Dù rất hiếm những người có thể vượt thời gian, trẻ hơn so với tuổi của mình nhưng họ đều có chung một đặc điểm - đó là thống nhất tinh thần với hành động, lý trí với cảm xúc.
Một trong những người đó là dịch giả Nguyễn Hồng Nhung. Chị sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, du học Hungary ngành nghiên cứu văn học và sau đó định cư tại đất nước này. Chị đã yêu, gắn kết với đất nước Hungary và như chị nói, “nơi nào ta dừng lại, nơi đó là quê hương”. Chị đã sống tại đất nước Hungary tới gần 4 thập niên, để nói tiếng Hung thành thạo, hiểu tiếng Hung sâu sắc, đến nỗi có thể dịch được gần như hầu hết các tác phẩm quan trọng nhất của một tác giả thuộc vào loại khó dịch nhất Hungary - triết gia, nhà văn Hamvas Bela. Người Việt Nam khi nhắc đến văn học Hungary không thể không nhắc đến hiện tượng độc đáo bậc nhất và vĩ đại nhất về tư tưởng - Hamvas Bela. Và khi đã chạm đến Hamvas Bela thì đồng thời cũng nhắc đến dịch giả Nguyễn Hồng Nhung.
Dịch giả Nguyễn Hồng Nhung.
Sống ở Thủ đô Budapest của Hungary - nơi hội tụ khá nhiều người Việt Nam cùng sống, buôn bán ngoài phố và đặc biệt nhiều người Việt tại chợ Thăng Long, một khu chợ bán buôn tạp pí lù nổi tiếng của người Việt Nam tại Đông Âu, nhưng dịch giả Nguyễn Hồng Nhung lại là một người thuộc type ở ẩn. Thậm chí, chị từng bị đồng bào Việt Nam của mình ở Budapest đồn đại rằng chị bị mất tích, tâm thần, không thể tiếp xúc cùng ai... Chính tôi cũng trải nghiệm điều này và hiểu tại sao chị phải gánh những lời đồn đại như thế khi tôi bị chị lờ đi không thèm trả lời một email khá trân trọng của tôi, mời chị dịch một tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Hungary. Sau này, khi tôi có dịp gặp chị tại Việt Nam và hỏi lại việc chị có thể dành thời gian dịch tác phẩm Việt Nam sang tiếng Hungary hay không, dịch giả Nguyễn Hồng Nhung chỉ đơn giản trả lời “Tôi không bao giờ dịch ngược!”. Và chị giải thích rằng, vì chị không đáp ứng được đề nghị của tôi qua email mà chị đã đọc nên chị không trả lời. Đó là tính cách của chị, lối nghĩ của chị, không bình thường so với hầu hết quy chuẩn của hành xử thông thường nhưng chị đâu quan tâm người khác nghĩ gì về mình.
Đây hoàn toàn không phải là Nguyễn Hồng Nhung của 20 năm trước. Đây là một Nguyễn Hồng Nhung được sinh ra sau tai họa cuộc đời giáng xuống chị và chị đã “gặp” được tác giả vĩ đại Hamvas Bela. Nhờ đó mà một Nguyễn Hồng Nhung mới được sinh ra, sống một cuộc đời lạ lùng, nhưng thăng hoa theo cách riêng của chị, vượt qua mọi quy tắc, lối sống thông thường, vượt qua thời gian và mọi ràng buộc.
Nguyễn Hồng Nhung từng cùng chồng mình kinh doanh khá thành công tại Budapest, có khá nhiều tiền. Nhưng chính trong lúc hai vợ chồng chị đang làm ăn khấm khá thì chồng chị qua đời. Tai họa cuộc đời khiến chị không chỉ đau khổ mà còn mất luôn phương hướng, không biết mình có còn sống tiếp được hay không. Mọi việc làm ăn của gia đình đều phụ thuộc vào chồng chị. Khi anh mất đi, chị hoàn toàn không biết tiếp tục việc kinh doanh thế nào và dĩ nhiên nó sụp đổ. Và chính lúc này, gánh nặng đứa con duy nhất của hai vợ chồng bị tự kỷ, lại chất lên một mình chị. Chính trong lúc kiệt cùng tuyệt vọng, nhìn đứa con tự kỷ, chị đã bám víu lấy con để sống.
Ngắt mọi quan hệ kinh doanh cũ, chị không còn ai bên cạnh. Vả lại chị cũng không muốn người đời nhìn vào hoàn cảnh của mình, họ chẳng giúp được gì, hơn nữa sẽ làm chị xao động bởi những bình luận ác ý dù không cố tình. Nguyễn Hồng Nhung khi đó chỉ tự nhủ, chị cần dành toàn bộ thời gian để đưa con đi học, đi trị liệu. Dẫu vậy, chị vẫn chơi vơi.
