Dịch COVID-19 xô đổ mọi kỷ lục

13-07-2020 08:06 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong khi dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt thì trên thế giới, số trường hợp mắc COVID-19 mới đang xô đổ mọi kỷ lục từ trước đến nay và đứng ở mức cao. Sẽ không lâu nữa, mốc 13 triệu ca COVID-19 trên toàn thế giới sẽ bị chinh phục.

Nhiều kỷ lục về dịch COVID-19 được xác lập

Trong những ngày gần đây, số các ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đang gia tăng một cách chóng mặt, mỗi ngày có hơn 200.000 ca nhiễm mới. Điều này khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát đi cảnh báo về sự gia tăng kỷ lục các ca nhiễm COVID-19 hàng ngày.

Mỹ vẫn là châu lục “tâm điểm” của dịch bệnh. Tại Mỹ, có tới 9 tiểu bang đạt kỷ lục về số ca nhiễm bệnh trong ngày. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Mỹ có số ca mắc mới hàng ngày cao nhất.  So với 2 tuần trước, số ca COVID-19 đang gia tăng ở 44 tiểu bang của Mỹ.  Số các ca bệnh tăng khiến các bệnh viện lâm vào tình trạng quá tải. Tại Florida, có hơn 40 bệnh viện báo cáo đã hết các phòng chăm sóc đặc biệt.

Với mức cao kỷ lục mới hàng ngày, lên 2.657 ca nhiễm, Indonesia đã có hơn 70.000 ca nhiễm COVID-19. Trong khi đó, quốc gia dịch bệnh COVID-19 diễn biến nghiêm trọng nhất ở châu Á là Ấn Độ báo cáo có hơn 27.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ- đạt mốc kỷ lục từ trước đến nay. Chỉ trong 9 ngày, số ca COVID-19 ở Ấn Độ đã tăng gần 200.000 trường hợp - một con số đáng báo động. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, nước này có hơn 850.000 ca nhiễm và hơn 22.000 trường hợp tử vong. Đáng lưu ý, một số nơi như Hồng Kông, Trung Quốc vừa trải qua ngày thứ 2 liên tiếp có số các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng lên tới hàng chục người, làm dấy lên lo ngại về sự lây lan tại cộng đồng. Tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản cũng ghi nhận ngày có số người nhiễm kỷ lục lên 224 người, vượt qua cả ngày có số ca nhiễm nhiều nhất từ trước đến nay ở nước này là 206 ca vào ngày 17/4.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC) cho biết, dịch bệnh COVID-19 đang đạt “tốc độ tối đa” ở lục địa 1,3 tỷ dân, nhưng có hơn nửa triệu người nhiễm COVID-19. TS. John Nkengasong, người đứng đầu CDC châu Phi cho biết, trong tuần qua, các trường hợp mới đã tăng 24% ở châu Phi, “Đại dịch đang đạt được động lực đầy đủ để phát triển”. Một quan chức tại “điểm nóng” Gauteng, Nam Phi tiết lộ,  các nhà chức trách đang chuẩn bị 1,5 triệu ngôi mộ phòng khi các trường hợp nhiễm bệnh gia tăng.

Bang Victoria của Australia, dịch bệnh COVID-19 đã phát triển đến mức “nguy hiểm” khi số ca mới tiếp tục tăng nhanh. Làn sóng dịch bệnh thứ hai “tấn công” chủ yếu những người trẻ tuổi. Theo các cơ quan truyền thông Australia, có những người phải chờ tới 2 tuần mới được khẳng định về khả năng có thể đã bị phơi nhiễm COVID-19 vì thiếu nhân lực y tế và dịch bệnh lan rộng.

Công viên Disney world trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại.

Công viên Disney world trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại.

Nỗi ám ảnh dịch COVID-19 trở lại

“Bóng ma” COVID-19 hiển hiện và ngày càng reo rắc nỗi lo sợ đối với người dân ở khắp nơi trên thế giới. Làn sóng lây nhiễm thứ 2 đã đẩy thành phố lớn thứ hai của Australia là Melbourne thuộc bang Victoria, thành phố có 5 triệu dân trở lại thời kỳ phong tỏa. Vậy là mới kết thúc đợt phong tỏa cách đây 2 tháng, Melbourne lại tiếp tục trở lại thời kỳ “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Người dân được yêu cầu ở nhà trong 6 tuần nữa, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết và phải đeo khẩu trang.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, gần một chục quốc gia đã áp đặt phong tỏa một phần ở các khu vực có nguy cơ cao. Như tại Nhật Bản, một số khu vực được cho ổ dịch COVID-19 bị phong tỏa, giới chức Nhật Bản đang theo dõi để xem có phải ban bố tình trạng khẩn cấp hay không. Trung Quốc tuyên bố, từ nay đến cuối năm, sẽ không tổ chức bất kỳ cuộc thi đấu thể thao tầm quốc tế nào.

Trong khi nhiều quốc gia tuyên bố mở cửa trở lại, thì Brazil vẫn chưa thôi lo sợ về sự bùng phát của dịch bệnh. Thị trưởng thành phố Rio De Janeiro - ông Marcelo Crivella khẳng định, các bãi biển nổi tiếng của thành phố chỉ mở cửa khi có vắc-xin phòng COVID-19. Italia thì cấm nhập cảnh đối với 13 quốc gia có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao. Lệnh cấm áp dụng đối với bất cứ người nào đi qua hoặc ở lại những quốc gia này trong vòng 14 ngày trước khi đến Italia. Dịch bệnh diễn biến xấu khiến chính quyền Hy Lạp cho biết sẵn sàng áp đặt lại các biện pháp hạn chế đi lại vào tuần này. “Bóng ma” COVID-19 vẫn đang tiếp tục bủa vây và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc...


Trần Hải
Ý kiến của bạn