Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang gia tăng ở thủ đô, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy nhằm giảm nhanh mật độ muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Mỗi đội gồm 2-3 người; gồm thành viên từ các tổ chức đoàn thể như thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, dân phòng…
Theo đó, mỗi đội phụ trách 30-50 hộ gia đình, khu công trường, cơ quan xí nghiệp, trường học, khu công cộng (vườn hoa, bãi đất trống, nghĩa trang, đình chùa…). Nhiệm vụ là kiểm tra, hướng dẫn cùng các gia đình, cơ quan… xử lý triệt để dụng cụ chứa nước, đồ vật chứa nước có khả năng là ổ bọ gậy; tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân; giám sát phát hiện bệnh nhân nghi sốt xuất huyết tại cộng đồng.
Sở Y tế TP Hà Nội yêu cầu 7 ngày một lần các đội phải kiểm tra công tác diệt bọ gậy, đảm bảo 100% hộ gia đình, cơ quan được xử lý các nguồn có thể gây bệnh.
UBND các quận, huyện, thị xã cũng lập tổ giám sát phòng chống dịch. Các tổ này chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của 5-10 đội xung kích diệt bọ gậy. Kết quả thực hiện của các đội xung kích được đánh giá bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên 5-10% hộ gia đình và khu vực phụ trách.
Hà Nội huy động thanh niên, phụ nữ tham gia các đội xung kích diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết
Theo kinh phí được phê duyệt, mỗi thành viên trong các đội xung kích diệt bọ gậy sẽ nhận 100.000 đồng/ngày.
Từ đầu năm đến nay, trên toàn TP Hà Nội đã ghi nhận gần 9.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó gần 90% bệnh nhân khỏi bệnh, 4 trường hợp tử vong. Trước tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện công, gồm: Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông, Đức Giang phối hợp với các bệnh viện tư, như: Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, Vinmec, Tràng An, Tâm Anh… và các phòng khám đa khoa tổ chức, sắp xếp quy trình tiếp nhận, phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh. Từ đó, sàng lọc bệnh nhân ngoại trú, nội trú theo đúng phân tuyến, bảo đảm điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm chéo, giảm tử vong.
Trước đó, vào chiều ngày 3/8, Sở Y tế Hà Nội tổ chức tập huấn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết cho hơn 100 bác sĩ của các bệnh viện trong và ngoài công lập, trưởng phòng khám đa khoa các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã và cán bộ phụ trách chuyên môn các phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn thành phố.
Tại buổi tập huấn, BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, tại thời điểm hiện nay, khi tiếp nhận bệnh nhân sốt cao, các cơ sở y tế phải nghĩ tới sốt xuất huyết. Từ đó, xác định mức độ, giai đoạn của bệnh để điều trị và chuyển tuyến an toàn. Đối với những bệnh nhân sốt dưới 38,5 độ, ăn uống bình thường cần tư vấn cho gia đình người bệnh theo dõi tại nhà và tái khám theo hẹn. Nhưng đối với các bệnh nhân có các dấu hiệu cảnh báo sau: Thay đổi tinh thần, li bì, bồn chồn; nôn nhiều; bụng đau, chướng; gan to; ứ dịch ra ngoài; xuất huyết niêm mạc thì cần phải được khám và theo dõi điều trị tại bệnh viện kịp thời, tránh xảy ra sốc.
Theo đó, Hà Nội trích 8,567 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của ngân sách thành phố năm 2017, bổ sung dự toán chi ngân sách cho Sở Y tế để thực hiện phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.
UBND TP giao Sở Y tế quyết định việc mua sắm bổ sung hóa chất, sinh phẩm, vật tư và máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và không thực hiện việc mua sắm tập trung.
Sở Y tế hoàn toàn chịu trách nhiệm về danh mục và số lượng hóa chất, sinh phẩm, vật tư, máy móc thiết bị phòng chống dịch và mua sắm bổ sung, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định.
UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp và chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.