Ngành dịch vụ ăn uống linh hoạt thích nghi với đại dịch
Thực tế là đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi toàn bộ hành vi của người tiêu dùng, cách vận hành của thị trường bán lẻ với những cơ hội xen lẫn thách thức. Bởi vậy, các hộ kinh doanh cần linh hoạt và chủ động trang bị cho mình những nền tảng đúng đắn để nắm bắt cơ hội tốt.
Các doanh nghiệp và tiểu thương ngành dịch vụ ăn uống (F&B) đã có rất nhiều hình thức thay đổi trong phương pháp kinh doanh để thích ứng với đại dịch.
Theo đó, nhiều nhà hàng ăn uống thương hiệu lớn, chất lượng cao cấp với mô hình phục vụ tại chỗ sang trọng cũng thay đổi chiến lược.
Họ chuyển sự tập trung từ nhóm khách tiêu dùng du lịch, tiêu dùng cao sang phân khúc khách Việt Nam địa phương, người dân thu nhập trung bình – khá nhưng có nhu cầu ăn uống ổn định để đảm bảo tăng trưởng doanh thu bình ổn.
Theo thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường, tính đến quý II/2021, tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ đạt 94%, giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Cũng từ đó, các doanh nghiệp và tiểu thương ngành F&B đã có rất nhiều hình thức thay đổi trong phương pháp kinh doanh để thích ứng với đại dịch.
Các nhà hàng ăn uống thương hiệu lớn, chất lượng cao cấp với mô hình phục vụ tại chỗ sang trọng cũng thay đổi chiến lược rất nhiều, từ tập trung vào nhóm khách du lịch tiêu dùng cao, nay chuyển sang phân khúc khách Việt Nam địa phương.
Một khảo sát khác từ tháng 7/2021 cho thấy, tỷ trọng doanh thu của kênh trực tuyến (online) so với tổng doanh thu của các hãng trung bình tăng 1,5 - 2 lần so với trước COVID-19.
Điều này thể hiện tiềm năng tăng trưởng doanh thu khổng lồ nên các hãng đều dốc sức đầu tư cho mạng lưới kinh doanh trực tuyến.
Đây cũng chính là sự thích ứng nhanh trong cung cách thị trường bán lẻ F&B Việt Nam hoạt động trong giai đoạn hậu đại dịch sắp tới, dự kiến là "sân chơi" của thương mại điện tử và hệ thống vận chuyển, giao nhận hàng hóa chuẩn chỉnh.
Các hộ kinh doanh ăn uống vừa và nhỏ hoặc các tiểu thương khởi nghiệp ngành F&B hoàn toàn có thể tham gia vào cuộc chiến này với những cơ hội luôn tồn tại song song dù trong thời kỳ giãn cách khó khăn này.
Giai đoạn này cũng rất lý tưởng cho việc hoàn thiện các công tác xác định chiến lược phát triển thận trọng, xây dựng nền tảng và các nguồn lực để tham gia vào thương mại điện tử sâu sát hơn trên các sàn thương mại tập trung lớn như Lazada, Shopee, Tiki,… để tận dụng lượng khách sẵn có khổng lồ trên đây, tìm đúng đối tượng khách hàng mục tiêu của mình có nhu cầu ăn uống chuyên biệt hoặc phổ biến, tùy vào mục tiêu và định vị riêng của thương hiệu.
"Trong bối cảnh mà người tiêu dùng không trực tiếp đến cửa hàng để cảm nhận không gian, chất lượng phục vụ được thì chất lượng sản phẩm, khâu giao nhận chu đáo và sức mạnh marketing truyền miệng mới là nội dung lan tỏa rộng hiệu quả nhất", một chuyên gia về lĩnh vực tiếp thị nhận định.
Ngành dịch vụ ăn uống cần làm gì để bùng nổ trở lại
Để phục hồi kinh tế sau dịch và tiếp tục tăng trưởng trong năm sau, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp F&B cần hoạch định các chiến lược mở rộng cửa hàng phù hợp.
Trong đó, cần lựa chọn địa điểm kỹ càng, không cần tập trung nhiều cửa hàng tại một khu vực trung tâm mà nên xây dựng mạng lưới cửa hàng dàn trải trên diện rộng trên nhiều quận, thành phố, địa phương để tối đa hóa sự tiếp cận đến càng nhiều khách hàng nội địa càng tốt, vừa cung cấp sự tiện lợi ăn uống ngay tại khu vực khách hàng ở, vừa bao phủ diện rộng cho mạng lưới vận chuyển và bán hàng mang đi (delivery) của hãng.
Tiếp đó, thu gọn lại diện tích không gian quán chỉ vừa đủ hợp lý để tránh lãng phí không gian và chi phí như trước đây các nhà hàng hay chú trọng vào hình thức trải nghiệm không gian tại quán, làm ảnh hưởng tiềm năng lợi nhuận. Quản lý các chi phí thuê mặt bằng chỉ tối đa 10 - 16% doanh thu để duy trì hiệu quả cửa hàng.
Mặt khác, tinh gọn bộ máy và chi phí hoạt động của quán bao gồm giảm số lượng nhân viên làm việc tại cửa hàng với chương trình huấn luyện đa nhiệm cho mỗi nhân viên để sử dụng nguồn lực nhân sự hiệu quả hơn.
Ngoài ra, nên tập trung nguồn lực và phần tài chính tiết kiệm được đó để đầu tư và nuôi dưỡng hệ thống phân phối và kênh giao nhận hiệu quả, chăm chút vào các thông điệp marketing online, chăm sóc giá trị tinh thần và trải nghiệm của khách hàng tại nhà đối với sản phẩm của mình.
Theo khảo sát, xu hướng thanh toán trả trước bằng ví điện tử hoặc thẻ, không dùng tiền mặt cũng được phổ biến với tốc độ chóng mặt với 51% người tiêu dùng ở Việt Nam đã chuyển hóa từ thanh toán tiền mặt khi nhận hàng sang thanh toán trả trước này kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện (khảo sát của YoGov từ tháng 6/2021).
Vì vậy, hộ kinh doanh ăn uống cũng cần tìm hiểu và đầu tư sớm vào các kênh ví điện tử hoặc thẻ để tối đa hóa sự thuận tiện trong thanh toán cho khách hàng, khiến họ cảm thấy gần gũi và thoải mái hơn trong hoạt động mua sắm ăn uống mỗi ngày; dần dà, sẽ trở thành thói quen và là lượng khách hàng trung thành vững chắc của hãng.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.