Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 13 tỉnh: Người dân không nên hoang mang, tẩy chay thịt lợn

11-03-2019 09:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Tính đến ngày 10/3, trên cả nước đã có 13 tỉnh và thành phố có dịch tả lợn châu Phi.

Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, tốc độ lây lan của dịch tả lợn này rất nhanh và phức tạp. Ban đầu, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hưng Yên và Thái Bình. Chỉ chưa đầy 1 tháng sau, số tỉnh, thành có dịch đã tăng hơn 6 lần. Hiện dịch bệnh đang xảy ra ở gần 540 hộ tại 118 xã của 33 huyện, số lợn mắc dịch bị tiêu hủy đã lên tới gần 12.000 con.

Người dân không nên hoang mang tẩy chay thịt lợn.

Người dân không nên hoang mang tẩy chay thịt lợn.

Trước thông tin trên, rất nhiều người dân không khỏi lo lắng, vội vàng tẩy chay thịt lợn vì lo lắng ăn phải lợn nhiễm bệnh, ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn. PGS. TS. Trần Đắc Phu giải thích thêm, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virut, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.

Dù lợn bị nhiễm bệnh tả châu Phi không có khả năng lây sang người, song các chuyên gia thú y cảnh báo khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng... Đặc biệt, với bệnh liên cầu khuẩn lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng dễ lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương, vết trầy xước, qua các món ăn tái sống, tiết canh.

Khi nhiễm những vi khuẩn liên cầu, bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm độc tiêu hóa, nhiễm trùng máu, viêm não, viêm màng não, suy đa tạng... Do đó, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành số 5 kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho biết, TP. Hà Nội đã thành lập 5 tổ công tác liên ngành để kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Hà Nội. Từ ngày 13 -15/3, Tổ công tác liên ngành số 5 sẽ tiến hành kiểm tra các huyện, quận: Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Hoàn Kiếm.

Người dân không nên hoang mang tẩy chay thịt lợn.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có giấy mời chủ sở hữu trang Facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami đến làm việc để làm rõ thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi mà trang này đã đăng. Theo xác minh ban đầu, chủ trang Facebook có địa chỉ tại Hà Nội.

Nội dung giấy mời còn nêu rõ, báo cáo chi tiết bằng văn bản về hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin lên mạng xã hội, đã đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi “tẩy chay” thịt lợn vì có thể lây sang người.


Nguyễn Trần
Ý kiến của bạn