Dịch vụ đẻ thuê đang bùng nổ ở Ấn Độ và được tổ chức hết sức chuyên nghiệp. Phụ nữ nghèo đến các bệnh viện cho những cặp vợ chồng giàu có từ khắp nơi trên thế giới “thuê bụng”. Nhiều người tự hỏi, đây là thành tựu của toàn cầu hóa hay sự tồi tệ đáng hổ thẹn của việc khai thác cơ thể phụ nữ dưới góc độ thương mại hóa?
Một lần đẻ thuê bằng 20 năm lao động
Maanasi đã sẵn sàng cho việc đẻ thuê. Người phụ nữ 34 tuổi đang nằm trên bàn khám, chờ đợi TS. Patel đến. Hai phụ tá bác sĩ đang soi đèn ở bụng cô. Maanasi hầu như không căng thẳng khi bác sĩ cấy 2 phôi vào tử cung của cô. Việc cấy phôi rất nhanh, mất không quá 10 phút. Khách hàng của Maanasi là một cặp vợ chồng người Mỹ, họ đã gửi 6 phôi đông lạnh bằng máy bay để đề phòng thất bại. Sau đó, người phụ nữ trẻ được đưa đến “ngôi nhà đại diện” - cách bệnh viện khoảng vài trăm mét và ở lại cho đến khi em bé được sinh ra. Ngày em bé ra đời cũng là ngày Maanasi gặp khách hàng lần đầu tiên. Sau khi hoàn tất công việc, Maanasi có thể trở về làng cũ với chồng và hai con, một đứa 7 tuổi, một đứa 9 tuổi. Số tiền mà Maanasi nhận được là 4.000USD. Làm sao cô có thể từ chối một thỏa thuận “hấp dẫn” như vậy khi cô chỉ kiếm được dưới 1USD/ngày? Tiền trả cho 9 tháng mang thai tương đương với số tiền mà cô phải lao động cật lực trong 20 năm.
TS.BS. Patel đang kiểm tra sản phụ mang thai hộ.
Anand, Ấn Độ - một thị trấn cỡ trung bình với 150.000 dân, cách Ahmedabad, thành phố lớn nhất bang Gujarat, phía Tây Bắc của đất nước 100km. Đến tận bây giờ, thị trấn này vẫn đầy những chiếc xe kéo, người bán rong trên phố, súc vật thả rông ngoài đường. Nhờ vào sự ra đời của Bệnh viện Vô sinh Akanksha, nhiều phụ nữ đã có công việc “làm thêm” khá ổn định. Nơi đây đã trở thành trung tâm của thế giới trẻ sơ sinh. Hiện có khoảng 100 phụ nữ đang mang thai nhưng không phải con mình. Nhiều người trong số họ mang song thai. Để tối đa hóa cơ hội thành công, 2 thậm chí 3 phôi được cấy ghép vào cơ thể phụ nữ đẻ thuê, ngay sau đó sẽ phải can thiệp y tế để giảm bớt phôi thai theo yêu cầu của khách hàng.
Giá rẻ bằng 1/3 ở Mỹ
TS. Nayna Patel đã có 10 năm kinh nghiệm trong quản lý phòng khám vô sinh cho biết, quy trình mang thai hộ được phòng khám của bà thực hiện chuyên nghiệp, gần như công nghiệp. Tính đến ngày 5/8 vừa qua, phòng khám của bà đã thực hiện thành công 500 ca mang thai hộ. Người phụ nữ thứ 500 là một cô gái 28 tuổi đã có chồng và hai con nhỏ, sinh một bé gái cho cặp vợ chồng giàu có đến từ bang Uttar Pradesh. Người Ấn Độ chiếm khoảng 1/3 số khách hàng của phòng khám. Phần còn lại đến từ khắp nơi trên thế giới, từ Bỉ và Australia đến Nhật Bản, Israel hoặc Botswana. “Tổng số là 31 nước”, bà Patel nói. Trong 10 năm, gần 700 trẻ em đã được sinh ra từ phòng khám này. Theo số liệu thống kê thì tại đây số trẻ sinh ra bằng dịch vụ này không ngừng tăng lên qua các năm, 3 trẻ sơ sinh ra đời vào năm 2006, 69 trẻ sơ sinh ra đời năm 2008 và đến năm 2012, con số này đã là 147.
Ấn Độ đang là thị trường sôi động hàng đầu thế giới về đẻ thuê.
Ước tính, dịch vụ đẻ thuê mang lại lợi nhuận vài triệu đô-la mỗi năm cho Ấn Độ và tất cả mới là sự khởi đầu. Nguyên nhân của sự bùng nổ dịch vụ này được các chuyên gia lý giải là do sự thiếu hụt trẻ em được nhận làm con nuôi trên toàn cầu, hôn nhân đồng tính và việc đẻ thuê được hợp pháp hóa trong khoảng 15 quốc gia. Riêng với Ấn Độ, dịch vụ đẻ thuê đang “bùng nổ”, với hàng chục tổ chức môi giới và phòng khám chuyên khoa. Nếu chi phí trọn gói cho việc mang thai hộ ở Mỹ có giá 100.000USD thì ở Ấn Độ chỉ vào khoảng 30.000USD, tức bằng 1/3 giá ở Mỹ. Tất cả mọi quy trình đều rẻ hơn, từ chi phí y tế, bác sĩ, dịch vụ pháp lý và cả việc thuê người mang thai hộ. Mỗi phụ nữ đẻ thuê sẽ nhận được từ 4.000 - 5.000USD cho mỗi ca sinh nở.
Tranh cãi về giá trị đạo đức
Với 250 triệu người nghèo, Ấn Độ được coi là thị trường “không giới hạn” cung cấp phụ nữ đẻ thuê tiềm năng. Hiện Thái Lan, thị trường mới nổi có chi phí trọn gói dịch vụ mang thai hộ chỉ bằng 20% so với Ấn Độ đang trở thành đối thủ cạnh tranh. Xung quanh việc bùng nổ thị trường mang thai hộ đang có nhiều tranh cãi. Nhiều người đặt câu hỏi rằng, liệu đây có phải là hậu quả cuối cùng của toàn cầu hóa? Sự khai thác đáng hổ thẹn cơ thể phụ nữ? Một hành vi thương mại hóa trẻ em?... Những đứa trẻ được sinh ra như một dây chuyền lắp ráp: tinh trùng và tế bào trứng thậm chí được mua trực tuyến, tinh trùng đông lạnh được vận chuyển bằng máy bay từ khắp nơi trên thế giới, sau đó cấy vào bụng của những người phụ nữ. Tuy nhiên, Patel, chủ phòng khám vô sinh lại có quan điểm khác. “Chúng tôi đang cố gắng làm cho mọi người hạnh phúc. Một mặt, chúng tôi giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn có cơ hội được làm cha, làm mẹ. Mặt khác, những người phụ nữ cực kỳ nghèo có thể tìm giải pháp duy trì cuộc sống cho chính gia đình mình” - bà Patel nói.
(Theo Wordcrunch.com)
Tường Phạm