Dịch tễ và văn hóa: Bệnh dịch hạch

26-11-2010 15:04 | Văn hóa – Giải trí
google news

Dịch tễ tác động đến văn hoá, nhiều khi một cách bất ngờ. Lấy thí dụ như bệnh dịch hạch, do một loại vi khuẩn, từ bọ chét của chuột mắc bệnh truyền sang người, gây sốt, nổi hạch. Nếu lây bệnh do người thì viêm phổi, tử vong rất cao đến 90%.

Dịch tễ tác động đến văn hoá, nhiều khi một cách bất ngờ. Lấy thí dụ như bệnh dịch hạch, do một loại vi khuẩn, từ bọ chét của chuột mắc bệnh truyền sang người, gây sốt, nổi hạch. Nếu lây bệnh do người thì viêm phổi, tử vong rất cao đến 90%.

Trong cuốn Lịch sử y học, bác sĩ Chastel và bác sĩ Cénar xếp dịch hạch vào loại tai ương của nhân loại gồm 9 bệnh dịch. Trong hơn 1.500 năm tác quái suốt Đông Tây, dịch hạch đã để dấu ấn đến dân số, kinh tế, chính trị, nghệ thuật, tôn giáo. Vậy mà trong văn hoá cổ truyền Việt Nam, ít thấy nói đến. Có lẽ vì ta chưa nhận diện được dịch hạch, ta coi như bệnh dịch nói chung, đều do các “quan ôn” gây ra. Có điều ngẫu nhiên thú vị là bác sĩ người Pháp Yersin, người đã tìm ra vi khuẩn dịch hạch để trị bệnh lại gắn bó với Việt Nam, chết ở Nha Trang và được dân địa phương tôn làm thần. Ông là người nước ngoài duy nhất có tên phố ở Hà Nội. Cho đến khi Yersin tìm ra căn bệnh, dịch hạch trong mê tín dân gian vẫn được coi là một sự trừng phạt của thượng đế, của trời, trừng phạt tội lỗi con người.

Để chống đỡ, ở phương Tây người ta cầu các thánh, mẹ nữ đồng trinh Mari, làm lễ sám hối đánh đòn, giễu người bệnh qua các phố, hành hình người Do Thái bị coi là gây tội lỗi cho loài người. Nghệ thuật cũng chịu ảnh hưởng, đặc biệt trong các lễ hội dân gian nay còn tồn tại. Trong văn học, thí dụ văn học Pháp, dịch hạch cũng để lại dấu vết. Thuở nhỏ, ai học trường Pháp - Việt, đều học bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine: Các con vật bị dịch hạch. Vua sư tử họp các con vật lại, để tìm kẻ tội lỗi nhất, bắt hy sinh để dẹp yên cơn lôi đình của thượng đế. Cuối cùng con lừa ngu và yếu nhất bị hy sinh, tuy tội nhỏ nhất. Như vậy, làm gì có công bằng, kẻ mạnh bao giờ cũng có lý.

Năm 1947, nhà văn Camus (giải Nobel) viết cuốn tiểu thuyết Dịch hạch:

 Câu chuyện biểu tượng về một thành phố bị dịch hạch, người chết như rạ, tác phẩm viết thời Đức phát xít chiếm đóng, có thể ám chỉ cái ác, lên án sự phân biệt chủng tộc, đề cao con người đoàn kết chống cái ác. Họa sĩ Pháp Grus nổi tiếng về bức hoạ Những người bị dịch hạch ở Zaffa. Trong ngôn ngữ Anh, Đức, Pháp, danh từ dịch hạch dùng nghĩa bóng để chỉ cái gì ghê tởm, khó chịu, cần tránh xa hoặc tống khứ. Trong lịch sử nhân loại có ba đợt  bệnh dịch hạch lan rộng nhiều quốc gia.

