Dịch giả Nguyễn Bích Lan, cô gái 'không gục ngã'

19-07-2021 16:02 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dịch giả Nguyễn Bích Lan, cô gái được biết đến với tập tự truyện “Không gục ngã” vừa ra mắt tập sách “Sống trong chờ đợi” (NXB Phụ nữ Việt Nam)

Tai họa tìm đến năm Nguyễn Bích Lan 14 tuổi

Nguyễn Bích Lan (sinh năm 1976 tại Thái Bình, hiện sống ở Hà Nội) được biết tới như một tấm gương tự học, một người đầy nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Ngoài được biết đến là tác giả tập tự truyện “Không gục ngã”, chị đã dịch nhiều đầu sách ý nghĩa như: “Cây cam ngọt của tôi”, “Được học”, “Triệu phú khu ổ chuột”, “Lời nguyện cầu từ Chernobyl” và khoảng 40 đầu sách dịch khác. Đặc biệt vào năm 2020, cuốn sách “Được học” - tự truyện của Tara Westover, do chị chuyển ngữ đoạt giải C sách Quốc gia.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan

Khi 14 tuổi, Nguyễn Bích Lan phải ngừng đến trường. Các bác sĩ cho biết chị mắc chứng bệnh loạn dưỡng cơ. Lựa chọn duy nhất của chị là chờ y học tiến bộ, tìm ra phương thuốc chữa bệnh. Với chị khi ấy đất trời đã sụp đổ. Sau thời gian trống rỗng, loay hoay, chị nhận ra mình có nhiều thời gian và bắt đầu tự học tiếng Anh, đồng thời học mọi thứ qua việc đọc sách. Chị học, đọc sách, dạy học, viết truyện, làm thơ, dịch sách.

Ngay cuốn sách dịch đầu tiên “Đừng nghi ngờ tình yêu của anh” của tác giả người Úc Daisy Thompson vào năm 2002, chị đã thành công. Từ đó dịch sách trở thành phương thức chữa bệnh và lẽ sống của Bích Lan. Chị không bao giờ kêu ca mình làm việc khó khăn, mệt nhọc bởi niềm hạnh phúc khi dịch xong cuốn sách, chia sẻ được thông điệp đến với mọi người lớn lao hơn rất nhiều. Niềm khát khao sống trong chị đủ mạnh mẽ để làm bật ra ý chí, sự chịu thương, chịu khó. Chị chia sẻ, chị nắm trong tay “bộ chìa khóa vượt khó”, bao gồm: lòng yêu đời, sự kiên nhẫn và niềm tin rằng, thách thức dù có lớn đến đâu cũng không mạnh bằng sức mạnh của con người.

Năm 2010, chị nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm “Triệu phú ổ chuột” và trở thành hội viên Hội Nhà văn. Thời điểm đó khi cuốn sách được đưa vào xét giải thưởng, Hội đồng chấm giải đã đọc sách, đánh giá chất lượng cuốn sách từ trước khi nhận ra chị là dịch giả không may mắn mắc bệnh nan y. Giải thưởng vì thế hoàn toàn không có sự ưu ái nào mà là công sức, nỗ lực, tài năng của Nguyễn Bích Lan.

Khi ra mắt cuốn tự truyện “Không gục ngã”, chị cho biết: “Nhiều độc giả sẽ thấy tôi đã kết luận rồi: Cuộc sống của tôi là may mắn. Chính những khó khăn đã cho tôi những cơ hội, những cú bật và mình bật lên được, nhận thấy cuộc đời vô cùng ý nghĩa. Cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt như thế tôi hiểu gia đình mình yêu thương mình biết nhường nào. Qua những câu chuyện do chính tôi kể ra hi vọng sẽ có nhiều người được khích lệ và bản thân cuộc sống của tôi cũng ý nghĩa hơn. Vậy là tôi nghĩ nếu tôi viết cuốn tự truyện này biết đâu sẽ giúp cho một ai đó...”.

Sống trong chờ đợi

Chị đã từng chia sẻ, chị tìm được nguồn sức mạnh chiến thắng tuyệt vọng, chiến thắng số phận từ đâu? Ở hoàn cảnh tuyệt vọng tận cùng như chị, cần lắm những nguồn sức mạnh để vực dậy bản thân. Chị bảo, chị có hai nguồn sức mạnh lớn lao, đó là tình yêu thương của gia đình, của người thân luôn quan tâm, nâng đỡ, khích lệ. Và lớn nhất là sức mạnh bên trong mình, khát khao sống với từng giây đã sống, nuôi dưỡng ý chí, sự kiên trì, chịu khó với 6 năm tự học tiếng Anh trong căn phòng nhỏ thiếu thốn sách vở, tự tưởng tượng ra một con người ảo để nói được với mình, thực ra là tự mình nói mà thôi.

Về cuốn sách “Sống trong chờ đợi”, dịch giả Nguyễn Bích Lan viết trong phần đầu: “Suy cho cùng, con người sống trên đời này không phải để tích lũy của cải, cũng chẳng phải để tích lũy kiến thức, mà để tận hưởng hạnh phúc nếu có, vượt qua đau khổ nếu cần, và hoàn thành hành trình làm người trong cảm giác thanh thản”. Rõ ràng, trong cuộc sống, ai cũng có lúc phải chờ đợi. Đợi một ai đó về, đợi một chuyến xe đi, đợi ngày chạm tới thành công, đợi qua đại dịch… Sống trong chờ đợi không phải điều dễ chịu, nhưng Nguyễn Bích Lan đã biến những năm tháng ấy trở nên ý nghĩa. Giờ đây, thế giới vẫn chưa tìm ra phương thuốc chữa căn bệnh mà Nguyễn Bích Lan mang nhưng chị đã “bình thường hóa” thời gian chờ đợi của mình và tận hưởng cuộc sống.

Nhận xét về cuốn sách này, Giáo sư Phong Lê cho biết: “Cập nhật cuộc sống ở những tâm điểm dữ dằn gai góc nhất, lại vẫn có độ lùi để nhìn rộng một bối cảnh có đường viền của thời đại, cây bút Nguyễn Bích Lan, ở bất cứ truyện nào trong tập này cũng là người rất gắn bó với thời cuộc, thời sự… Tôi rất tin với lần lượt những gì đã viết, đang viết như trong tập truyện này, Nguyễn Bích Lan sẽ là một cây bút vững vàng thuộc thế hệ thứ tư của văn chương đương đại”.


Đức Huy
Ý kiến của bạn