Italy - ổ dịch nghiêm trọng nhất tại châu Âu
Tuần qua, trong khi dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc có dấu hiệu lắng xuống thì châu Âu lại “điêu đứng” vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra, tất cả 27 quốc gia thành viên châu Âu đều ghi nhận có người mắc bệnh. Tính đến sáng 10/3, số người nhiễm COVID-19 tại Italy đã lên tới 9.172 ca, 463 người tử vong và là nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.
Trước những diễn biến nghiêm trọng của dịch COVID-19, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước kể từ ngày 10/3 cho đến ngày 3/ 4. Theo đó, người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ đi lại vì lý do công việc, y tế hoặc các trường hợp khẩn cấp, đồng thời cấm các hoạt động tụ tập, trong đó có các trận thi đấu bóng đá thuộc khuôn khổ Giải Vô địch Quốc gia Serie A. Việc di chuyển vào Italy cũng như giữa các thành phố của nước này sẽ được hạn chế.
Châu Âu bao phủ bởi nỗi lo dịch bệnh
Đây là một quyết định “chưa từng có tiền lệ” tại Italy. Trước đó, đất nước Địa Trung Hải này đã phong tỏa một số vùng ở miền Bắc để ngăn chặn dịch bệnh trong đó có thủ đô tài chính Milan, Venice các tỉnh thuộc 4 khu vực, tuy nhiên số ca mắc và tử vong vẫn không ngừng tăng lên. Chỉ riêng vùng Lombardy – vùng giàu có nhất - ở miền Bắc Italy đã có tới hơn 300 ca tử vong do COVID-19.
Quyết định phong tỏa này được Chính phủ Italia áp dụng với đất nước tương tự như với tỉnh Vũ Hán của Trung Quốc. Đánh giá về quyết định táo bạo của Italy, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus viết trên Twitter : “Chính phủ và người dân Italy đang có những bước đi táo bạo, can đảm nhằm làm chậm sự lây lan của virus corona, bảo vệ đất nước và thế giới của họ. Đây là sự hy sinh cao cả. WHO ủng hộ Italy và sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn”.
Châu Âu bất an đối phó với dịch bệnh COVID-19
Rất nhiều nước châu Âu tỏ ra lo ngại khi liên tiếp xác nhận những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Đáng nói là nhiều trường hợp nhiễm bệnh có liên quan đến Italy. Dư luận châu Âu cho rằng, hầu hết các ca nhiễm ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha đều có nguồn gốc từ Italy, người bệnh đi du lịch hoặc đi qua Italy. Hiện các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha mỗi quốc gia đã ghi nhận hơn 1000 người nhiễm, số ca tử vong cũng lên tới vài chục.
Chính phủ nhiều nước đã ban hành cảnh báo du lịch tới Italy. Châu Âu giờ đây bắt đầu chuẩn bị cho sự xuất hiện của số lượng lớn các ca nhiễm mới. Một số nước áp dụng các biện pháp để đối phó dịch bệnh, như Czech cấm các sự kiện công cộng, yêu cầu công dân từ Italy và các ổ dịch khác như Hàn Quốc, Iran phải cách ly tại nhà 14 ngày. Tại Pháp, những người có triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà, Pháp còn ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu khẩu trang, nước rửa tay bất chấp lời kêu gọi chia sẻ trang thiết bị y tế của EU …. Ngoài ra, Pháp huy động tất cả hệ thống y tế từ bệnh viện, bác sĩ tự do cho đến dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ tại nhà vào cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Bộ trưởng y tế các nước châu Âu đã nhóm họp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại châu Âu. Mới đây, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho biết, Liên minh châu Âu sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn qua video với sự tham gia của lãnh đạo các quốc gia trong khối. "Chúng ta cần hợp tác để bảo vệ sức khỏe của công dân" - ông Charles Michel nói.
Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, "hiện chủng mới của SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã xuất hiện ở quá nhiều nước, mối đe dọa dịch bệnh đã trở nên rất thực tế" nhưng vẫn có thể được kiểm soát. Ở một lục địa già như châu Âu, điều chắc chắn dịch bệnh COVID-19 sẽ tác động rất lớn tới châu lục này, ảnh hưởng không chỉ tới kinh tế, xã hội mà đặc biệt là sức khỏe của người dân.
Theo số liệu từ trang web cập nhật trực tiếp dữ liệu toàn cầu Worldometers, dịch COVID-19 đã tấn công 115 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số trường hợp phục hồi, khỏi bệnh trên thế giới là 64.273, trong khi số người ở trong tình trạng nghiêm trọng vẫn là 5.771 người.
Trong 1 ngày vừa qua, Cơ quan y tế công cộng Pháp đã xác nhận 1.412 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 30 trường hợp tử vong ở Pháp. Đáng chú ý là trong số các bệnh nhân mới dương tính với virus SAS-CoV-2 có Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp và giám đốc của một trong hai bệnh viện lớn nhất nước Pháp.
Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đều đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm. UNESCO cho biết, khoảng 290,5 triệu học sinh, sinh viên trên thế giới đã buộc phải nghỉ học trong vài tuần do trường học đóng cửa để ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 lây lan.