Chiều 2/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Làm rõ việc chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, trong thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả ấn tượng.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng và đầu tư công, đại biểu Huy cho rằng cần làm rõ các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; chỉ rõ các cơ quan, đơn vị liên quan làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua.
Đồng thời, đại biểu Huy kiến nghị Chính phủ rà soát, làm rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, đặc biệt tập trung chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành trong việc tham mưu hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức về đơn giá xây dựng làm chậm giải ngân vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư.
Lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch treo
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) nêu quan điểm, trong năm qua, dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một giải pháp cơ bản tối ưu để ổn định tình hình kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.
Đề cập về sự lãng phí nghiêm trọng trong các quy hoạch treo, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng nghìn hecta đất bỏ hoang, bỏ không do chưa triển khai được quy hoạch thì có hàng chục nghìn hộ gia đình không đất, phải ở tạm gầm cầu, ven sông, nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn các rủi ro ngày đêm rình rập.
Do đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, có giải pháp khắc phục hữu hiệu, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài dự án. Trong hoạch định cần bám sát thực tiễn và nhu cầu của xã hội, nguồn lực đáp ứng khả năng triển khai để có một quy hoạch phù hợp, khoa học, khả thi, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Về quy hoạch treo trong việc lập, triển khai kế hoạch và đầu tư công, đại biểu cho biết, hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, không khai thác, phát huy được tác dụng như dự án đường Hồ Chí Minh. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đoạn Rạch Sỏi và Gò Quao, Bình Thuận chưa được đầu tư.
Trước tình hình đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận kiến nghị Chính phủ ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư các đoạn còn lại và duy tu mở rộng các tuyến trùng để sớm đưa cung đường này vào khai thác, chống lãng phí về nguồn lực đầu tư. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị các ngành, các cấp cần đánh giá lại hiệu quả của các công trình này, sớm có kế hoạch đầu tư khép kín từng khu vực, từng vùng để phát huy tối đa hiệu quả các công trình này.
Cần phải làm rõ tiết kiệm được cái gì?
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cũng bày tỏ: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân đã kiểm soát và hạn chế được tác động tiêu cực của dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế kinh tế vĩ mô, đời sống nhân dân ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được giữ vững.
Đại biểu Thành nêu: Trong điều kiện nguồn lực về kinh tế, nhân lực còn hạn chế thì những kết quả đạt được về kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế là một thành quả không nhỏ. Đây chính là kết quả lớn nhất của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chúng ta không chỉ tiết kiệm được những thiệt hại về kinh tế mà còn giảm thiểu được thiệt hại về tính mạng của người dân.
Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả, đại biểu Thành cho rằng, cần phải làm rõ tiết kiệm được cái gì, tiết kiệm được bao nhiêu, chống lãng phí được cái gì, chống lãng phí được bao nhiêu, còn lại đã lãng phí những gì, lãng phí bao nhiêu. Việc bóc tách như vậy là rất khó nhưng nếu không đúng cách sẽ dẫn đến đánh đồng việc chống lãng phí cũng như thực hành tiết kiệm, không xác định được con số lãng phí để ý thức được sự quyết tâm chống lãng phí.
Đại biểu Thành cũng nêu ví dụ định nghĩa thế nào là tiết kiệm, khi có những chuyện làm đúng quy trình nhưng vẫn gây thiệt hại, gây lãng phí, trong khi cũng có trường hợp làm chưa hoàn toàn đúng với quy định nhưng kết quả lại tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn, lại không lãng phí. Trong hai trường hợp như vậy thì cái nào tốt hơn, cái nào là có lợi hơn cho nhân dân, cho đất nước?.
Cương quyết thu hồi những dự án không triển khai
Liên quan đến giải pháp hiệu quả chống lãng phí trong sử dụng đất công, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, chính sách pháp luật đất đai hiện còn nhiều bất cập, trong đó có vấn đề về thị trường bất động sản, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền, đầu cơ đất đai không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích… gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Đại biểu Tạo đề nghị cần làm rõ khái niệm giá thị trường khi quản lý về giao dịch quyền sử dụng đất nhằm chống thất thu và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Tạo, để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài; phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch treo ở các địa phương, đặc biệt là các quỹ đất có liên quan đến an ninh quốc phòng nhiều năm bị lấn chiếm, không đưa vào sử dụng thì cương quyết thu hồi để giao cho địa phương phát triển kinh tế xã hội.