1. Nguyên nhân gây bệnh dịch hạch
Bệnh dịch hạch do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, đây là một loại trực khuẩn Gram âm thuộc họ Enterobacteriaceae. Trực khuẩn gây bệnh dịch hạch bị tiêu diệt ở nhiệt độ 55 độ C trong vòng 30 phút, ở 100 độ C trong vòng 1 phút và bởi những loại thuốc sát khuẩn thường dùng.
Bệnh lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Từ đó bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, bệnh dịch hạch còn lây truyền trực tiếp từ vật chủ mang bệnh sang vật chủ lành, mà không thông qua trung gian thông qua các con đường như:
Đường hô hấp: Bệnh nhân dịch hạch thể phổi có thể lây truyền bệnh cho những người xung quanh qua nước bọt bắn ra khi ho hoặc hắt hơi. Hoặc người lành hít phải vi khuẩn dịch hạch trong không khí do vật chủ chết vì dịch hạch.
Đường da, niêm mạc: Các vi khuẩn dịch hạch còn có thể xâm nhập vào cơ thể qua da khi bị trầy xước, tổn thương. Đây là những trường hợp bệnh dịch hạch khá hiếm gặp.
Đường tiêu hóa: Người lành ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn do chuột trực tiếp gieo rắc mầm bệnh. Tuy nhiên, con đường lây truyền này cũng rất hiếm gặp do vi khuẩn dịch hạch sẽ chết khi thức ăn được nấu chín.
Ở Việt Nam bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Tuy nhiên, dịch cũng được ghi nhận vào các thời gian khác trong năm kể cả trong mùa mưa.

Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
2. Triệu chứng của bệnh Dịch hạch
Vi khuẩn dịch hạch sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ di chuyển đến hạch gần nhất, sau đó gây nhiễm khuẩn các cơ quan khác. Trên lâm sàng có thể gặp nhiều thể bệnh trong đó 3 thể bệnh phổ biến nhất là thể hạch, thể phổi, thể nhiễm khuẩn huyết.
- Thể hạch
Đây là thể bệnh hay gặp nhất, người bệnh ủ bệnh trong khoảng 1 - 15 ngày, trung bình từ 2 - 5 ngày. Thời kỳ ủ bệnh không có biểu hiện lâm sàng.
Khởi phát có triệu chứng sưng hạch, kèm theo có hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc với biểu hiện sốt cao, gai lạnh, lưỡi bẩn, người mệt mỏi, đau mỏi người, đau đầu, đau vùng nổi hạch… Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 2 ngày.
Thời kỳ toàn phát các triệu chứng nổi hạch và nhiễm trùng nhiễm độc biểu hiện rõ rệt. Người bệnh sốt cao liên tục, sốt rét run, co giật do sốt cao ở trẻ nhỏ, người bệnh mệt lử, lờ đờ, ảnh hưởng tới tri giác, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi… Mạch nhanh, da sung huyết, có thể có gan lách to. Sưng hạch liên quan đến ổ nhiễm khuẩn ban đầu. Tính chất hạch: Hay gặp ở một bên, hiếm khi đối xứng hoặc nhiều nơi, hạch rắn và di động, kích thước vài mm đến vài cm và hạch sẽ rất đau. Hạch có thể vỡ chảy dịch mủ hoặc dịch có lẫn máu, mủ, chất hoại tử và có nhiều vi khuẩn gây bệnh, để lại sẹo xơ sau khi khỏi. Hạch có thể hóa mủ hoặc từ đó tiến triển gây bệnh cảnh nhiễm khuẩn huyết, thể phổi, nhiễm trùng thần kinh trung ương…
Thời kỳ lui bệnh: Đáp ứng với điều trị tốt sau khoảng 4 - 6 ngày, người bệnh đỡ sốt, hạch đỡ sưng đau, kích thước nhỏ đi và mất dần.
- Thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi, thể viêm màng não thường là thứ phát.
- Dịch hạch thể phổi rất nguy hiểm vì có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và bùng phát thành dịch lớn. Bệnh nhân có dấu hiệu ở phổi cho đến ngày cuối cùng của bệnh, đờm loãng, có bọt dính máu, thường xuất hiện tràn dịch màng phổi, có biến chứng phù phổi cấp, tỷ lệ tử vong cao.
Ca bệnh xác định tìm thấy vi khuẩn dịch hạch hoặc kháng nguyên F1 của vi khuẩn trong bệnh phẩm từ bệnh nhân.
3. Dịch hạch có lây không?
Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm, tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao.
4. Phòng ngừa dịch hạch
Ở những địa phương có dịch hạch lưu hành và những vùng có nguy cơ khi chưa có dịch phải thường xuyên theo dõi kết quả giám sát dịch tễ học dịch hạch để chủ động phòng chống bệnh dịch.
Người dân cần chủ động vệ sinh môi trường, nơi ở, tránh để chuột chui rúc và làm tổ. Ăn chín, uống sôi và phải đảm bảo đồ ăn, thực phẩm được che đậy an toàn, tránh để chuột tiếp xúc. Khi có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần phải đến các cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, cần chú ý diệt chuột. Diệt đại trà bằng hóa chất chỉ khi chỉ số bọ chét tự do nhỏ hơn 1, diệt định kỳ hàng năm từ 1 đến 2 lần vào thời gian sinh sản của chuột, thời gian cụ thể tùy theo từng địa phương.
Khi có dịch hạch (ở chuột hoặc ở người): Không diệt chuột đại trà, chỉ diệt khi chỉ số bọ chét thấp hơn 1 hoặc bằng 0 và tiến hành diệt bọ chét bằng hóa chất đặc hiệu ngay sau khi diệt chuột.
Hoá chất diệt chuột theo hướng dẫn hàng năm của Bộ Y tế. Chỉ sử dụng hóa chất diệt chuột đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành.
Diệt bọ chét bằng cách phun hóa chất phù hợp đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong y tế và gia dụng (cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành). Diệt bọ chét ngay từ đầu mùa dịch ở những nơi có dịch năm trước và vùng có nguy cơ lây lan.
Tuyên truyền giáo dục cộng đồng thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp vị trí cũng như cấu trúc nhà ở và kho hợp lý, quản lý lương thực, thực phẩm, nuôi mèo, đặt bẫy, phá vỡ hang tổ chuột, khống chế, phá hủy nơi sinh sản của chuột, bọ chét, khi thấy chuột chết bất thường phải khai báo ngay với y tế cơ sở. Các hiện tượng sốt, nổi hạch phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
Tiêm vaccine phòng bệnh.
5. Điều trị dịch hạch
Người bệnh cần được chẩn đoán kịp thời và cách ly ngay. Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Có thể bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh, hạ sốt bằng Paracetamol và các biện pháp hạ sốt khác như mặc quần áo thông thoáng, lau người, uống nhiều nước…
Dùng các thuốc giảm đau nếu hạch to đau nhiều (thường dùng Paracetamol với liều như trên), chích rạch hạch khi có chỉ định. Bổ sung nước và điện giải bằng đường uống hoặc đường tĩnh mạch. Hồi sức tích cực khi có suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn. Đảm bảo thăng bằng toan - kiềm, điều chỉnh rối loạn điện giải…