Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới “vào mùa”: Cẩn trọng kẻo sập bẫy

19-01-2021 16:15 | Pháp luật
google news

SKĐS - Đã thành quy luật, càng gần dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ phục vụ mục đích mừng tuổi và đi chùa của người dân lại tăng đột biến. Nắm bắt được điều này, một số trang mạng cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới đã hoạt động khá sôi động. Tuy nhiên, với những giao dịch dễ dàng qua mạng, việc đổi tiền lẻ hiện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Sôi động thị trường đổi tiền online

Qua khảo sát tại Hà Nội, dịch vụ đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ tại cổng các chùa như: Quán Sứ, Đền Quán Thánh... vẫn hoạt động nhưng ẩn mình hơn. Qua tìm hiểu, muốn đổi tiền lẻ mới mệnh giá nhỏ 1.000 đồng, 2.000 đồng, phải trả phí 30%, tức là nhận 1 cọc 1.000 đồng tiền mới tương đương 100.000 đồng, khách chỉ được nhận 70.000 đồng; đổi tiền mới mệnh giá 5.000 đồng, mất phí 20%. Với mệnh giá cao hơn, ví dụ 50.000 đồng, hiện không có tiền mới hoàn toàn nên nếu muốn đổi 5 triệu đồng thì khách phải chịu phí 150.000 đồng.

Như vậy, nếu đổi tiền lẻ, tiền mới trực tiếp, người dân thường phải chịu phí từ 18-30%. Trong khi đó, nếu đổi tiền trực tuyến (online), phí chỉ mất khoảng 10-15%. Do vậy, các website đổi tiền, Facebook quảng cáo dịch vụ này rất “sôi động” mỗi dịp xuân về. Hiện, phí đổi tiền các mệnh giá tùy từng nơi, từng mệnh giá và độ mới của tiền sẽ phải trả các mức phí khác nhau.

Chỉ cần lên Google, gõ từ khóa “đổi tiền Tết online” hoặc “Đổi tiền online”, người tìm kiếm sẽ nhận được hàng trăm kết quả trang web nhận đổi tiền, kèm điện thoại và địa chỉ giao dịch. Trao đổi với một tài khoản Facebook “Đổi tiền mới, tiền lẻ xxx”, phóng viên được giới thiệu thông tin đổi tiền được cập nhật trên website doitienmoixxx.com. Tất cả các mệnh giá trên là tiền mới, nguyên kiện, nguyên seri, chỉ cần báo số lượng, muốn đổi bao nhiêu cũng có. Thậm chí sẽ cử người mang đến tận nơi, phục vụ tận tình. Dịch vụ giao tiền tận nhà cho các khách hàng ở xa với hình thức thanh toán chuyển khoản, thanh toán bằng thẻ cào. Theo đó, tiền mệnh giá nhỏ 1.000 đồng, 2.000 đồng, khách đổi phải trả phí từ 13-15%; phí đổi tiền 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6-8%; với 50.000 đồng, 100.000 đồng, phí mất là 3-5%. Khách muốn mức phí rẻ hơn có thể đổi “tiền lướt” với độ mới đạt 80-90%, mức phí chỉ từ 2-3%.

Tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng,... luôn được quảng cáo có sẵn.

Tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng,... luôn được quảng cáo có sẵn.

Đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch sẽ bị phạt tối đa 40 triệu đồng

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của pháp luật.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, nhờ chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông dịp Tết, những năm qua ngân sách đã tiết kiệm được hơn 3.500 tỷ đồng. Tết Tân Sửu năm nay, NHNN sẽ tiếp tục siết chặt chuyện đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ như những năm trước. Đây là năm thứ 8 liên tiếp, NHNN chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn đủ cung ứng để phục vụ nền kinh tế. Phó Thống đốc NHNN cho rằng, việc sử dụng tiền lẻ mới vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, đi lễ đền chùa chỉ là thói quen. NHNN sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan để tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về vai trò của tiền mệnh giá nhỏ.

Liên quan đến dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới trong bối cảnh nhiều năm qua NHNN không có chủ trương đưa tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông dịp Tết, luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hành vi này sẽ bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 20 triệu đồng. Cụ thể, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP có nêu: Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm.

Về góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Tiến Thủy cũng đưa ra nhiều cảnh báo về tiền giả, lừa đảo... mà người dân có thể gặp khi đổi tiền trên mạng. Theo đó, đổi tiền online cũng như trực tiếp sẽ gặp nhiều rủi ro như bị đổi thiếu tiền; tiền bất hợp pháp, tiền giả do không có tổ chức, trụ sở rõ ràng. Khi bị nhận tiền giả, người đổi còn gặp rủi ro khi phải chứng minh nguồn gốc tiền đó từ đâu mà có. Do vậy, người dân cần thận trọng, không nên đổi tiền, mất phí, nhất là sử dụng dịch vụ đổi tiền online, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.


K. Hưng
Ý kiến của bạn