Theo báo cáo, đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 3.508 xã, 337 huyện của 52 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, Hà Nam, Điện Biên, Ninh Bình, Nam Định, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TT Huế, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Hậu Giang, Hà Giang, Vĩnh Long, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Tuyên Quang, Gia Lai, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Định và Kon Tum.
Tính đến nay, số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.167.289 con, chỉ trong khoảng thời gian hơn 3 tháng xuất hiện dịch, điều này đã cho thấy mức độ nguy hại của bệnh dịch này đối với ngành chăn nuôi Việt Nam. Bên cạnh đó, đã có 112 xã thuộc 61 huyện của 24 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại các ổ dịch cũ này là 26.070 con. Thời gian qua, đã có 45 xã thuộc 14 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.
Đến nay danh sách các địa phương xuất hiện ổ dịch vẫn tiếp tục được nối dài và chưa có dấu hiệu dừng lại, tính đến ngày 3/6, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 52 tỉnh, thành trên cả nước.
Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 52 tỉnh, thành trên cả nước. (Ảnh minh họa)
Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi có thể lan ra cả nước
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nếu không làm tốt việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi có thể lây lan ra cả nước, kể cả những nơi hết dịch sau 30 ngày vẫn xuất hiện trở lại. Điều đó cho thấy, trong việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi này, các cấp, ngành, địa phương và người chăn nuôi không được phép chủ quan, lơ là.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương “phòng chống dịch như chống giặc, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phòng là chính, cơ sở là chính, dân là chính” và cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.
Thủ tướng yêu cầu, các cơ sở, địa phương chưa bị dịch cũng cần chủ động, tích cực hơn nữa, không đợi có dịch rồi mới chống. Các địa phương cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để các cơ quan, người dân nắm tình hình, không chủ quan, lơ là; hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi và cho ngành nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chia sẻ về một số khó khăn trong phòng chống dịch bệnh ở lợn. Đó là, việc tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập do mật độ chăn nuôi lợn dầy đặc khi cả nước có 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn. Ở giai đoạn đầu, khi bệnh dịch xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì lực lượng chức năng đã cơ bản khống chế. Tuy nhiên, khi bệnh dịch lây lan rộng và diễn biến phức tạp thì nhiều bất cập, xuất hiện tại nhiều địa phương trong quá trình triển khai.
Nhiều địa phương đã tổ chức chôn lợn bệnh không đúng quy định, để xác lợn trong chuồng quá lâu, thậm chí để bốc mùi rồi mới tổ chức chôn lấp. Trong quá trình vận chuyển lợn bệnh đi tiêu huỷ do không đảm bảo nên đã để máu, phân... rơi vãi ra đường và đây chính là nguồn lây lan dịch bệnh. Nguy hiểm hơn, đã xuất hiện tình trạng vứt xác lợn chết ra sông như tại Bắc Giang.
Cùng với đó, một số địa phương chưa chủ động giám sát, còn chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc dập dịch. Người chăn nuôi tại Phú Thọ và nhiều địa phương khác vẫn sử dụng thức ăn thừa cho lợn. Hay như mới đây, tại tỉnh Tuyên Quang có 2 cán bộ thú y đã bị tạm đình chỉ công tác do những sai phạm trong kiểm dịch khi cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn 40 con lợn với điểm đến cuối cùng là huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Chủ động phòng bệnh cho đàn lợn là biện pháp tốt nhất phòng chống dịch
Hà Nội: Cần chống bệnh thành tích, giấu dịch
Mới đây Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội tại Công văn 2191/UBND -KT về việc tiếp tục quyết liệt triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố.
Dịch tả lợn châu Phi là bệnh dịch rất nguy hiểm, diễn biến phức tạp. Do vậy, UBND thành phố yêu cầu các địa phương quán triệt phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”, phải chủ động, quyết liệt hơn nữa, không đợi đến khi có dịch mới triển khai phòng, chống; không chủ quan, lơ là gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Đặc biệt, tuyệt đối chống bệnh thành tích, không được giấu dịch. Tối thiểu 30 ngày kể từ khi phát hiện ổ dịch phải phun thuốc phòng, chống, xử lý dịch. Đồng thời, không để xảy ra tình trạng vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường, trôi nổi trên sông, hồ, ao làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đối tượng nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Luôn luôn phải đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh, sát trùng bằng thuốc và vôi bột, nhất là tại các hộ chăn nuôi có lợn bệnh và khu vực xung quanh. Cần thiết có thể huy động các lực lượng tại chỗ của địa phương (kể cả công an, quân đội, dân quân…); Tập trung tuyên truyền công tác phòng, chống, xử lý bệnh dịch để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn, đảm bảo duy trì và thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn khỏe.
…