Hà Nội

Dịch vụ công trực tuyến: Tăng tốc đột phá để phòng dịch COVID-19 và chuyển đổi số trong y tế

30-06-2020 15:45 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đã tăng tốc, đột phá, thực hiện mục tiêu kép vừa tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thông chính trị để phòng chống dịch COVID-19 lẫn thực hiện chuyển đổi số trong y tế, đã thực hiện được số thủ tục hành chính trên môi trường mạng gấp hơn 2,5 lần so với 5 năm trước đó.

Ngày 30/6, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (https://dichvucong.moh.gov.vn), của Bộ Y tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chủ trì buổi lễ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương những nỗ lực của Bộ Y tế cùng các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống để việc thực hiện thuận tiện, đúng mục tiêu đề ra, đồng thời cần nhân rộng tới tất cả các bộ ngành, triển khai nhanh chóng hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

“Công nghệ thông tin chỉ là công cụ còn việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt đến đâu thì đòi hỏi các đơn vị trực tiếp phải tiếp tục thay đổi lề lối, cách thức làm việc” - Phó Thủ tướng lưu ý. Sau khi cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành y tế chậm nhất là đến ngày 31/12/2020 thay thế toàn bộ sổ khám sức khoẻ bằng giấy sang hình thức điện tử để theo dõi cụ thể hồ sơ sức khoẻ của từng người dân.

Đến nay, ngành y tế đã lập được trên 90 triệu hồ sơ sức khoẻ điện tử và đang triển khai cập nhật thông tin sức khoẻ của từng người dân từ y tế tuyến xã đến tuyến huyện, tỉnh, Trung ương; tích hợp, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân sau này.

Một vấn đề nữa là đến ngày 31/12/2020, toàn bộ thông tin về nguồn lực của ngành y tế phải được cập nhật đầy đủ, phục vụ quản lý nhà nước một cách minh bạch, công khai, toàn xã hội giám sát. “Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với hệ thống y tế sẵn có, Việt Nam sẽ có nền y tế hiệu quả”- Phó Thủ tướng nói.

Bộ đầu tiên cung cấp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

GS.TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế cho biết, tính đến nay Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, kết nối với Cổng Dịch vụ Công Bộ Y tế.

Hiện Bộ Y tế có 281 TTHC thuộc 14 lĩnh vực. Việc xử lý văn bản hàng ngày đều được số hóa toàn bộ, từ khâu tiếp nhận, xử lý, ký văn bản đã không còn dùng giấy. Điều này tạo tiện ích thuận lợi hơn với người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đương đầu với đại dịch COVID-19 chưa từng xuất hiện trong lịch sử, Việt Nam là một trong ít quốc gia trên thế giới đã ngăn chặn thành công đại dịch. Một trong những yếu tố góp phần làm nên sự thành công này là việc ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phòng chống dịch bệnh. Đây là điểm rất khác biệt so với công tác phòng chống các dịch bệnh trước đây.

Các đại biểu thực hiện nghi thức công bố hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Bộ Y tế.

“Tất cả các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông đều chung tay tham gia chống dịch. Chúng ta đã gửi 17 tỉ tin nhắn khuyến cáo phòng chống dịch bệnh đến người dân trong suốt nhiều tháng qua"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Bộ Y tế rất quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực cho cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp. Với việc hoàn thành trực tuyến hóa các Thủ tục hành chính, hằng năm hàng trăm ngàn hồ sơ sẽ được nhận, trả, xử lý trực tuyến trên môi trường điện tử, tiết kiệm tiền bạc, thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời, công việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức cũng trở nên thuận tiện, minh bạch, kịp thời hơn.

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế khẳng định đây là một cuộc cách mạng số trong ngành y tế, góp phần thay đổi bộ mặt của ngành y tế trong sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin.

Về đích trước thời gian 5 năm so với lộ trình đề ra

Theo Bộ Y tế, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đã tăng tốc, đột phá, thực hiện mục tiêu kép vừa tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thông chính trị để phòng chống dịch COVID-19 lẫn thực hiện chuyển đổi số trong y tế, đã thực hiện được số TTHC trên môi trường mạng gấp hơn 2,5 lần so với 5 năm trước đó.