Đợt I vào thế kỷ 6 (531-580), gọi là đợt dịch hạch thời hoàng đế La Mã Justinien, từ châu Á lan sang Địa Trung Hải, châu Âu. Rất khó ước lượng số nạn nhân. Đợt II gọi là dịch hạch đen thời Trung cổ châu Âu (1348-1350). Bệnh xuất phát từ Ấn Độ lan sang phía Tây qua hai con đường: qua Ba Tư tiểu Á tế Á, tới Constantinople, hai là qua đường Lưỡng Hà A Rập tới Ai Cập. Đợt này kinh khủng nhất, ở phương Đông chết khoảng 25 triệu người. Năm 1347, dịch hạch đen lan tới Ý, Pháp, Hà Lan… Thành phố Pháp Avignon có 60.000 người chết. Thành phố Ý Florence chết 100.000 người, Paris 50.000 người, London 100.000 người. Bệnh lan khắp châu Âu, làm chết gần 25 triệu người, một phần tư dân số. Theo Boccace kể lại, tai ương này khiến cho lòng người thành sắt đá, người thân tránh nhau, anh chị em bỏ nhau, bố mẹ không nhận con. Đợt III, cuối thế kỷ 19, bệnh xuất phát từ Vân Nam (1891), lan tới Quảng Đông (chết 180. 000 người), Hồng Kông (1894). Ở Hồng Kông, Yersin đã tìm ra vi khuẩn dịch hạch. Bệnh lan qua đường bộ, nhất là đường thủy rất nhanh vì lúc ấy đã có tàu thủy chạy hơi nước, qua Ấn Độ, Madagasca, Bồ Đào Nha, châu Mỹ, Úc.

Thời Trung cổ  chữa bệnh dịch hạch theo kiểu dân gian: tẩy, chích máu, đắp quả và giã, mổ hạch. Phòng bệnh bằng cách đốt hương, kiêng ăn thịt gà, thịt mỡ, dầu olive, quan hệ tình dục, để dấm trong phòng người bệnh. Ở Ý có những biện pháp khoa học hơn: Đưa người bệnh ra khỏi thành phố để cách ly, đồ của họ phơi nắng, quần áo và đồ của người chết đem thiêu...    

Yersin đến Hồng Kông năm 1894, khi thành phố đang bị dịch hạch, vắng tanh từ bến cảng đến các phố. Một nửa số dân (mười vạn người) chạy sang Quảng Đông cũng đang sợ bị dịch hạch, chỉ vì chính quyền Anh cấm những nghi lễ ma chay truyền thống, sợ lây bệnh, 96% bệnh nhân chết. Chính quyền Anh chỉ tổ chức một nhóm bác sĩ Nhật Bản sang để phát hiện vi trùng gây bệnh, còn Yersin bị bỏ rơi. Ông loay hoay bằng cách đút lót các lính thủy Anh có nhiệm vụ  chôn bệnh nhân. Ông lén vào hầm đựng áo quan, mở nắp, gạt vôi trên một vài hạch để chích máu đem về thí nghiệm. Thế là ông tìm ra vi khuẩn dịch hạch mặc dù bị nhóm bác sĩ Nhật tìm cách ngăn cản. Tiếp đó, Yersin khám phá ra chuột bị dịch hạch truyền bệnh cho người. Ông thấy ở Hồng Kông, chuột chết đầy nhà, đầy đường. Ông thí nghiệm thấy vi khuẩn dịch hạch của chuột và người giống nhau. Ông cho là bệnh nhiễm do vết thương hay đường ăn uống.

Năm 1898, bác sĩ Pháp L.Simond nghiên cứu ở Sài Gòn và Ấn Độ chứng minh qua thí nghiệm là bọ chét ở chuột cắn người và truyền bệnh dịch hạch. Một bác sĩ Nhật cũng tìm ra điều ấy, nhưng thiếu chứng minh khoa học.

Những năm 1920-1945, nhiều nhà nghiên cứu Pháp và Nga phát hiện ra là có những loại chuột hoang sống ở Trung Á, châu Phi và Nam Mỹ  vẫn lan truyền bệnh dịch   hạch. Ở những nước đã bị dịch hạch, vẫn có những ổ bệnh tiềm tàng. Trong tình hình hiện nay, vẫn chưa có cách nào trừ khử được dứt điểm bệnh dịch hạch.

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn