Virus Ebola đang lây lan rất nhanh ở Tây Phi. Trong ảnh, một đứa trẻ đang bịt mũi đứng xem một người đàn ông nghi nhiễm bệnh Ebola đang nằm vạ vật bên đường ở Liberia. Ảnh: AP
Các nhà nghiên cứu bệnh dịch đã tạo ra mô hình mô phỏng dịch Ebola trên máy tính theo yêu cầu của Viện Sức khỏe quốc gia và Bộ Quốc phòng Mỹ. Mô hình này thậm chí đã đưa ra dự đoán còn ít lạc quan hơn phỏng đoán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi tháng trước.
WHO từng bày tỏ hy vọng có thể kiểm soát được dịch Ebola hiện nay trong vòng 9 tháng tới, với tổng số ca nhiễm bệnh lên tới con số 20.000 trước khi dịch chấm dứt. Tổ chức này hiện vẫn không thay đổi dự đoán của mình.
Theo báo New York Times, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, virus Ebola có thể phát triển với tốc độ lên tới gần 20.000 cá thể mỗi tháng. Dù không công khai, nhưng một số chuyên gia ngấm ngầm bày tỏ lo ngại về nguy cơ virus Ebola thậm chí có thể biến đổi thành dạng truyền nhiễm được trong không khí, khiến sự bùng phát dịch càng khó kiểm soát hơn.
Thống kê mới nhất của WHO cho thấy, khoảng 2.300 người đã thiệt mạng trong tổng số hơn 4.300 trường hợp nhiễm Ebola ở Tây Phi trong 6 tháng qua. Đây là đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ khi bệnh được phát hiện lần đầu tiên năm 1976.
WHO cảnh báo có thể sẽ xảy ra hàng ngàn ca nhiễm Ebola mới mỗi tuần ở Sierra Leone, Guinea và Nigeria vào đầu tháng 10 tới. Dịch có thể lan tới 15 quốc gia, đe dọa mạng sống của gần 22 triệu người dân, theo một nghiên cứu mới.
Tuy nhiên, phía sau những cánh cửa phòng họp đóng kín, các nhà vi trùng học lo sợ, những gì chúng ta nhìn thấy chỉ mới là bề nổi và virus Ebola có thể biến đổi để có khả năng lây lan trong không khí. Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chính sách về các bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) tiết lộ, các chuyên gia e ngại bàn luận về lo lắng của họ trước công chúng vì không muốn dư luận thêm rúng động.
Dẫu vậy, Chủ tịch Cơ quan bảo vệ sức khỏe Anh, giáo sư David Heymann thuộc Trường Vệ sinh và thuốc nhiệt đới London, nhấn mạnh, hiện chúng ta không thể dự đoán cách thức biến đổi của bất kỳ virus nào. Các nhà khoa học thế giới vẫn chưa biết đủ lượng thông tin cần thiết về các đặc điểm di truyền, để có thể nói virus Ebola sẽ thay đổi như thế nào theo thời gian.
Trong khi đó, với tỉ lệ người tử vong vì Ebola ở Tây Phi tăng nhanh như tuần vừa qua, WHO tuyên bố chiến dịch chống căn bệnh quái ác này cần ít nhất 500 chuyên gia nước ngoài. Tổ chức từ thiện Các bác sĩ không biên giới (MSF) cũng lên tiếng kêu gọi các nước giàu cử các nhóm quân y tới Tây Phi để tăng cường cho các hệ thống y tế đã hoàn toàn gục ngã vì dịch bệnh.
Cuba cuối tuần trước cũng thông báo sẽ gửi 165 nhân viên y tế tới Sierra Leone vào tháng sau. Đây là lực lượng bác sĩ và y tá ngoại cam kết hỗ trợ nước có dịch Ebola, lớn nhất từ trước tới nay.
Quân đội Mỹ mới đây cũng cho biết sẽ xây một bệnh viện dã chiến trị giá 22 triệu USD với 25 giường điều trị ở Liberia, dành để chăm sóc các nhân viên y tế bị nhiễm virus. Sau khi xây dựng xong, quân đội Mỹ sẽ trao nó cho nhà chức trách Liberia quản lý.
Pháp cũng nói sẽ điều 20 chuyên gia đối phó thảm họa sinh học tới Guinea, trong khi Anh sẽ xây dựng và điều hành một bệnh viện 62 giường ở Sierra Leone.
Theo Daily Mail, Fox News