Hà Nội

Dịch tay chân miệng ở Đà Nẵng tăng cao nhất trong 5 năm qua

22-08-2023 17:28 | Y tế
google news

SKĐS - Trong nửa đầu tháng 8, dịch tay chân miệng tại Đà Nẵng tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua nhưng đang có dấu hiệu “hạ nhiệt” dần.

Ngày 22/8, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP. Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) cho biết, vừa có báo cáo Sở Y tế về tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.

Về tình hình dịch tay chân miệng, theo thống kê của Trung tâm, từ tuần 24 đến tuần 29/2023, số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh, cao hơn ngưỡng đường cong chuẩn 5 năm (2017-2021) và cùng kỳ năm 2022.

Số ca mắc trong tuần 29/2023 (103 ca mắc) tương đương với đỉnh dịch 2022 (105 ca mắc). Từ tuần 29/2023 đến nay, số ca mắc đang có xu hướng giảm dần, còn 65 ca ở tuần 33.

Dịch tay chân miệng ở Đà Nẵng tăng cao nhất trong 5 năm qua và đang giảm - Ảnh 1.

Số ca mắc tay chân miệng tại Đà Nẵng đang có xu hướng giảm nhưng số ca nặng lại tăng. Ảnh: TT

Trong tuần qua, số ca mắc tay chân miệng tăng ở một số quận gồm: Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn. Riêng hai quận Cẩm Lệ, Hòa Vang thì số ca mắc giảm.

Theo Khoa Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng), tình hình dịch tay chân miệng có xu hưởng giảm nhưng số ca mắc vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt là vẫn còn nhiều ca nặng cần truyền IVIG (thuốc đặc trị).

Ngoài số bệnh nhân ở Đà Nẵng, Bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp mắc tay chân miệng từ các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam chuyển ra điều trị.

Theo CDC Đà Nẵng, đơn vị này đã cử cán bộ giám sát hỗ trợ xử lý cô đơn lẻ và ổ dịch nhỏ Tay chân miệng, Sốt xuất huyết tại một số quận/huyện như: Cẩm Lệ, Hải Châu, Hòa Vang, Liên Chiểu và Sơn Trà.

Về tình hình dịch sốt xuất huyết, CDC Đà Nẵng cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết giảm 11 ca so với tuần trước. Địa phương có số ca mắc tăng so với tuần trước: Hòa Vang, Liên Chiểu. Địa phương có số ca mắc giảm so với tuần trước: Cẩm Lệ, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà.

CDC Đà Nẵng cũng yêu cầu UBND các xã/phường tích cực vận động người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, không để muỗi có môi trường sinh sản.

Cử cán bộ giám sát trong quá trình diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động khi xử lý ổ dịch nhỏ và phun diện rộng tại khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy vào Chủ nhật hàng tuần và thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết.


Tấn Tài
Ý kiến của bạn