Vậy, sĩ tử cần ăn uống như thế nào để có sức khỏe tốt nhất, đặc biệt là cho hoạt động của bộ não và trí nhớ?
1. Ăn đủ chất, tăng cường thực phẩm lành mạnh
Ngoài việc áp dụng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm thực phẩm (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), các em học sinh nên tăng cường ăn các thực phẩm lành mạnh như: rau, trái cây, ngũ cốc, sữa, cá và thịt gia cầm…
Những thực phẩm này đặc biệt tốt vào mùa thi, giúp cung cấp dinh dưỡng để cơ thể có thể hoạt động ở mức tối ưu, đặc biệt là cung cấp năng lượng cho hoạt động của não và hỗ trợ duy trì trí nhớ.
Ăn uống lành mạnh cũng giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe có thể gây bất lợi trong khi học tập và thi cử.
2. Sĩ tử nên ăn gì?
2.1. Ngũ cốc
Ngũ cốc là nhóm thực phẩm chủ yếu cung cấp tinh bột cho cơ thể, đặc biệt là cung cấp năng lượng cho hoạt động của não.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, bánh mì nguyên hạt, các loại đậu, khoai củ… sẽ tốt hơn ngũ cốc tinh chế vì chúng hấp thu vào máu từ từ, giúp lượng đường trong máu ổn định.
2.2. Sữa
Sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, trong thành phần có đầy đủ các chất đạm, chất béo, đường, vitamin và chất khoáng giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch.
Ngoài ra, một số sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai cũng rất tốt, giúp bổ sung lợi khuẩn và chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa.
2.3. Cá
Cá rất giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Một số loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá mòi… là nguồn cùng cấp omega-3 tuyệt vời.
Omega-3 là một loại axit béo không no rất cần thiết đối với cơ thể, đặc biệt là não bộ và hệ thần kinh, giúp tăng cường trí nhớ, khả năng tư duy và sự tập trung trong học tập.
Bên cạnh đó protein trong cá dễ tiêu hóa và hấp thu hơn thịt. Vì vậy, để có sức khỏe tốt và tăng cường hoạt động của não, nên cho trẻ ăn cá 2-3 lần/tuần.
2.4. Trứng
Trứng giàu đạm, kẽm, sắt, vitamin, đây đều là những chất dinh dưỡng rất cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là trí não và hệ miễn dịch.
Chất đạm trong lòng đỏ trứng có thành phần các acid amin tốt nhất. Các chất khoáng như sắt, kẽm, đồng, mangan, iốt... tập trung hầu hết trong lòng đỏ. Cả lòng đỏ và lòng trắng có chất biotin. Biotin là vitamin B8, tham gia vào chu trình sản xuất năng lượng để sản xuất năng lượng cho cơ thể.
Trứng cũng là một nguồn tuyệt vời của vitamin A, D và B12, cũng như choline và lutein, chất dinh dưỡng cần thiết để trao đổi chất, liên quan đến chức năng nhận thức, điều hòa hệ thần kinh và chức năng của não.
2.5. Rau xanh và trái cây tươi
Rau xanh và trái cây tươi chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, chất xơ, đặc biệt là vitamin C, E, A, kali… tốt cho hệ miễn dịch, bổ mắt và hệ thần kinh.
Các sĩ tử nên ăn các loại rau dền, rau đay, rau lang, rau ngót, rau diếp, rau muống… rất giàu sắt, vitamin nhóm B, vitamin A…
Một số loại trái cây có màu vàng, đỏ chứa nhiều vitamin A rất tốt cho mắt như: dưa hấu, đu đủ, xoài… Các loại quả giàu vitamin C như: cam, quýt, chanh, bưởi, kiwi, dâu tây... chứa chất chống oxy hóa mạnh. Trái cây giàu vitamin C cũng giúp hấp thu sắt, canxi cho cơ thể.
Ngoài ra, mỗi ngày cũng nên ăn một quả chuối để bổ sung thêm kali, vitamin B6 rất tốt cho hệ thần kinh.
Một số lưu ý khi chăm sóc sĩ tử trong mùa thi
Không bỏ bữa, ăn đúng giờ
Càng gần đến kỳ thi lịch học càng dày đặc khiến các em học sinh không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, dù thế nào cha mẹ cũng cần cố gắng đảm bảo chế độ ăn uống cho trẻ.
Cần sắp xếp thời gian học, nghỉ ngơi và ăn uống khoa học. Không nên để trẻ cố thức khuya để học, sáng nên thức dậy đúng giờ, ăn sáng đầy đủ. Tuyệt đối không bỏ bữa ăn sáng vì đây là bữa ăn quan trọng giúp bổ sung phần lớn dinh dưỡng cần thiết trong ngày. Bữa ăn sáng quan trọng vì sau khi trải qua một đêm dài, khi ngủ dậy, lượng đường trong máu thường ở mức thấp, trong khi cơ thể lại cần đường cho cơ và não hoạt động và bữa sáng giúp bổ sung lượng đường này. Nên bổ sung các thực phẩm như: sữa, trứng, cá, thịt gà, rau củ vào thực đơn của bữa ăn sáng.
Bữa trưa và bữa tối cũng cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và đúng giờ. Đối với các bữa phụ cũng nên bố trí thời gian hợp lý như giữa sáng, giữa chiều; nên cho trẻ uống sữa, ăn sữa chua, trái cây… Các món ăn nên chế biến tại nhà để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
Không nên ăn quá no
Cần lưu ý không nên để trẻ ăn quá no sẽ gây đầy bụng, ậm ạch, khó tiêu. Ăn quá no khiến máu tập trung nhiều về dạ dày và ruột, lượng máu lên não sẽ giảm đi dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ…
Ngoài ra, nếu ăn quá no, cơ thể sẽ giải phóng hormone insulin. Hormone này có nhiệm vụ dự trữ lượng đường dư thừa với mục đích dự phòng mức đường huyết xuống thấp. Việc giải phóng thêm nhiều hormone insulin có thể sẽ khiến cho lượng đường trong máu suy giảm, gây ra những cảm giác căng thẳng và không thể tập trung.
Tốt nhất nên cho trẻ ăn lượng thức ăn vừa đủ, không nhồi nhét quá nhiều thực phẩm bổ dưỡng. Sau khi ăn xong nên nghỉ ngơi, thư giãn, vận động nhẹ nhàng ít nhất 30 phút mới nên học tiếp.
Hạn chế ăn các thực phẩm sau:
- Thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, muối, đường như: xúc xích, thịt nguội, gà rán, thịt nướng, bánh ngọt, nước ngọt công nghiệp… tuy tiện lợi nhưng thiếu các chất dinh dưỡng, chứa nhiều calo, nhiều đường, muối, chất béo không lành mạnh, thiếu vitamin và khoáng chất. Nếu ăn nhiều và thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
- Đồ uống chứa các chất kích thích như cà phê, trà, nước tăng lực… có tác dụng kích thích thần kinh, gây cảm giác tỉnh táo tạm thời nhưng nếu lạm dụng sẽ gây khó ngủ, mất ngủ, mệt mỏi, căng thẳng, tim đập nhanh, tăng huyết áp…
- Thực phẩm không an toàn: Không nên cho trẻ ăn thức ăn đường phố, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, các món gỏi tái, sống. Đây là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, có thể làm gián đoạn quá trình học tập và thi cử của trẻ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
10 loại thực phẩm tốt cho phổi sau mắc COVID-19