Dịch hạch lại ám ảnh nước Mỹ

18-11-2015 15:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Theo BBC, đã gần 50 năm trôi qua kể từ ngày Mỹ đưa người lên mặt trăng, nhưng đến nay người Mỹ vẫn chưa chế ngự được căn bệnh chết người từng tàn phá châu Âu thời Trung cổ...

Theo BBC, đã gần 50 năm trôi qua kể từ ngày Mỹ đưa người lên mặt trăng, nhưng đến nay người Mỹ vẫn chưa chế ngự được căn bệnh chết người từng tàn phá châu Âu thời Trung cổ, dịch Cái chết đen (Black Death) làm vơi đi chừng 30-69% dân số châu Âu hồi thế kỷ 14.

Black Death là tên gọi của một đại dịch xảy ra ở châu Á và Âu mà đỉnh điểm là ở châu Âu từ năm 1348 đến năm 1350. Nơi khởi phát Black Death được cho là Trung Á, sau đó thông qua loài bọ chét sống trên chuột đen (Rattus rattus) trú ngụ trên các tàu buôn lan đến bán đảo Krym năm 1346 rồi xâm nhập vào Địa Trung Hải và châu Âu. Sau đó, dịch còn nhiều lần bùng phát trở lại và chỉ biến mất vào thế kỷ 19 ở Trung Quốc và Ấn Độ, cướp đi thêm 12 triệu mạng sống nữa.

Dịch hạch lại ám ảnh nước Mỹ

Dịch hạch Black Death ảnh hưởng đến hạch bạch huyết và gây hoại tử.

Theo Trung tâm Kiểm soát & Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC), mặc dù đã xuất hiện cách đây trên 7 thế kỷ, song đến nay Black Death vẫn như dấu hỏi lơ lửng. Chúng vẫn vật vờ ở đâu đó trên hành tinh như ở Madagascar, CHDC Congo, Peru và ngay tại chính nước Mỹ - cường quốc hàng đầu thế giới, trong năm 2015 đã phát hiện tới 15 trường hợp và 4 người đã tử vong.

Theo ông Daniel Epstein thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thủ phạm gây bệnh là vi khuẩn Yersinia pestis ở trên chuột nhập cảnh vào Mỹ qua phương tiện tàu hơi nước hồi thế kỷ 20. “Dịch Black Death phổ biến tại các thành phố cảng phương Tây. Nó xuất hiện tại các đô thị của Los Angeles vào năm 1925, sau đó lan rộng đến nông thôn thông qua loài gặm nhấm”, ông Daniel bổ sung thêm. Dịch thường lây truyền sang người qua bọ chét, nếu không được điều trị, tỷ lệ tử vong rất cao, từ 30-60%, thuốc kháng sinh được xem là hiệu quả nếu được chẩn đoán sớm.

Theo CDC, hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều bùng phát vào mùa hè, hơn 80% số ca mắc bệnh tại Mỹ có dấu hiệu Cái chết đen, ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết và gây hoại tử. Ngoài ra còn có thêm hai dạng khác, nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi phát sinh tình trạng lây nhiễm trầm trọng. Đây là căn bệnh khó xác định ở giai đoạn đầu vì các triệu chứng diễn ra sau 3-7 ngày, rất giống cúm, test trong phòng thí nghiệm có thể chẩn đoán chính xác.

Trung tâm An ninh Y tế, thuộc ĐH Pittsburgh (Mỹ) cho biết, bọ chét cắn và việc không xử lý xác động vật trong khu vực dịch hạch lưu hành là nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh. Một số nơi tình nghi có bệnh như New Mexico, Arizona, California và Colorado. Tất cả các trường hợp phát bệnh trong năm 2015 đều có nguồn gốc từ các bang này, hoặc ở các bang phía Tây kinh tuyến thứ 100. Chó thảo nguyên Prairie, chồn chân đen và mèo rừng Canada được coi là những động vật trung gian chứa nhiều mầm bệnh nhất. Ngoài ra, địa lý và khí hậu ở miền Tây nước Mỹ cũng là nơi thuận lợi cho các loài bọ chét sinh sôi, phát triển và truyền bệnh.

Để hạn chế lây bệnh, Trung tâm Thú y hoang dã quốc gia Mỹ hiện đang phối hợp với các công ty phát triển vắc-xin dạng dịch lỏng để bảo vệ chồn chân đen và chó thảo nguyên Prairie. Hiện tại đã có vắc-xin tiêm dùng cho chồn chân đen, nhất là chồn của các công viên quốc gia nổi tiếng. Các nghiên cứu về bệnh dịch hạch hiện đang “sôi động” hơn bao giờ hết, trước tiên là phát triển một loại vắc-xin hiệu quả dùng cho người. Bởi bệnh dịch hạch đã được xếp vào dạng nguy hiểm không khác gì vũ khí sinh học, hiện tại tuy mới chỉ có trên dưới chục ca nhưng khi nó bùng phát thì câu chuyện lại rẽ sang một ngả khác, vượt qua tầm kiểm soát của con người, gây ra đại dịch khủng khiếp.

(Theo BBC, 10/2015)

Vũ Cao

 


Ý kiến của bạn