Ảnh hưởng tới người trẻ
Đã 8 tháng trôi qua nhưng cơn đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu thoái triển. Theo thống kê của Reuters, cứ mỗi ngày có khoảng 5.900 sinh mạng ra đi, tương đương với mỗi giờ có 246 người chết hoặc 15 giây có 1 người lìa đời. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 đang dần ổn định, trong 17 ngày qua, số ca tử vong trên thế giới đã tăng thêm 100.000 người, đưa tỉ lệ tử vong trung bình do COVID-19 hiện tại của thế giới là 3,5%.
Mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus còn nhận định rằng, đại dịch COVID-19 sẽ chấm dứt trong gần 2 năm nữa, số ca nhiễm thực tế cao hơn rất nhiều bởi có nhiều người không được xét nghiệm hoặc người nhiễm bệnh không có triệu chứng (so với đại dịch cúm năm 1918 ở Tây Ban Nha - đại dịch đã mất tới 2 năm thế giới mới vượt qua). Bên cạnh đó, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran còn đưa ra cảnh báo giật mình rằng dịch bệnh COVID-19 ở những người dưới 40 tuổi ở Pháp nhiều gấp 4 lần so với những người trên 65 tuổi. Ở Italia - nơi trước đây dịch bệnh diễn biến cực kỳ nguy hiểm, nay số ca mắc mới bắt đầu tăng trở lại, nhiều nhất kể từ tháng 3. Đáng nói là hầu hết những người bị nhiễm là những người trẻ tuổi, không có triệu chứng. Chuyên gia y tế Italia Alessio D’Amato cho rằng, cần phải “ngăn chặn chuỗi lây truyền càng nhanh càng tốt bằng cách tìm ra những người không có triệu chứng và ngăn chặn sự lây lan của virus trong các gia đình”.
Tại Ấn Độ - quốc gia đứng thứ 3 thế giới về số ca nhiễm bệnh cũng đang lâm vào cuộc khủng hoảng sức khỏe rất nghiêm trọng. Kể từ ca tử vong đầu tiên tại Ấn Độ, chỉ 5 tháng sau, số người tử vong do COVID-19 đã cán mốc 50.000 người. Trong 18 ngày qua, Ấn Độ đứng đầu thế giới về số ca mắc mới theo ngày với 50.000 ca nhiễm bệnh. Hiện Ấn Độ là quốc gia châu Á dịch bệnh hoành hành nặng nề nhất châu lục với hơn 3 triệu ca mắc bệnh.
Ở châu Âu đang xuất hiện “những con số biết nói”. Nhiều quốc gia số ca mắc mới tăng với tốc độ đáng lo ngại, thậm chí ở Tây Âu chứng kiến mức độ lây nhiễm cao chưa từng thấy kể từ 3 tháng trước như tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia với hàng nghìn ca mắc mỗi ngày.
COVID-19 lây nhiễm ở nhà thờ Thủ đô Seoul khiến Hàn Quốc phong tỏa toàn quốc.
Thế giới vẫn xoay vần đối phó đại dịch
Riêng tại Mỹ, số ca tử vong ở Mỹ đã vượt 180.000 ca - cao nhất thế giới. Mặc dù số ca mắc mới đã giảm so với mức đỉnh của tháng 7 nhưng Mỹ vẫn ghi nhận có tới 360.000 ca mắc mỗi tuần. Giám đốc CDC Mỹ Robert Redfield nhận định, tình hình dịch bệnh tại Mỹ bắt đầu cải thiện, ông hy vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn.
Tuy nhiên, theo diễn biến dịch bệnh của các bang, Mỹ áp dụng các biện pháp khác nhau để ngăn chặn dịch bệnh. Vào ngày 21/8, Mỹ đã đóng cửa biên giới trên đất liền tại một số cửa khẩu với Mexico và thực hiện thêm các biện pháp kiểm tra nhằm hạn chế việc đi lại không cần thiết cũng như sự lây lan của COVID-19. Nhiều trường đại học và công lập tại Mỹ đã mở cửa trở lại, nhưng chỉ 1 tuần sau khi mở cửa, các trường học đã chuyển sang hình thức học trực tuyến do tình trạng nhiễm bệnh gia tăng. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại Pháp đã khiến nước này phải rời kế hoạch phục hồi kinh tế sang tháng 9.
Bộ Y tế Hàn Quốc đã thông báo nước này có số người nhiễm bệnh theo ngày cao nhất kể từ đầu tháng 3 đến nay, tăng vọt lên 483 trường hợp, các ca bệnh xuất hiện ở nhiều địa phương, đánh dấu 1 tuần số ca mắc mới liên tục trên 3 chữ số. Chỉ trong 10 ngày, Hàn Quốc cộng thêm cho mình tới 2.629 ca mắc mới. Giám đốc Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) Jeong Eun-kyeong cảnh báo Hàn Quốc đang “trên bờ vực của một đại dịch toàn quốc có quy mô lớn”. Phần lớn số ca nhiễm ở khu vực Thủ đô Seoul và vùng phụ cận - nơi chiếm gần một nửa dân số Hàn Quốc. Trước tình hình đó, Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội giai đoạn 2 từ ngày 23/8 bao gồm cấm việc tụ tập đông người, đóng cửa các bãi biển, hộp đêm, quán cà phê. Trong thời gian tới, Hàn Quốc có thể triển khai giãn cách xã hội giai đoạn 3, trong đó đóng cửa các trường học, cơ sở kinh doanh nếu tốc độ các ca nhiễm mới vẫn gia tăng.