Một sáng thức dậy, tự nhiên thấy tai mình ù đặc, nghe kém, thậm chí vài giờ sau không còn nghe thấy gì nữa... Thật đáng tiếc, bạn đã bị điếc đột ngột. Vì thường không có triệu chứng báo trước nên người ta ví điếc đột ngột như “tiếng sét giữa trời quang mây tạnh”.
Đột ngột bị... điếc
Điếc đột ngột là hiện tượng mất sức nghe xảy ra một cách đột ngột và diễn biến nhanh trong vòng vài giờ đến vài ngày. Người bệnh thường phát hiện ra tình trạng này vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy. Bệnh thường bắt đầu một bên tai (80-85%), có thể cả 2 tai (15-20%). Triệu chứng đầu tiên là ù một bên tai rồi nhanh chóng dẫn đến nghe kém, đến khoảng trưa thì điếc hẳn và có thể điếc đặc. Điếc đột ngột chiếm tỷ lệ 5 - 10 ca/100.000 người, ước tính một năm có khoảng 15.000 ca điếc đột ngột mới trên thế giới. Bệnh điếc đột ngột có chiều hướng tăng nhanh trong thời kỳ phát triển công nghiệp, đặc biệt có xu hướng xảy ra nhiều với người làm việc văn phòng, học sinh, những người làm việc trong môi trường ồn và công việc căng thẳng. Đáng báo động ở chỗ, bệnh đang có xu hướng gặp nhiều ở người trẻ.
Vì sao nên nỗi
Điếc đột ngột gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt và giao tiếp của con người. Nguyên nhân chính gây ra bệnh chưa được xác định, có thể do nhiều tác nhân: siêu vi trùng trong các bệnh quai bị, sởi, cúm; Rối loạn vi tuần hoàn tai trong, do bệnh tự miễn, khối u thần kinh thính giác, nhiễm độc thuốc hoặc uống rượu, hút thuốc thường xuyên; Do căng thẳng thần kinh, stress kéo dài, làm việc trong môi trường ồn lớn và kéo dài; ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, biến chứng của cảm cúm, sốt siêu vi; Bị ngã, chấn thương thần kinh thính giác cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Cơ chế chủ yếu gây điếc đột ngột là do hẹp hoặc co thắt mạch máu nuôi thần kinh tai trong gây thiếu máu nuôi thần kinh thính giác, tế bào thần kinh thính giác bị thiếu oxy rất dễ bị tổn thương, thậm chí bị hủy diệt hoàn toàn. Thời gian chịu đựng tình trạng thiếu oxy của các tế bào thính giác rất ngắn, những tế bào này khi đã hỏng thì không thể hồi phục. Thực ra, nguyên nhân điếc đột ngột rất phức tạp, nhiều trường hợp để tìm được nguyên nhân cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như Tai mũi họng, Nội khoa, Tim mạch, Thần kinh, Huyết học, Nội tiết, Dị ứng...
Nguy cơ điếc vĩnh viễn sẽ xảy ra nếu không được điều trị sớm
Vì đây là bệnh mang tính cấp cứu nên việc điều trị phải được tiến hành ngay khi phát hiện mắc bệnh. Điều trị càng sớm, hiệu quả càng cao, nếu điều trị trong 24 giờ đầu, thính lực có thể hồi phục hoàn toàn, nếu điều trị ngay trong tuần đầu, khả năng khỏi trên 85%; sau một tuần chỉ còn khoảng 25%; nếu chậm trễ sau 3 tuần có thể điếc vĩnh viễn.
Do điếc xảy ra đột ngột, nguyên nhân không rõ ràng, không có triệu chứng báo trước nên đa phần bệnh nhân tới bệnh viện trễ khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Do việc xác định nguyên nhân khó khăn nên việc điều trị điếc đột ngột chủ yếu là điều trị triệu chứng và bao vây.
Các phương pháp được lựa chọn là:
Điều trị triệu chứng: Dùng các thuốc giãn mạch, tăng cường lưu thông máu; Dùng thuốc làm tăng cường oxy đến ốc tai, thở oxy cao áp; Dùng thuốc kháng viêm corticoides, chống phù nề mê nhĩ; Dùng thuốc an thần, nghỉ ngơi; Dùng vitamin nhóm B liều cao.
Điều trị nguyên nhân: Xác định nguyên nhân điều trị căn nguyên. Thường chỉ tìm được nguyên nhân trong khoảng 10% các trường hợp.
Cách gì để tránh?
Để phòng tránh bệnh điếc đột ngột, cần tránh stress, cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý; tránh những nơi có tiếng ồn lớn. Giữ gìn sức khỏe khi thời tiết thay đổi, mang khẩu trang có hoạt tính bảo vệ khi ra đường, tránh những nơi có nguy cơ dễ lây bệnh siêu vi. Ăn uống đủ dưỡng chất, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, hạn chế rượu, bia, thuốc lá. Tránh gây tổn thương cho tai hoặc chấn thương vùng đầu. Khi phát hiện mắc bệnh, phải đến cơ sở chuyên khoa Tai mũi họng trong vòng 24 giờ để việc điều trị đạt kết quả tốt hơn.
PGS.TS. Trần Công Hòa