Tại hầu hết các bệnh viện, việc người bệnh đi điều trị cần có thêm người nhà chăm sóc là điều đương nhiên. Tuy nhiên, đối với những gia đình neo người, bận rộn… việc sắp xếp thời gian để chăm sóc người bệnh lại trở thành áp lực. Do vậy, tình trạng người bệnh cần thuê người chăm sóc đang ngày càng phổ biến tại Hà Nội và các thành phố lớn.
Bối cảnh này đã vô hình chung hình thành một thị trường mới là: Dịch vụ thuê người để chăm sóc người bệnh, nhu cầu của thị trường ngày càng cao và phát triển mang tính tự phát, không có tổ chức quản lý, gây nhiều bất cập như: Không xác định được nhân thân người được thuê, không quản lý được khi xảy ra sự cố; Người được thuê không có chuyên môn, chỉ làm quen tay; Người được thuê tìm cách để gây áp lực cho gia chủ như tăng giá, nhũng nhiễu…; Phía bệnh viện không quản lý được người được thuê, thậm chí không xác định được là người nhà người bệnh hay là người được thuê chăm sóc; Gây mất an toàn, an ninh bệnh viện…
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo phát triển công tác xã hội theo hướng xã hội hóa và hỗ trợ dịch vụ điều dưỡng theo yêu cầu.
Từ thực trạng này, ngày 4/10, Tại Bệnh viện K (cơ sở 3) Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương phối hợp với Bệnh viện K; Viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng; Bệnh viện Lão khoa Trung ương; Hội Điều dưỡng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển công tác xã hội theo hướng xã hội hóa và dịch vụ điều dưỡng theo yêu cầu”.
Tại Hội nghị, các ý kiến tập trung thảo luận một số vấn đề quan tâm, mặt tích cực và khó khăn tồn tại của công tác này. Các ý kiến đều cho rằng, dù muốn hay không thì việc người bệnh thuê người trông coi vẫn đang xảy ra hàng ngày, có xu hướng ngày càng gia tăng tại các bệnh viện, và hiện nay chưa quản lý được. Mặt khác, một số lượng lớn điều dưỡng viên đã được đào tạo tại các trường hiện nay ra trường chưa có việc làm. Trong khi đó, Bộ Y tế đã có chính sách phát triển nghề Công tác xã hội trong lĩnh vực Y tế, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Vì vậy, việc kết hợp giữa Bệnh viện với một đơn vị ngoài bệnh viện để cùng xây dựng và phát triển phòng Công tác xã hội theo hướng xã hội hóa, đồng thời kết hợp triển khai một số dịch vụ như dịch vụ chăm sóc người bệnh là mô hình hợp lý.
Ông Nguyễn Cao Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng cho biết, toàn viện hiện có 120 cán bộ, nhân viên, trong đó hơn 100 điều dưỡng viên đang trực tiếp chăm sóc người bệnh, người cao tuổi theo yêu cầu tại các bệnh viện và tại nhà riêng. Lợi ích của việc triển khai công tác xã hội trong lích vực y tế theo hướng xã hội hóa là nhằm giảm chi phí ngân sách cho Nhà nước, chống gia tăng biên chế cho bệnh viện, giảm quá tải bệnh viện, thu hút được nhiều nguồn xã hội hóa, chăm sóc người bệnh toàn diện, kết nối giữa người bệnh khó khăn với các nhà hảo tâm.
Việc phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế là cần thiết, góp phần nâng cao năng lực phục vụ của các tổ chức dịch vụ y tế, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh, làm tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế. Thực tế, tại một số BV khi triển khai dịch vụ này thì các BV gặp một số khó khăn như: Tổ chức bộ máy tăng thêm nhân lực, đào tạo kỹ năng để phục vụ, thời gian làm việc của nhân viên y tế, kinh phí chi trả cho nhân lực phục vụ… Những khó khăn trên được phản ánh qua việc triển khai thí điểm mô hình phòng công tác xã hội tại 6 bệnh viện hiệu quả phục vụ người dân chưa đạt yêu cầu cao như mong muốn. Một số bệnh viện chưa ủng hộ tổ chức thí điểm mô hình phòng công tác xã hội.
Riêng tại Bệnh viện K, một bệnh viện hiện làm rất tốt công tác điều dưỡng cho bệnh nhân, PGS.TS. Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện cam kết sẽ tổ chức nhiều lớp đào tạo và đào tạo lại cho nhân viên của Viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc người bệnh một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Tại hội thảo, nhiều giải pháp cũng đã được các đại biểu đưa ra thảo luận. Theo đó, để tháo gỡ những khó khăn trên cần đưa mô hình công tác xã hội trong lĩnh vực Y tế lên một tầm cao mới, hỗ trợ đắc lực cho người dân trong quá trình khám chữa bệnh để nâng cao chất lượng dịch vụ và làm tăng độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ Y tế thì giải pháp tốt nhất là cho phép phát triển theo hướng xã hội hóa, nghĩa là đồng ý cho các đơn vị dịch vụ kết hợp với bệnh viện cùng triển khai. Có một tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh theo yêu cầu đạt các tiêu chí sau: Phối kết hợp tốt với bệnh viện; Vững về chuyên môn; Thái độ chăm sóc tốt, dịch vụ hoàn hảo; Giá cả hợp lý các bên đều chấp nhận được. Bảo vệ được quyền và lợi ích của 3 bên (Bệnh viện, Tổ chức cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ).
Ông Trần Quang Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương chia sẻ, để góp phần làm tốt công tác xã hội hóa y tế, cần tổ chức nhiều hội thảo, tư vấn về cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh theo yêu cầu. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ tăng cường truyền thông về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ chăm sóc người bệnh theo yêu cầu; Thiết kế, in ấn, sản xuất các loại tài liệu; Nêu gương người tốt, việc tốt và những điển hình tiên tiến; Xây dựng các nội dung truyền thông về XHH công tác y tế trên hệ thống thông tin đại chúng.
Lợi ích trước mắt có thể thấy được là: Không làm tăng nhân lực tại bệnh viện; Bệnh viện không phải chi trả lương cho nhân viên hoạt động trong bộ phận công tác xã hội; Người bệnh được chăm sóc tận tình và chu đáo nhất bởi một tổ chức cung cấp dịch vụ; Hỗ trợ tốt công tác an toàn, an ninh của bệnh viện; Tăng nguồn thu cho bệnh viện; Nâng cao chất lượng dịch vụ và làm tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế; Nâng cao chất lượng điều trị và hình ảnh Bệnh viện; Giải quyết việc làm cho một lượng lớn điều dưỡng ra trường không xin được việc làm tại các bệnh viện, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp cho xã hội...
Trần Lâm