Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ sáng 18/3 (giờ Việt Nam). Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel tuyên bố các nước thành viên sẽ đóng cửa biên giới đối với công dân bên ngoài khối trong thời hạn 30 ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên việc đi lại giữa các thành viên trong khối vẫn được phép.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định các nước thành viên EU đã nhất trí đóng cửa với những người không phải công dân EU.
Thủ tướng Đức Angela Merkel
Nhà lãnh đạo Đức thông báo lệnh trên sẽ có hiệu lực trong 30 ngày và Berlin sẽ lập tức thực thi lệnh cấm nhập cảnh này. Ngoại trừ một số ngoại lệ, như trường hợp người lao động phải qua biên giới làm việc, các nhà ngoại giao hay nhân viên y tế. Người đứng đầu Chính phủ Đức cho biết, việc đi lại trong nội khối giữa các nước thành viên với nhau tạm thời chưa bị cấm. Đức bắt đầu thực hiện vào cuối ngày 17/8, giờ địa phương.
Trong cuộc họp báo thông báo quyết định này có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố triển khai việc đóng cửa biên giới sẽ tùy thuộc vào quyết định của từng quốc gia thành viên.
Công dân của các nước thành viên EU muốn hồi hương sẽ được sắp xếp chuyến bay. Những người cư trú dài hạn, thành viên gia đình của các công dân, nhà ngoại giao EU, nhân viên thiết yếu bao gồm chuyên gia y tế, nhân viên y tế không thuộc phạm vi lệnh cấm. EU cũng đạt thỏa thuận cho phép xe chở thực phẩm và vật tư y tế nhanh chóng thông quan qua biên giới, đặc biệt là ở các quốc gia như Ba Lan, nhằm giúp đối phó dịch COVID-19.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen
Các nhà lãnh đạo EU nhận định đại dịch COVID-19 sẽ gây ra những “hậu quả rất thảm khốc” đối với nền kinh tế. Bà Ursula von der Leyen cho biết thêm EU sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp bổ sung khi có những diễn biến mới.
Trong một diễn biến khác, nhiều nước trong liên minh đã chủ động đóng cửa biên giới phòng ngừa dịch bệnh. Ví dụ như Áo đóng cửa biên giới với Italy, Luxembourg. Đức cũng thông báo khôi phục việc kiểm soát biên giới với Áo, Pháp, Luxembourg và Đan Mạch. Hungary và Slovenia cũng áp dụng các biện pháp tương tự. Gần đây nhất, Pháp thông báo phong tỏa cả nước, đóng cửa biên giới với các nước láng giềng với lý do kiểm soát dịch bệnh.