“Tôi nhận được nhiều tin nhắn lắm, mọi người nhắn hỏi có ổn không, có bị cách ly không... Chúng tôi vẫn ổn và lạc quan, mình có kiến thức, có kinh nghiệm phòng chống bệnh dịch, tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế”- một bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã viết trên trang cá nhân của mình như vậy ngay sau khi hai nhân viên y tế của Bệnh viện này mắc COVID-19, cho dù điều tra dịch tễ đã khẳng định, hai bệnh nhân này không có sự lây nhiễm chéo trong bệnh viện
Cần thiết, đảm bảo an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch
Trên thực tế, trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 này, cùng với nhiều lực lượng khác, các thầy thuốc hàng ngày luôn có mặt ở những tuyến đầu, đối diện trực tiếp với dịch bệnh, và như vậy cũng có nghĩa là họ luôn đối mặt với những nguy cơ lây nhiễm bệnh, bởi môi trường bệnh viện luôn đông đúc, nhiều thành phần.
Chính vì thế, mà ngay lập tức sau khi có nhân viên y tế mắc COVID- 19, Bộ Y tế đã có văn bản về việc hạn chế tiếp xúc gần giữa các nhân viên y tế và giữa các người bệnh trong cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó, quy định khu vực khám này cần được sắp xếp biệt lập với các khoa, phòng khác; biển chỉ dẫn rõ ràng để người bệnh đi khám đúng nơi…
Nhân viên y tế cùng các lực lượng chức năng đang hàng ngày căng mình ở tuyến đầu chống dịch COVID-19
Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn khác gửi các bệnh viện, yêu cầu khi khám và điều trị cho bệnh nhân cần điều trị dài ngày thì căn cứ vào tình hình thực tế, trong thời điểm chống dịch kê đơn thuốc không quá 3 tháng cho bệnh nhân, cơ sở khám chữa bệnh cũng phải cung cấp số điện thoại để người bệnh có thể liên hệ ngay khi cần, bệnh viện cũng phải dự trữ đủ thuốc men, đặc biệt lưu ý các thuốc tim mạch, tiểu đường, huyết áp, trang bị đủ trang phục chống dịch, đồ bảo hộ cá nhân cho thầy thuốc.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện Bạch Mai dự trữ tới 3 triệu chiếc khẩu trang y tế và ngay từ trước khi ở đây có nhân viên y tế nhiễm bệnh, các bác sĩ, điều dưỡng đã phải thực hiện nghiêm quy trình bảo hộ: tăng số lượng khẩu trang sử dụng hằng ngày, thường xuyên sử dụng đủ trang phục bảo hộ, gồm găng tay, mũ, khẩu trang, kính... trong toàn bộ thời gian làm việc ở bệnh viện, thay vì chỉ sử dụng trong thời gian tiếp xúc với bệnh nhân như trước đây.
Có lẽ không chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai mà hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước hiện nay không chỉ chống dịch mà còn vẫn phải đảm bảo công tác khám chữa bệnh phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.
Thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân dành tặng các bệnh viện tuyến đầu chống dịch nhiều cơ số trang thiết bị chống dịch, khẩu trang y tế. Sự quan tâm này là rất đáng quý, đáng trân trọng và là nguồn động viên các chiến sĩ áo trắng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không chỉ cán bộ y tế mà các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ chống dịch đều rất cần được bảo vệ. Và vũ khí bảo vệ đầu tiên mà họ cần là trang thiết bị chống dịch, đó là những bộ quần áo, găng tay, là khẩu trang y tế
Người dân hãy sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn hàng ngày
Cán bộ y tế làm nhiệm vụ tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế bày tỏ, để bảo vệ sức khoẻ người dân, hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, ngành y tế đã khuyến cáo người dân khi ra đường, đến chỗ công cộng, đông người hãy đeo khẩu trang.
“Hiện nay năng lực sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn của nước ta rất phong phú, không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Do đó, người dân hãy sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn hàng ngày, thay vì sử dụng khẩu trang y tế vì họ không tiếp xúc với môi trường có nguy cơ như bệnh viện, kiểm dịch y tế quốc tế, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm...”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, khẩu trang vải kháng khuẩn ở nước ta đã được các cơ quan chức năng thẩm định chất lượng, nên người dân hãy yên tâm sử dụng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.
“Dịch bệnh đang còn nhiều phức tạp nên thông điệp mà tôi muốn chuyển tải đến các bạn là hãy dành khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, cho lực lượng chức năng chống dịch, để họ được an toàn hơn khi thực hiện nhiệm vụ. Khi họ an toàn thì chính chúng ta cũng được bảo vệ nhiều hơn. Đồng thời, khẩu trang y tế cũng dùng để dành cho người bệnh, cho người nghi nhiễm bệnh sử dụng nhằm tránh lây bệnh ra cộng đồng”- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Phân tích thêm, PGS.TS Trần Đắc Phu nói, các bạn cũng thử hình dung, khẩu trang vải có thể dùng đi dùng lại nhiều lần, như vậy vừa có hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Trong khi khẩu trang y tế chỉ dùng 1 lần, nếu chúng ta vứt bừa bãi thì nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vì không được xử lý theo đúng hướng dẫn...
Trong kịch bản phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã huy động 90.000 bác sĩ, 125.000 điều dưỡng cả nước sẵn sàng tham gia chống dịch. Đồng thời, Bộ Y tế cũng dự kiến huy động thêm khoảng 16.000 sinh viên năm cuối trường y, dược và khoảng 26.000 điều dưỡng. Tại Hà Nội, 280 y bác sĩ về hưu cũng mong muốn được đóng góp công sức. Bên cạnh đó, lực lượng công an, quân đội… cũng sẽ tham gia rất nhiều vào chống dịch.
Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có 1 bác sĩ tham gia chống dịch mắc COVID-19.
"“Rất mừng là kết quả xét nghiệm lần 1 với SARS-CoV-2 của tôi âm tính. Toàn bộ nhân viên của Trung tâm xét nghiệm cho đến nay cũng âm tính. Thở phào nhẹ nhõm!!”. Tình trạng sức khoẻ của tôi và mọi người đều tốt, tâm lý ổn định. Không ai mong muốn mình bị bệnh, xin hãy mở rộng lòng, thông cảm và chia sẻ, hỗ trợ, đừng kỳ thị bởi chúng tôi là những chiến sỹ tuyến đầu cần được bảo vệ”- PGS.TS Đỗ Duy Cường chia sẻ.
Đó là tâm sự của một thầy thuốc tham gia chống dịch, có lẽ cũng là tâm sự của mọi lực lượng đang ngày đêm tham gia chống dịch. Vì thế vấn đề đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm cho những người tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19 luôn được quan tâm hàng đầu. Trong đó, quan trọng nhất là đảm bảo đầy đủ phương tiện phòng hộ...