Hà Nội

Dịch COVID-19: Brazil vươn lên thứ 2 thế giới về số ca tử vong, diễn biến dịch bệnh COVID-19 ở châu Phi khó lường

13-06-2020 10:53 | Quốc tế
google news

SKĐS - Với 41.828 người thiệt mạng, Brazil đã vượt qua Anh để trở thành quốc gia có số người chết vì dịch bệnh COVID-19 cao thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Dịch bệnh ở Nam Phi đang diễn biến khó lường.

Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, thế giới đã có  hơn 7.6 triệu người đã được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2  và ít nhất 424.000 người đã chết. Số người chết COVID-19 của Brazil vượt qua Anh và trở thành quốc gia thứ 2 thế giới về số ca tử vong do COVID-19.

Bộ Y tế Brazil cho biết, tính đến sáng ngày 13/6, Brazil ghi nhận tổng cộng 828.810 trường hợp nhiễm COVID-19, với 25.982 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua và 909 trường hợp khác tử vong, nâng số người chết lên 41.828 người. Trong tổng số các trường hợp mắc COVID-19, có  365.063 người đã phục hồi, Bộ Y tế Brazil cho biết.  Các chuyên gia nhận định số ca mắc trên thực tế có thể cao gấp 10 hoặc 15 lần.

10 quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong do COVID-19 nhất thế giới bao gồm: Mỹ, Brazil, Anh, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Mexico, Bỉ, Ấn Độ, và Đức. Trong đó, Ấn Độ là quốc gia mới lọt vào top 10 quốc gia có số tử vong hàng đầu này.

Tại Đông Nam Á, các nước có bệnh nhân COVID-19 tử vong cao bao gồm 7 quốc gia: Indonesia  với 2.048 người, Philippines: 1.052 người, Malaysia có 119 người tử vong, Thái Lan có 58, Singapore;  25, Myanmar: 6, và Brunei  là 2 trường hợp.

Brazil đã trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về số ca tử vong do COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):  đeo khẩu trang làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm bệnh tại các ổ dịch

Trước đó, các chuyên gia của WHO khẳng định, các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra, khẩu trang có thể làm  giảm đáng kể nguy cơ nhiễm bệnh.  Quy định  đeo khẩu trang  ở các khu vực tại tâm chấn của đại dịch COVID-19  có thể đã ngăn ngừa hàng chục nghìn  ca nhiễm bệnh.

Các nhà nghiên cứu cho biết, việc đeo mặt nạ thậm chí còn quan trọng hơn các biện pháp khác  trong ngăn chặn sự lây lan của virus  SARS CoV-2.

Xu hướng nhiễm bệnh đã thay đổi đáng kể khi các quy định về việc  đeo khẩu trang được thực hiện từ ngày 6 / 4 ở miền Bắc Italia  và ngày 17/ 4 tại thành phố New York -  thời điểm những khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu dự đoán: "Chỉ riêng biện pháp bảo vệ này đã làm giảm đáng kể số ca nhiễm bệnh. Theo ước tính từ ngày 6/4 đến 9/5 đã giảm hơn 78.000 người nhiễm bệnh ở Italia  và tránh cho hơn 66.000 người ở thành phố New York nhiễm bệnh từ ngày 17 / 4 đến ngày 9 / 5".

Dịch bệnh ở châu Phi đang diễn biến khó lường

Mặc dù,  hiện nay một số quốc gia châu Phi đã có thể hoàn toàn kiểm soát được diễn biến của dịch bệnh như Tunisia, Burkina Faso hay Maroc. Tuy nhiên nhiều nước khác như Nam Phi, Ai Cập và Nigeria lại gặp khó khăn trong nỗ lực ứng phó đại dịch.

Nhiều quốc gia trong khu vực đang rơi vào tình trạng mất kiểm soát đối với COVID-19, đặc biệt là Ai Cập, Nam Phi và Nigeria. Ba nước hiện ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất châu lục, từ vài trăm cho đến vài nghìn ca nhiễm mới được ghi nhận sau 24 giờ.

Theo Bộ Y tế Ai Cập, trong ngày 12/6, Ai Cập đã phát hiện thêm 1.577 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở quốc gia Bắc Phi này lên tới 41.303 người. Bên cạnh đó, Ai Cập cho biết, có thêm 45 trường hợp tử vong do COVID-19 và tính đến nay tổng số ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này đã lên đến 1.422 người. Bên cạnh đó, nước này cũng đã có thêm  417 bệnh nhân mắc COVID-19  khỏi bệnh và được ra viện, qua đó nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 11.108 người.

Nam Phi ghi nhận thêm 3.359 ca mắc và 70 ca tử vong mới, Nigeria ghi nhận thêm 681 mắc mới. Theo thống kê từ ngày 31/5-11/6, tức là trong vòng 11 ngày, số trường hợp mắc COVID-19 ở châu Phi đã tăng từ 147.600 lên khoảng 216.800, tương đương gần 48%.

Đại dịch đang lây lan nhanh ở Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi với hơn 200 triệu dân. Trong khi đó, Nam Phi từng ghi nhận tỷ lệ tử vong do dịch thấp, nhưng nay lại đang chứng kiến tỷ lệ tử vong ngày càng tăng, với tổng cộng 1.354 trường hợp tử vong tính từ khi đại dịch bùng phát.

Châu Phi đang trong giai đoạn tồi tệ, khi ghi nhận hơn 30 người chết mỗi ngày kể từ đầu tháng 6 đến nay. Hiện, ngoài Nam Phi, Ai Cập và Nigeria, một số quốc gia châu Phi khác cũng đang ghi nhận số ca nhiễm cao đáng quan ngại từ 2 đến 3 con số mỗi ngày, dẫn đầu là Ghana với 498 ca mắc mới.


Hải Yến
Ý kiến của bạn