Có được thành công này là do ngay sau khi được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý, điều hành toàn diện Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ Y tế phải tập trung nguồn lực, ứng dụng công nghệ và có giải pháp phù hợp để bảo đảm đến ngày 30/6/2020 hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Hàng tuần, Phó Thủ tướng đều yêu cầu các Vụ, Cục báo cáo tiến độ triển khai và có chỉ đạo kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ triển khai.

Văn phòng Bộ với vai trò là đơn vị đầu mối phụ trách Bộ phận Một cửa Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC của Bộ Y tế và Một cửa điện tử, Văn phòng Bộ đã đề xuất một cách làm mới, đột phá tiết kiệm thời gian và kinh phí xây dựng các DVCTT. Thay vì xây dựng chi tiết từng phần mềm đơn lẻ, Văn phòng Bộ đã đề xuất xây dựng các Modul trong Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử để các đơn vị tự cấu hình các DVCTT mức độ 4 cơ bản.

Kết quả, chỉ trong khoảng 3 tháng các đơn vị hoàn thành xây dựng 147 DVCTT mức độ 4 cơ bản. Trong tương lai, khi có phát sinh thủ tục hành chính mới mà không cần xây dựng chi tiết các đơn vị có thể tự cấu hình trên các modul đã được xây dựng trên Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế.

Lễ công bố hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Bộ Y tế.

Các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ Y tế đã đưa nhiệm vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian vừa qua của đơn vị, đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân chịu trách nhiệm; Lãnh đạo đơn vị thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, giám sát chặt chẽ tiến độ triển khai dịch vụ công trực tuyến; gắn việc hoàn thành triển khai dịch vụ công trực tuyến là điều kiện để bình xét thi đua khen thưởng trong đơn vị. Đồng thời, Vụ Kế hoạch – Tài chính đã quan tâm, bố trí kinh phí triển khai ngay từ đầu năm.

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao, Cục Công nghệ thông tin, Văn phòng Bộ, các Vụ, Cục và các đơn vị liên quan thuộc Bộ đã phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo lựa chọn được các giải pháp, công nghệ phù hợp để triển khai nhanh, đảm bảo chất lượng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Bộ Y tế cũng thấy rất rõ rằng đây mới là khởi đầu của giai đoạn mới – giai đoạn mà tất cả các thủ tục hành chính của Bộ Y tế được thực hiện trực tuyến, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục này ở mọi nơi có Internet, vào mọi lúc - nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn, vẫn có thể có sự không thuận tiện nào đó trong việc nộp, bổ sung hồ sơ... Vì vậy, các đơn vị, các công chức, viên chức trong Bộ Y tế phải nỗ lực, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, góp phần hoàn thành kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của ngành y tế, công tác cải cách hành chính cũng như các mục tiêu chung của ngành, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Bộ Y tế cho biết đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư xây dựng DVCTT từ rất sớm ngay từ năm 2014. Đến hết năm 2019, sau hơn 5 năm triển khai, Bộ Y tế đã thực hiện được 90 DVCTT thuộc các lĩnh vực An toàn thực phẩm và dinh dưỡng, Dược, Mỹ phẩm, Trang thiết bị y tế, khám, chữa bệnh, Khoa học và đào tạo, Quản lý môi trường y tế... Đây là nhóm dịch vụ công có số lượng hồ sơ giải quyết lớn, với khoảng gần 400 hồ sơ được tiếp nhận/ngày, nên Bộ Y tế đã chỉ đạo ưu tiên làm trước.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2020, tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến là: 33.429 hồ sơ, trong đó: Vụ Trang thiết bị và công trình y tế: 4919 hồ sơ; Cục An toàn thực phẩm: 8708 hồ sơ; Cục Quản lý Dược: 18.027 hồ sơ; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: 1724 hồ sơ; Cục Khoa học công nghệ và đào tạo: 50 hồ sơ; Cục Quản lý môi trường y tế: 1 hồ sơ.

Dương Hải
Ý kiến của bạn