Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến ngày 23/9, toàn tỉnh ghi nhận 817 trường hợp mắc sốt xuất huyết ở 9, huyện, thị xã và thành phố. Trong đó, một số địa phương ghi nhận trên 100 ca bệnh như huyện Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ.
Tại huyện Hướng Hoá, dịch sốt xuất huyết bùng phát tại 16/21 xã, thị trấn với 137 ca bệnh. Nguy cơ bùng phát dịch hiện hữu tại 7 địa điểm, dự báo sẽ gia tăng số mắc trong các tuần tiếp theo.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan giám sát hỗ trợ phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương nguy cơ cao. Đồng thời, triển khai các biện pháp để kiểm soát, hạn chế gia tăng, không để dịch bùng phát.
"Trước diễn biến của dịch sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế huyện thành lập tổ cơ động với 7 thành viên nhằm thực hiện các nhiệm vụ tổng hợp, triển khai cũng như hỗ trợ các địa phương có dịch thực hiện đầy đủ các quy trình phòng chống", lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa thông tin.
Trong khi đó, theo UBND huyện Gio Linh, đến nay trên địa bàn có hơn 100 ca mắc sốt xuất huyết và có xu hướng gia tăng trong khi người dân còn chủ quan, chưa tích cực chủ động thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, muỗi vằn và phòng tránh muỗi đốt.
Ông Dương Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, trước diễn biến của dịch sốt xuất huyết, UBND huyện yêu cầu Trung tâm Y tế đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống. Tăng cường giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ, xử lý triệt để các ổ dịch.
"Chúng tôi yêu cầu các địa phương phối hợp với ngành y tế triển khai ra quân chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy. Ngoài ra, lập các Đội xung kích diệt loăng quăng/bọ gậy và Tổ giám sát để đảm bảo tất cả các hộ gia đình trong phạm vi chiến dịch được thực hiện kiểm tra xử lý diệt loăng quăng/bọ gậy đạt hiệu quả", ông Hạnh cho hay.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, hiện nay học sinh các cấp quay trở lại trường học, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao. Do đó, yêu cầu các Trung tâm Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và cơ sở y tế. Cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng.
Ngoài ra, phối hợp phòng Y tế, phòng Giáo dục và đào tạo tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các trường học, cơ sở đào tạo trên địa bàn…
Ngành y tế khuyến cáo, để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, người dân tổ chức diệt loăng quăng là cách đơn giản và hữu hiệu nhất. Dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, không để các dụng cụ phế thải đọng nước làm phát sinh loăng quăng, muỗi.
Thực hiện một số biện pháp như lật úp các dụng cụ chứa nước chưa dùng đến. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; thả cá vào dụng cụ chứa nước, ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày…
Theo ThS.BS Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi (Bệnh viện Trung ương Huế), đối với bệnh nhân sốt xuất huyết trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên như: nằm nghỉ ngơi, ăn thức ăn dễ tiêu hóa, uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch oresol, nước trái cây.
Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol chứ không được dùng Ibuprofen hoặc aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu, đồng thời chườm mát cho người bệnh. Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sốt xuất huyết có tự khỏi được không? Dấu hiệu nào cho biết đã khỏi bệnh?