Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên diện rộng, hy vọng vào vaccine made in Việt Nam

23-12-2021 21:10 | Thị trường
google news

SKĐS - Cứ vào dịp cuối năm, nhu cầu thực phẩm đặc biệt là thịt lợn rất cao. Tuy nhiên thời tiết lạnh, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lan rộng, kèm việc khó tái đàn, lợn mất giá.... đang trở thành nỗi lo thường trực với ngành chăn nuôi.

Hàng trăm ổ dịch tại 42 tỉnh

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), so với năm 2020, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên diện rộng hơn. Cụ thể, số ổ dịch tăng 2,2 lần; số huyện có dịch tăng 1,3 lần và có tới 95% địa phương (58 tỉnh, thành phố) có báo cáo dịch; số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tăng hơn 3,6 lần, gây tổn thất khá nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi lợn.

Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã có tới 3.058 ổ dịch, xảy ra tại 407 huyện thuộc 59 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đã có 285.496 con lợn bị bệnh phải tiêu hủy.

Cục Thú y cũng thông tin, mặc dù nỗ lực các biện pháp ngăn chặn, nhưng hiện nay vẫn còn 42 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày. Đến ngày 22/12, cả nước hiện đang có 666 ổ dịch tại 183 huyện của 42 tỉnh; số lợn bị mắc bệnh là 106.073 con; số lợn bị chết và tiêu hủy là 117.226 con.

Đáng lo ngại là virus dịch tả lợn châu Phi khả năng gây tử vong cao ở lợn, đường lây truyền rất phức tạp; trong khi đó việc chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn sinh học vẫn chiếm tỉ lệ lớn, càng khiến dịch tả lợn Châu Phi dễ dàng xâm nhập, lây lan. 

Tại Hải Phòng, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra từ ngày 24/6/2021, tính đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 16 hộ, 8 xã thuộc huyện Tiên Lãng, huyện Cát Hải và quận Dương Kinh. Ngoài ra còn có tình trạng "lợn tả" ra chợ, khi kết quả giám sát sự lưu hành virus tại một số chợ trên địa bàn 11 tháng của năm 2021, cơ quan chức năng phát hiện 5,07% mẫu thịt lợn, giò, chả dương tính virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Nỗi lo người chăn nuôi và mong ngóng vaccine dịch tả lợn châu Phi "made in Vietnam" - Ảnh 1.

Nhiều nông hộ chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi

Để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống kiểm soát dịch bệnh tả lợn châu Phi, bảo đảm nguồn cung thịt lợn vào dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán, UBND TP.Hải Phòng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác giám sát dịch tới tận cơ sở, hộ chăn nuôi, vùng ổ dịch, ổ dịch cũ; phát hiện xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; tập trung nguồn lực khống chế, ngăn chặn dịch, không để dịch tiếp tục lây lan ra diện rộng…

Hà Tĩnh cũng là một tỉnh bị dịch tả lợn đeo bám. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, đến thời điểm này toàn tỉnh vẫn còn 9 xã thuộc 6 huyện đang có dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày. Tính đến sáng 23/12, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 9 xã của 6 huyện có dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày. Ngành chức năng cùng với người chăn nuôi đã tiến hành tiêu hủy gần 90 con lợn chết và nhiễm bệnh theo quy định. Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn Châu Phi khiến tất cả 13 huyện, thị, thành phố của toàn tỉnh Hà Tĩnh phải tiêu hủy 16.250 con lợn mắc bệnh và chết.

Tin vui: vaccine sắp "ra lò"

Từ năm 2020, Bộ NN&PTNT đã chỉ định 3 doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp Mỹ tiếp nhận virus và gen chuyên biệt để nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi (ASF).

Vừa qua, một doanh nghiệp của Việt Nam đã công bố thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 thành công. Đây là một tín hiệu đáng mừng của ngành sản xuất vaccine của Việt Nam cũng như hy vọng có thể xoá sổ dịch bệnh ASF gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi trong suốt một thời gian dài.

Theo PGS.TS Đinh Duy Kháng - Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, đề tài nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi sẽ góp phần  bảo vệ đàn lợn của doanh nghiệp. Sau gần một năm nhận chuyển giao chủng virus ASF G-Delta I1177/Delta VLR và dòng tế bào thường trực PIPPIC, các nhà khoa học đã tìm ra được dòng tế bào thích ứng cho virus để tiến hành nhân lên ở quy mô công nghiệp, tiến tới sản xuất vaccine ASF đại trà.

Kết quả thử nghiệm sau 21 ngày, đàn lợn không được tiêm vaccine thử nghiệm bị chết 100%, số lợn đã được tiêm vaccine thử nghiệm đều sinh miễn dịch và đạt tỷ lệ bảo hộ. 

Với kết quả này, người nông dân cũng như ngành chăn nuôi có thể tạm thời yên tâm về lâu dài. Tuy nhiên trước mắt, đặc biệt là trong dịp Tết nguyên đán sắp tới khi nhu cầu về thịt lợn tăng rất cao, thì nỗi lo "mất ăn tết" vẫn đang bủa vây.

Đưa hơn 300kg lợn trong vùng công bố dịch tả châu Phi đi tiêu thụ trong đêmĐưa hơn 300kg lợn trong vùng công bố dịch tả châu Phi đi tiêu thụ trong đêm

SKĐS - Lợi dụng đêm muộn để "né" sự quan sát từ cơ quan chức năng, ông Phạm Xuân Q (ở Yên Thắng, Nam Định) đã đưa 310kg lợn từ vùng được công bố có dịch tả lợn châu Phi vận chuyển đến TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang) để tiêu thụ.


Minh Thu
Ý kiến của bạn