Tôi năm nay 63 tuổi, tình cờ đi khám sức khỏe siêu âm ổ bụng được chẩn đoán sỏi túi mật. Xin hỏi mật có tác dụng gì? Nếu cắt túi mật có sao không? Phòng ngừa sỏi mật bằng cách nào?
Phạm Văn Vĩnh (Ninh Bình)
Nước mật còn gọi là dịch mật do tế bào gan chế tiết ra, số lượng nước mật được tiết hàng ngày khoảng 800mm. Mật rất cần thiết cho việc tiêu hóa thức ăn. Ngoài chức năng tiêu hóa, mật còn có nhiều chức năng khác. Người ta sống được không thể không có mật. Mật được tiết thường xuyên, khi ăn và khi không ăn. Khi không ăn mật tiết ra được tích lại trong một túi, đó là túi mật. Túi mật có nhiệm vụ tích mật và cô đặc mật. Túi mật chỉ có vai trò phụ, có thể cắt bỏ. Bệnh sỏi mật có liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và sinh hoạt. Ăn quá nhiều chất béo, trong chất béo có cholesterol, đây là thành phần quan trọng tạo nên sỏi mật; ít vận động cũng là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, giun sán (trứng giun sán) là những yếu tố thuận lợi hình thành sỏi. Ở nước ta hay gặp sỏi mật do nhiễm giun sán. Khi bị sỏi mật tùy vị trí sỏi ống mật chủ hay sỏi túi mật mà bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng như đau, sốt, vàng da. Đau thường dữ dội, sốt rất cao, vàng da đậm... có khi mất đi rồi lại tái diễn. Ngoài ra còn có ngứa, nước tiểu thẫm màu. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân có sỏi túi mật mà không có triệu chứng.
Nghi ngờ mắc bệnh sỏi mật phải đi khám ngay để chữa trị kịp thời. Bệnh sỏi mật nếu không được can thiệp lấy hết sỏi có thể diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm đến tính mạng.
BS. Kim Anh