hiểm nguy bệnh đái tháo đường, Quỳnh Lưu bảo vệ sức khỏe, Giáo sư Tôn Thất Tùng - Người thầy tôn kính.
Giáo sư Tôn Thất Tùng - Người thầy tôn kính, 2016, đạo diễn Đào Đức Thanh, kể về Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng - người thầy thuốc đã làm nhân loại kinh ngạc bởi những phát minh mới mẻ về lĩnh vực phẫu thuật gan khi chỉ mới 27 tuổi. Rất nhiều học trò qua nhiều thế hệ của Giáo sư Tôn Thất Tùng đã trở thành những giáo sư đáng kính của ngành y tế nước nhà.
Giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại - 2014, đạo diễn Hoàng Hà Lê, đề cao nghĩa cử tốt đẹp của rất nhiều người, nhiều gia đình đã sẵn sàng hiến máu giúp hàng triệu người qua khỏi những giây phút hiểm nghèo để hồi sinh.
Ứng dụng công nghệ ECMO tại Việt Nam - 2014, đạo diễn Dương Ngọc Hòa - Trịnh Quang Tùng, đề cập đến quá trình tìm hiểu, học hỏi và triển khai ứng dụng công nghệ tim và phổi nhân tạo của tập thể giáo sư, bác sĩ, y tá, điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai để cứu sống những bệnh nhân nặng, đã chết lâm sàng...
Trước đó nhiều năm có phim Cuộc hội ngộ sau 30 năm - 1995, đạo diễn Lê Mạnh Thích, là những thước phim về cuộc đời o du kích nhỏ Nguyễn Thị Kim Lai, người đã bắt sống giặc lái Mỹ năm 1965 tại Hà Tĩnh. Sau ngày hòa bình, bà trở thành một y tá tận tụy công việc.
Mới nhất, phim Cuộc chiến chống đại dịch SARS, đạo diễn Ngọc Ánh, Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, nói về sự hy sinh thầm lặng của các bác sĩ Việt Nam và quốc tế trong việc chống lại thành công đại dịch SARS, góp phần đẩy lui thảm họa trên toàn cầu. Phim cũng vừa đoạt Giải Bông sen Bạc LHPVN 21 diễn ra tháng 10/2019.