Dịch bệnh tay chân miệng, số ca mắc ở Cần Thơ không cao

23-06-2023 08:46 | Y tế

SKĐS - Dịch bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, ở TP.Cần Thơ, bệnh tay chân miệng tới thời điểm này giảm hơn 50% so với cùng kỳ.

Báo cáo của Sở Y tế Cần Thơ nêu: Số ca mắc bệnh tay chân miệng hiện đang là gần 500 trường hợp, giảm 52,7% so với cùng kỳ (850 ca).

Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, là bệnh viện tiếp nhận các trường hợp tay chân miệng tại các quận, huyện và các tỉnh thành khác chuyển đến. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị 2.260 ca, đặc biệt trong tháng 5 bắt đầu tăng cao, lên 409 ca (tăng 140%) so với tháng trước đó. Trong tháng 6, có 3 trường hợp bệnh diễn biến nặng, phải chuyển viện lên tuyến trên, trong đó có 01 trường hợp tử vong.

Dịch bệnh tay chân miệng, số ca mắc ở Cần Thơ không cao - Ảnh 1.

Một ca bệnh tay chân miệng đang điều trị tại TP Cần Thơ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ khẳng định, không được chủ quan với dịch bệnh tay chân miệng hiện nay.

Được biết, các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn đã được tham gia lớp tập huấn về cập nhật chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng do Bộ Y tế tổ chức. 

Đồng thời, Sở Y tế TP Cần Thơ đã tổ chức buổi tập huấn chia sẻ kinh nghiệm trong giám sát chẩn đoán, điều trị và chuyển tuyến đối với bệnh nhân tay chân miệng.

Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, Sở Y tế Cần Thơ chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh. Sở Y tế đã tham mưu UBND TP Cần Thơ chỉ đạo chính quyền các cấp, sở, ngành chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch. 

Giao Trung tâm Y tế quận, huyện tích cực tham mưu UBND quận, huyện, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể địa phương chủ động và phối hợp với ngành Y tế địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.

Ghi nhận tại BV Nhi Đồng Cần Thơ, từ đầu năm 2023 đến nay, số lượt bệnh nhân tay chân miệng đến bệnh viện giảm so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên trong số ca tiếp nhận có nhiều ca bị tay chân miệng nặng cần sử dụng Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch tăng so với cùng kỳ năm 2022. 

Để chủ động trong cung ứng thuốc, Sở Y tế Cần Thơ đã đề nghị đơn vị trúng thầu cung ứng đầy đủ, kịp thời số lượng thuốc đã trúng thầu tại đơn vị. Đẩy nhanh tiến độ kết quả thầu thuốc tập trung tại địa phương (dự kiến có kết quả trong tháng 7/2023).

Bên cạnh đó, báo cáo Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung thuốc điều trị bệnh tay chân miệng (IVIG) cho địa phương. Liên hệ các đơn vị bạn, địa phương chưa có dịch bệnh tay chân miệng xảy ra để tìm nguồn cung ứng thuốc.

Sở Y tế Cần Thơ khuyến cáo người dân phòng chống bệnh tay chân miệng:

1. Vệ sinh tay cho trẻ và người tiếp xúc với trẻ thường xuyên, đặc biệt là trước khi ôm hôn, cho ăn, sau khi đi vệ sinh.

2. Người lớn có thể mang mầm bệnh và lây cho trẻ, do đó khi đi ra ngoài về, phải vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ.

3. Khi phát hiện trẻ có triệu chứng phải tiến hành khử khuẩn chloramin B bề mặt và các vật dụng của trẻ và tránh tiếp xúc trẻ khác.

4. Thường xuyên khử khuẩn các khu vực, đồ chơi dụng cụ dùng chung của trