Đề cao cảnh giác
Hơn 1 năm qua, dịch bệnh COVID-19 chưa kết thúc, nó đã trải qua làn sóng thứ 3, thậm chí ở một số quốc gia bước vào làn sóng thứ 4 của dịch bệnh. Số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu hiện đã chạm mốc 139 triệu người, gần 3 triệu sinh mạng đã ra đi vì dịch bệnh.
Ở Đông Nam Á, nhiều quốc gia bước vào mùa lễ hội như Tết Songkran ở Thái Lan hay còn gọi là lễ hội té nước, Tết cổ truyền Boun Pi May của Lào, hay Lễ Chol Chnam Thmay đều là ngày Tết mừng năm mới ở các quốc gia có người Khmer sinh sống như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar... Tình hình dịch bệnh đang “sốt nóng” ở nhiều quốc gia kết hợp với hàng loạt lễ hội ở thời điểm này càng khiến cho công tác chống dịch thêm phần khó khăn.
Indonesia - quốc gia được coi là ổ dịch nghiêm trọng nhất khu vực - có hơn 1,5 triệu người dương tính với COVID-19, 124 người tử vong, mỗi ngày quốc gia vạn đảo này ghi nhận thêm hàng nghìn người mắc bệnh. Tại Thái Lan, dịch bệnh diễn biến xấu, lần đầu tiên quốc gia này ghi nhận hơn 1.300 ca mắc COVID-19 trong 1 ngày. Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, đây là số mắc COVID-19 cao nhất theo ngày (được ghi nhận vào ngày 14/4), cơ quan chức năng Thái Lan đã gấp rút xây dựng thêm nhiều bệnh viện dã chiến để phục vụ công tác điều trị.
Xếp hàng kiểm tra thân nhiệt trên đường phố Bangkok, Thái Lan trong dịp lễ tế nước.
Nếu năm ngoái Campuchia là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19, đến thời điểm này tình thế hoàn toàn bị đảo ngược chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Từ sau sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2, đến nay đã gần 2 tháng, dịch bệnh COVID-19 ở Campuchia ngày càng bùng phát dữ dội hơn. Quốc gia gần 17 triệu dân này có tới 4.874 trường hợp mắc COVID-19, 36 người tử vong, số ca liên quan tới vụ lây nhiễm cộng đồng hôm 20/2 đã lên hơn 4.000 người. Số ca mắc COVID-19 theo ngày luôn ở mức 3 chữ số.
Tìm mọi cách ngăn chặn dịch bệnh
Hàng loạt sự kiện mừng năm mới tại Campuchia, Thái Lan đã bị hủy, hoãn, lễ té nước nổi tiếng Songkran theo đánh giá của người dân “chưa bao giờ lặng lẽ đến như thế”.
Thông thường, trong các dịp Tết, người dân Campuchia thường đi lễ chùa, dâng thức ăn cho các nhà sư. Nhưng trong tình hình này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi người dân ăn Tết ở nhà, cấm tụ tập đông người, thậm chí các buổi lễ tại chùa phải thực hiện theo hướng dẫn phòng dịch, đảm bảo giãn cách... Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia Li Ailan cảnh báo, Campuchia đang đối mặt với một thảm kịch quốc gia do COVID-19. Dịch bệnh cực kỳ nghiêm trọng, nhất là ở Thủ đô Phnom Penh.
Indonesia cũng đang trải qua tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo. Vào dịp này, người Hồi giáo thường thực hiện các buổi cầu nguyện tại các địa điểm thờ tự. Chính phủ Indonesia cho phép người Hồi giáo thực hiện các buổi cầu nguyện, song giới hạn lượng người tham dự ở mức tối đa 50% với các quy trình y tế nghiêm ngặt. Tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở mức trung bình và cao, tất cả các hoạt động này đều bị cấm hoàn toàn trong suốt tháng lễ. Các chuyên gia y tế lo ngại truyền thống nhịn ăn ban ngày trong tháng lễ Ramadan sẽ ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch bệnh bởi người tiêm chủng vắc xin phải được ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe trong quá trình tiêm chủng. Indonesia đã quyết định sẽ tiến hành tiêm chủng cho người dân vào ban đêm, lúc người dân được ăn uống theo phong tục.
Lào đã ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 1 năm. Chính phủ Lào cấm tổ chức các sự kiện tập trung đông người nơi công cộng trong dịp Tết, cấm người dân di chuyển sang các địa phương khác trong giai đoạn Tết Boun Pi May, đồng thời yêu cầu các lực lượng vũ trang giám sát biên giới, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép...