"Một năm đặc biệt với việc dự đoán điểm chuẩn khối ngành sức khoẻ"
Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ và Đời sống, thầy Nguyễn Duy Khánh - giáo viên dạy môn Sinh học tại Hà Nội, nguyên giáo viên Sinh học Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) nêu quan điểm: Năm 2024 có thể được coi là một năm rất đặc biệt đối với việc dự đoán điểm chuẩn khối ngành Sức khỏe. Với việc đề thi môn Toán và Sinh học khó hơn nhiều so với năm 2023 nhưng phổ điểm của khối B00 lại tăng nhẹ so với năm trước.
Hơn nữa việc các trường đại học có nhiều phương án xét tuyển khác nhau và có sự điều chỉnh số lượng học sinh được tuyển thẳng nên công tác dự đoán điểm chuẩn bằng hình thức thi tốt nghiệp THPT sẽ khó hơn.
Bên cạnh đó, những thông số như chiến lược tuyển sinh, số lượng học sinh nhập học so với chỉ tiêu, học phí,… cũng có thể là các yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi của điểm chuẩn của mỗi ngành, mỗi trường.
"Theo góc nhìn của bản thân tôi, điều quan trọng nhất là học sinh có thực sự yêu thích nguyện vọng số 1 mình đang xem xét và thấy bản thân phù hợp hay không thì mạnh dạn lựa chọn nếu điểm số của mình bằng hoặc cao hơn 0,25-0,50 điểm trở lên so với điểm chuẩn năm ngoái.
Những ngành hot trong khối ngành Sức khoẻ như ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt thì vẫn sẽ có tỉ lệ chọi rất cao nên mặt bằng chung thì điểm chuẩn sẽ tối thiểu là bằng hoặc cao hơn ít nhất 0,25-0,50 điểm so với năm ngoái. Những bạn chọn các lĩnh vực khác của khối ngành thì nhiều khả năng điểm chuẩn vẫn giữ nguyên hoặc có một số trường hợp sẽ giảm nhẹ"- thầy Khánh chia sẻ.
Còn theo dự đoán của ông Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay không chênh lệch nhiều so với năm 2023. Đa phần các ngành trường chúng tôi năm nay xét tuyển hai khối A00 và B01, trong đó có ba ngành chỉ tuyển khối B00 là Y khoa, Răng - Hàm - Mặt và Y học cổ truyền. Nhìn vào tổng thể các ngành xét tuyển, cả hai khối điểm không chênh lệch nhiều nên điểm chuẩn dự kiến sẽ biến động không đáng kể.
"Nếu không có sự biến động lớn về tỷ lệ chỉ tiêu dành cho việc xét theo kết quả thi THPT, điểm đầu vào năm nay sẽ cao hơn năm ngoái ở tất cả các tổ hợp và có thể chênh từ 1-3 điểm", đó là nhận định của GS. TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 và phổ điểm của các môn thi, khối thi.
Theo thầy Nguyễn Đình Đức, mặc dù ngày càng có nhiều trường sử dụng các bài thi đánh giá năng lực, các bài thi riêng để tuyển sinh, nhưng hiện nay tất cả các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi THPT như một phương thức quan trọng trong tuyển sinh vào đại học.
Với phổ điểm như trên, có thể thấy năm nay, ở hầu hết các tổ hợp, có nhiều thí sinh đạt nhất ở mức 22-23 điểm. Tỷ lệ số bài thi đạt điểm giỏi trong kỳ thi THPT năm nay đều cao hơn năm ngoái ở tất cả các môn, do đó nếu không có sự biến động lớn về tỷ lệ chỉ tiêu dành cho việc xét theo kết quả thi THPT, thì điểm đầu vào năm nay sẽ cao hơn năm ngoái ở tất cả các tổ hợp, và có thể chênh từ 1-3 điểm.
"Với những ngành "hot", có điểm đầu vào cao, nếu chỉ tiêu như năm ngoái thì mức cạnh tranh sẽ lớn hơn. Với việc phổ điểm các môn như Toán, Vật lý, đặc biệt là môn Hoá học và Địa lý số điểm 10 nhiều hơn so với những năm trước, dự báo tổ hợp A00, A01, B00, C00, D01 điểm chuẩn sẽ tăng", thầy Nguyễn Đình Đức phân tích.
Những điều thí sinh cần lưu ý khi sắp xếp nguyện vọng
Theo thầy Nguyễn Duy Khánh, điểm chuẩn đại học năm nay có thể tăng, do vậy, để tối ưu khả năng đỗ, thí sinh cần thực hiện các bước sau:
Thứ nhất, các em cần lên danh sách các trường đào tạo ngành học mình chọn, sắp xếp theo điểm chuẩn từ cao xuống thấp. Về quy định, các em hoàn toàn có thể đặt nguyện vọng 1 là trường có điểm chuẩn 2023 cao hơn 4-5 điểm hoặc hơn nữa so với điểm thi của mình nhưng thực tế không để làm gì.
Hãy quan tâm đến trường có điểm chuẩn 2023 bằng điểm thi hoặc nhỉnh hơn 0,5-1 điểm và đặt nó là nguyện vọng (thực tế nguyện vọng này có tính chất cầu may).
Thứ hai, các nguyện vọng nên có bước nhảy 0,25-1 điểm, nguyện vọng cuối cùng nên cách điểm thi của bạn 4-5 điểm để đảm bảo an toàn.
Thứ ba, với những em thí sinh có điểm thi không được tốt, khó có thể đỗ ngành mình yêu thích nhất thì hãy chuẩn bị cho mình các phương án dự phòng là các ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn. Nhưng hãy nhớ, nguyện vọng đưa ra không phải để cho vui, cũng không phải để đỗ bừa một trường nào đó, các em phải tìm hiểu kỹ và có trách nhiệm với nó. Sẵn sàng tâm thế cho lựa chọn của mình.
"Cuối cùng, với thí sinh đã đỗ đại học sớm bằng các phương thức khác, nếu các em đã ưu tiên lựa chọn đó là số 1 thì hãy xếp là nguyện vọng 1. Nếu các em vẫn muốn dùng điểm thi để xét vào nguyện vọng khác thì hãy đặt các nguyện vọng bằng điểm thi lên trên nguyện vọng đã đỗ sớm"- thầy Khánh lưu ý.
Theo kế hoạch, chậm nhất ngày 21/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) của khối ngành Sức khỏe và trình độ đại học, cao đẳng nhóm ngành Đào tạo giáo viên năm 2024.
Hôm nay (19/7), Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành thuộc nhóm Sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành Đào tạo giáo viên sẽ họp để đề xuất mức "điểm sàn" cho các lĩnh vực này. Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Quyết định điểm sàn cho hai lĩnh vực trên.