Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
Sáng 30/8, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2023) và 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023). Sau gần 3 năm thi công (9/1/2021 - 30/8/2023), dự án trọng điểm cấp thành phố với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng đã về đích.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là một trong những dự án nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2. Khi dự án hoàn thành sẽ tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông Thủ đô.
Cầu Vĩnh Phú
Cũng trong ngày 30/8, cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô, kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ đã chính thức khánh thành, cắt băng thông xe sau 20 tháng thi công.
Được biết, cầu Vĩnh Phú với tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 12/2021 và đã vượt tiến độ so với dự kiến hơn 4 tháng.
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu
Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km, trong đó đoạn qua Thanh Hóa 6,5 km và Nghệ An 43,5 km. Điểm đầu tại Nghi Sơn, kết nối với cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn và điểm cuối tại xã Diễn Tháp (Diễn Châu, Nghệ An), thuộc nút giao nối với cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.290 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị xây lắp khoảng 4.400 tỷ đồng.
Đoạn cao tốc này được xây dựng 4 làn xe, nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, không có làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 6 làn xe, nền đường 32,25 m, vận tốc thiết kế 100-120 km/h.
Khi hoàn thành, công trình sẽ rút ngắn thời gian từ Thanh Hóa đi Nghệ An từ 3 giờ còn 1,5 giờ. Đi từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An) sẽ chỉ mất 3,5 giờ, thay vì khoảng 5 giờ như hiện nay.
Cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn
Cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km đi qua huyện Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, có tổng mức đầu tư hơn 5.530 tỷ đồng, khởi công từ tháng 7/2021.
Giai đoạn 1 của dự án xây dựng mặt đường 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h; giai đoạn hoàn chỉnh xây dựng theo quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Cầu vượt hồ Yên Mỹ trên tuyến chính cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn là một trong tổng số 18 cầu lớn nhỏ thuộc dự án. Với chiều dài gần 1 km, tổng vốn hơn 240 tỷ đồng, cầu Yên Mỹ là cầu vượt hồ dài nhất cao tốc Bắc Nam đến thời điểm hiện tại.
Cầu Long Kiểng
Dự án cầu Long Kiểng được phê duyệt từ năm 2001. Công trình có chiều dài 318m, đường dẫn hai đầu 661m, tổng vốn đầu tư 589 tỉ đồng. Hơn 10 năm sau, tháng 8/2018, cầu Long Kiểng mới được khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2019. Sau đó dự án lại vướng mặt bằng.
Tháng 9/2022, UBND huyện Nhà Bè mới giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - Ban giao thông).
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM dự kiến sẽ tổ chức thông xe cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) vào sáng 6/9.
Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành
Với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành được khởi công từ tháng 1/2018 và chính thức hợp long vào ngày 30/6/2022 với thiết kế chiều dài hơn 1,5km, rộng 22,5m, với kiến trúc 5 nhịp vòm cao từ 40m tới 67m.
Điểm nhấn nổi bật của cầu là vòm thép cao tới 87m, được xem là cầu có vòm thép cao nhất Việt Nam cho đến hiện tại. Khi hoàn thiện và thông xe vào ngày 2/9, cầu sẽ góp phần hình thành mạng lưới giao thông khép kín giữa khu vực Bắc sông Đuống và Nam sông Đuống của tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời giúp kết nối vùng với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và phụ cận như: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương qua Quốc lộ 1, Quốc lộ 38, Quốc lộ 5, Quốc lộ 17 và các tuyến Tỉnh lộ 276, 287…
Xem thêm video được quan tâm:
Tranh cãi việc Hà Nội lại tính cấm xe máy tại 12 quận | SKĐS