Và rồi chị tìm đọc được tác phẩm của Hamvas Bela bằng tiếng Hungary. Ban đầu, tác phẩm quá khó hiểu, chị thường đọc trên xe bus, tàu điện ngầm khi trên đường đi đón con. Đọc xong, không hiểu gì, bỏ sách xuống thì trong lòng chị lại thôi thúc cần đọc lại cho kỳ hiểu thật sâu sắc. Chị cứ miệt mài đọc, tìm hiểu thêm các tài liệu khác viết về tác giả vĩ đại này và như một kỳ duyên, tư tưởng, dòng suy nghĩ của Hamvas Bela cứ ngấm dần vào chị, soi sáng chị, cho chị một con đường đi, một sức mạnh vô tận. Nguyễn Hồng Nhung tìm ra được chính mình, sung sướng, thỏa mãn hoàn toàn, giống như chị đã dũng cảm chết đi để được tái sinh trong một bản thể mới, hoàn toàn, tự tin, đầy sức mạnh, đầy ý nghĩa sống.
Niềm hạnh phúc ấy lớn lao quá đỗi, nó không chỉ chữa lành nỗi đau từ tai họa đời người, nó tái sinh chị và thôi thúc chị chia sẻ hạnh phúc này với đồng bào của mình. Do đó, chị cặm cụi dịch tác phẩm Hamvas Bela sang tiếng Việt, dẫu biết nó khó khăn không chỉ với chị mà còn khó khăn vô cùng với người đọc Việt Nam. Nhưng chị không quan tâm, chị làm việc này với toàn bộ đam mê, ý nghĩa cuộc đời mình, bởi đó là sứ mệnh của mình.
Tác phẩm của Hamvas Bela do Nguyễn Hồng Nhung dịch.
Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ: “Mỗi nhà văn có thể viết nhiều tác phẩm, nhưng có khi chỉ đọng lại được trong người đọc một điều duy nhất, đi thẳng vào trái tim và ở đó mãi, thay đổi người đọc. Với Hamvas Bela, ông chỉ ra cho người đọc cách để trở thành người bình thường trong thế giới người đang thoái hóa. NGƯỜI BÌNH THƯỜNG - chính là người hiện thực hóa được những suy nghĩ của mình. Ông cũng chỉ ra rằng, việc con người cứ muốn vật chất song song cùng tinh thần chỉ là huyễn tưởng. Chuyện đó không bao giờ xảy ra. Khi vật chất đi lên thì tinh thần đi xuống. Bạn phải lựa chọn 1 trong 2 điều đó”.
Và Nguyễn Hồng Nhung đã lựa chọn tinh thần để vứt bỏ mọi ham muốn làm kinh tế, kiếm điều kiện sống dư dả. Kiên quyết đến nỗi, trong căn nhà mình và con sống, chị loại bỏ mọi đồ đạc, chỉ giữ lại một giường, một tủ, một bếp nấu ăn. Chị không muốn để mọi vật xung quanh làm phân tán sự tập trung và ý nghĩ của chị. Chị chấp nhận chỉ dành thời gian dịch Hamvas Bela và đưa con đi học, đi trị liệu. Không chỉ ngắt mọi quan hệ làm ăn, chị cũng không xem tivi, không nghe đài, không tham gia các sự kiện bên ngoài. Thế giới của chị là Tinh thần Hamvas Bela. Những tác phẩm Những câu chuyện vô hình và đảo, Một giọt từ sự đọa đày, Minh triết thiêng liêng, Niềm cảm hứng... chính là những viên ngọc quý mà chị say mê nghiên cứu, dịch đêm ngày. Chị chìm đắm trong việc đọc, dịch Hamvas Bela, nghĩ và viết. Dần dần, khi dòng tư tưởng của triết gia vĩ đại này ngấm sâu vào chị, Nguyễn Hồng Nhung ăn ngủ, đi lại với tác phẩm của ông, trong lòng đầy ắp sự sung sướng, tự tin, tự do tự tại. Đó như một ân thưởng cho chị khi sau đó chị dịch ông dễ dàng hơn, dịch nhanh hơn. Trong thời gian đó, không ai bên ngoài có thể tiếp cận được với chị, chị như người vô hình. Và họ đồn rằng chị mất tích, chị đã về Việt Nam ở ẩn hoặc chị bị tâm thần đã đi điều trị.
Và niềm ân thưởng ấy như hồi chuông rung ngân, ngân mãi. Sau khi những tác phẩm của Hamvas Bela được Nguyễn Hồng Nhung dịch, xuất bản ở Việt Nam, chị được nhận giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần 10 năm 2017. Trước đó, chị cũng được mời dạy tại Khoa tiếng Việt trong Viện Đông Nam Á tại Trường Đại học Tổng hợp Budapest. Đó là điều kỳ diệu của cuộc sống bởi khi ta dám chọn điều mình đam mê từ trái tim, cho dù ban đầu, ta bị khó khăn cùng cực, bị người đời phản đối kịch liệt, bị cô lập và đói nghèo vật chất mà ta vẫn kiên tâm đi con đường mình chọn thì cuối cùng ta sẽ được chính điều đó tưởng thưởng xứng đáng.