Hà Nội

Dịch vụ ăn uống đường phố chưa bảo đảm an toàn thực phẩm

09-11-2018 08:46 | Thời sự
google news

SKĐS - Đoàn đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm (ATTP) của TP. Hà Nội năm 2018 do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc chấp hành quy định về ATTP ở một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn huyện Gia Lâm - Hà Nội.

Chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của thực phẩm

Đoàn đã kiểm tra đột xuất tại căng tin sinh viên tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam và 2 cơ sở kinh doanh trên mặt đường Ngô Xuân Quảng, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở đều xuất trình được các giấy tờ chứng nhận, có sổ ghi chép trích xuất nguồn gốc thực phẩm và chấp hành quy định về đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, do 2 cơ sở là hộ sản xuất cá thể, vì vậy việc niêm yết công khai giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, các đơn vị chưa có tấm ngăn côn trùng để bảo quản thực phẩm, chưa xuất trình được giấy tờ, hồ sơ về nguồn gốc thực phẩm. Đa số người bán hàng chưa khám sức khỏe và xác nhận kiến thức về ATTP.

Hà Nội đã thực hiện ATTP thức ăn đường phố từ năm 2012 thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát, chuẩn bị găng tay, tạp dề cho các cơ sở kinh doanh... Tuy nhiên, dịch vụ ăn uống đường phố chưa đáp ứng được mong đợi của cả người dân và nhà quản lý. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, thực tế kiểm tra nhiều địa bàn cho thấy, việc thực hiện đảm bảo ATTP còn chưa tốt chủ yếu do công tác thống kê còn hạn chế. Các quận, huyện không có cán bộ chuyên trách, phải huy động cán bộ kiêm nhiệm. Đặc biệt, việc xử phạt đối với các xã, phường vẫn chưa cụ thể, trong thi hành xử phạt chỉ áp dụng hình thức nhắc nhở, chưa thực hiện thông tin công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Dịch vụ ăn uống đường phố chưa bảo đảm an toàn thực phẩmĐoàn kiểm tra công tác ATTP của Hà Nội.

Để thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP, theo Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ, cần áp dụng nghiêm các hình thức xử phạt. Đồng thời truyền thông, vận động người tiêu dùng vào cuộc bằng cách phản ánh các cơ sở vi phạm qua đường dây nóng để xử lý.

Vi phạm kinh doanh thức ăn đường phố sẽ bị phạt nặng

Theo ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc (Cục ATTP, Bộ Y tế), việc kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng rất được ưa chuộng do có thể lựa chọn nhanh, đa dạng, nhiều chủng loại, giá cả hợp lý. Loại hình kinh doanh này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng hiệu lực quản lý thức ăn đường phố của các cấp còn chưa thường xuyên, chưa cao.

Trước tình trạng mất vệ sinh ATTP vẫn rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng, Nghị định số 115/2018 NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có hiệu lực từ ngày 20/10 được xem là một trong những biện pháp quyết liệt đấu tranh với thực phẩm không đảm bảo nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP cho biết, Nghị định 115 ra đời có những quy định về các mức xử phạt cao hơn so với các quy định trước nhằm tăng cường quản lý và xử lý mạnh mẽ hơn đối với các hành vi vi phạm về ATTP. Trong đó đáng chú ý, hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không có hình thức cảnh cáo và mức phạt tiền tối đa lên đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Nghị định này cũng quy định nhiều hành vi xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; đình chỉ hoạt động có thời hạn tịch thu, tiêu hủy tang vật vi phạm.

Đặc biệt, Điều 16 của Nghị định 115 quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu  đồng đối với một trong các hành vi: thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay... Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, chứa đựng trực tiếp thực phẩm không bảo đảm an toàn; người đang mắc bệnh mà theo quy định không được trực tiếp kinh doanh thức ăn; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống...

Trước những quy định mới của Nghị định 115 về tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm ATTP, phần lớn người dân cũng như đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều bày tỏ sự ủng hộ nhằm hạn chế tình trạng mất ATTP như hiện nay.


Mai Minh
Ý kiến của bạn