Hà Nội

Dịch Truyện Kiều, việc cực khó!

07-09-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dịch tác phẩm văn học kinh điển sang tiếng nước ngoài là một trong những hình thức quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.

Dịch tác phẩm văn học kinh điển sang tiếng nước ngoài là một trong những hình thức quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Đây cũng là nỗi trăn trở của giới dịch giả khi Truyện Kiều - kiệt tác văn học của đại thi hào Nguyễn Du, vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình chinh phục độc giả thế giới.

Biến điều không thể thành... có thể

Tính đến nay, Truyện Kiều đã được dịch sang ít nhất hơn 20 thứ tiếng, có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Có khoảng 11 bản dịch đầy đủ Truyện Kiều sang tiếng Pháp. Mặt khác, Truyện Kiều đã được chuyển ngữ sang các thứ tiếng: Anh, Đức, Ả Rập (từ bản dịch tiếng Pháp), Bulgari, Trung Quốc, Hàn, Hy Lạp, Hungari, Ba Lan, Rumani, Nga, Slovaquia, Thụy Điển... Con số này sẽ không dừng lại bởi luôn có những người tâm huyết, yêu tiếng Việt, yêu Truyện Kiều. Tuy vậy, cả thế giới phải thừa nhận, việc dịch, quảng bá Truyện Kiều ra một ngôn ngữ khác là một công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi nỗ lực lớn của người dịch.

Được ví như một thành trì văn hóa lớn, chinh phục Truyện Kiều không phải điều dễ dàng với ngay cả những dịch giả lão luyện nhất.

Ở Việt Nam, nhiều dịch giả cũng chú tâm vào dịch Truyện Kiều, người đầu tiên được biết đến là Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Bản dịch của ông nhắm đến các độc giả chuyên gia vì ông chú thích rất nhiều. Ông dịch từng từ, từng câu thơ, sau đó mới đưa ra giải pháp dịch. Vì thế ông làm nổi bật các đặc tính văn chương của tiếng Việt và những khó khăn trong việc chuyển ngữ.

Dẫu vậy, chuyển ngữ theo cách này không hướng đến số đông nên Truyện Kiều vẫn là một dấu hỏi lớn đối với công chúng Pháp nói riêng, độc giả thế giới nói chung. Về sau này, rất nhiều dịch giả người Pháp đã dấn thân vào công việc khó khăn này. Một trong số đó là Marcel Robbe. Ông từng ra mắt bản dịch Kim Vân Kiều sang tiếng Pháp, năm 1943, với bút danh là M.R. Đọc lời mở đầu sẽ cho chúng ta biết là ông rất am hiểu văn hóa Việt Nam, nhưng như Léon Masset từng nói, chỉ có điều tra thì chúng ta mới biết cụ thể trình độ tiếng Việt của dịch giả này...

Một dịch giả người Nhật cũng đã rất nỗ lực trong việc chinh phục Truyện Kiều. Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, Truyện Kiều đã được dịch giả Komatsu Kiyoshi dịch từ tiếng Pháp. Dịch giả so sánh tác phẩm này với Genji Monogatari - một kiệt tác của văn học Nhật Bản và nhận xét: “Đây là một tác phẩm thơ trữ tình trường thiên chứa đựng rất nhiều tinh thần và văn hóa của người Việt”.

Ở châu Âu, một dịch giả nổi tiếng người Đức cũng dành phần lớn cuộc đời dịch thuật của mình cho Truyện Kiều. Ông là Franz Faber - người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức. Ông từng chia sẻ: “Mang sẵn trong lòng những xúc động về con người và đất nước Việt Nam, tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc Truyện Kiều. Tôi quyết định tìm hiểu sâu sắc tác phẩm này và sẽ dịch nó ra tiếng Đức”. Faber tranh thủ từng giờ, từng phút để làm việc. Ông xin gặp nhiều học giả Việt Nam như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh... để tham khảo nội dung của từng điển tích và từ vựng. Nhưng ông cho rằng, cái khó nhất của việc dịch tác phẩm này là làm sao lột tả được vẻ đẹp của ngôn ngữ mà Nguyễn Du đã sử dụng một cách tài tình. Dịch những câu thơ lục bát sang tiếng Đức mà lại giữ nhịp điệu trung thành so với bản gốc là khó thực hiện được. Và mỗi từ trong đó đều hàm chứa một nội dung rộng lớn hơn bản thân nó.

Cuộc chinh phục không ngừng nghỉ

Người ta không dễ dàng gọi bất kỳ tác phẩm văn học nào là kiệt tác, bởi lẽ phải đặc biệt như Truyện Kiều thì mới xứng đáng với tên gọi này. Giá trị lớn nhất của tác phẩm không hẳn là sự đồ sộ về ngôn ngữ, mà là sự tiềm tàng của nó cùng với thời gian. Đại thi hào Nguyễn Du đã tạo dựng nên Truyện Kiều bằng tài năng sáng tạo thiên bẩm, tuyệt tác này xứng đáng được gọi là tác phẩm kinh điển của Việt Nam.

Nhiều năm nay, xuất phát từ sự tôn kính và cảm phục đại thi hào Nguyễn Du, không ít nhà nghiên cứu văn hóa, giới cầm bút và dịch thuật đã nhọc công đào sâu vào nghiên cứu Truyện Kiều và bắt tay vào dịch tác phẩm sang nhiều thứ tiếng, để cho độc giả thế giới được đọc và thưởng thức. Tháng 8/2015, có 25 trong số hơn 100 tham luận gửi về một hội thảo nói về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Du. Tất cả đều mở ra giai đoạn mới trong tìm hiểu, nghiên cứu và dịch thuật tác phẩm của Nguyễn Du, đưa tình cảm của đại thi hào đến gần hơn với nhân loại. Là một trong số 16 đại biểu quốc tế tham dự hội thảo về Nguyễn Du vừa qua, sinh viên Trường đại học Charles (Praha, CH Séc) Jan Komárek  đã dành 2 năm để dịch được 200 câu Kiều chia sẻ: “Tôi không dịch ra văn xuôi như nhiều người làm, mà dịch thành thơ luôn. Tôi áp dụng phương pháp gấp đôi số âm tiết, không phải thơ lục bát nữa mà là thập nhị, thập lục, giữ gìn vần điệu trong câu thơ. Một ngày làm việc cật lực, tôi chỉ có thể dịch được nhiều nhất là 10 câu thơ”.

Thế mới thấy, với các tác phẩm thông thường, việc dịch thuật chỉ phải vượt qua rào cản ngôn ngữ là chủ yếu. Nhưng dịch Truyện Kiều, dịch giả phải vượt qua thành lũy của những kiến thức tổng hợp về ngôn ngữ, thành ngữ, tiếng địa phương, điển cố và điển tích... Vì vậy, việc quảng bá văn học Việt Nam nói chung, Truyện Kiều của Nguyễn Du nói riêng ra thế giới, cần nhiều hơn nữa những tấm lòng tâm huyết và hơn hết là một chiến lược lâu dài, bài bản trong nỗ lực đưa văn học Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Franz Faber từng nói: “Tôi biết rõ, dịch Truyện Kiều là tự nguyện đón nhận một công việc cực kỳ khó...”.

Việt Sơn

 


Ý kiến của bạn