Hà Nội

Dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng tại 29 xã của 16 huyện thuộc 8 tỉnh phía Nam

26-05-2019 07:03 | Thời sự
google news

SKĐS - Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi các tỉnh phía nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 2/5, tại TP Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo tại Hội nghị, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Hậu Giang vào ngày 11/4/2019, đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 29 xã của 16 huyện thuộc 08 tỉnh gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang; tổng số lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy 4.840 con, chiếm 0,08% tổng đàn lợn trong khu vực.

Tổng đàn lợn của khu vực Đông và Tây Nam Bộ hiện có 6,4 triệu con chiếm 23,0% so với tổng đàn lợn của cả nước. Nơi đây có 3.514 trang trại chăn nuôi với số lượng 4,2 triệu con.  Để ứng phó với bệnh dịch, hiện các tỉnh đã xây dựng được 459 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh (chiếm 13,1% số trang trại trong khu vực), với tổng đàn là 1,2 triệu con lợn (chiếm 18,5% tổng đàn lợn trong khu vực).

Lực lượng dân quân hủy đàn lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Theo các chuyên gia, hiện nay đang là thời điểm giao mùa (bắt đầu vào mùa mưa tại các tỉnh phía Nam), các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen, nên khó kiểm soát việc vận chuyển lợn. Mầm bệnh có thể dễ dàng phát tán và lây lan nhanh sang tất cả các địa phương chưa có dịch trong toàn khu vực; đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô và số lượng lợn lớn.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh DTLCP lây lan trên diện rộng, Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng VI, VII và Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ phối hợp triển khai 8 giải pháp để ngăn ngừa, khống chế. Trong đó chú trọng đến, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn, kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện quyết liệt kế hoạch ứng phó bệnh.

Mặt khác, tăng cường tần suất tiêu độc, sát trùng khu vực chăn nuôi, xung quanh khu vực chăn nuôi, đường giao thông, khu vực công cộng trên địa bàn cấp xã hàng ngày; đồng thời tuyên truyền các hộ chăn nuôi tăng cường tần suất tiêu độc khử trùng, làm sạch môi trường hạn chế lây lan mầm bệnh.

Các tỉnh cũng sẽ thành lập tổ công tác, phân công cán bộ đầu mối để cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày và gửi báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y vùng quản lý thông qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y của địa phương. Các địa phương tiếp tục rà soát các tuyến đường có thể vận chuyển lợn vào địa bàn (lưu ý đường thủy) để thành lập các tổ kiểm tra lưu động hoặc các chốt kiểm tra, kiểm soát trong địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm.

 

Cần Thơ là địa phương thứ 6 ở ĐBSCL có dịch tả lợn châu Phi


Ngày 25/5, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết mới đây các cơ quan chức năng vừa phát hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. 3 ổ dịch được phát hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thuộc phường Thường Thạnh, phường Phú Thứ (quận Cái Răng) và phường Long Hòa thuộc quận Bình Thủy. Tổng số lợn bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy là trên 147 con.
Sau khi thực hiện tiêu hủy và vệ sinh chuồng trại theo quy định, các ngành chức năng đã triển khai các giải pháp cấp bách, phòng chống dịch tả heo châu Phi lây lan sang các hộ chăn nuôi khác.
Trước đó, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở ĐBSCL tại các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang. Trước tình hình cấp bách, tại buổi họp trực tuyến của UBND TP Cần Thơ, TP đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn do ông Nguyễn Thanh Dũng - phó chủ tịch UBND thành phố - làm trưởng ban.
Theo chỉ đạo, các Chi cục chăn nuôi và thú y các tỉnh đang xảy ra dịch phải tiếp tục kiểm tra, rà soát thống kê đàn lợn trên địa bàn tiếp giáp ổ dịch để có biện pháp ngăn chặn dịch lây lan.
Các tỉnh đang có dịch phải lập chốt kiểm dịch trên các tuyến giao thông, tiêu độc khử trùng và ngăn chặn việc vận chuyển lợn nhằm giảm lây lan; hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi.

 


Lê Tùng
Ý kiến của bạn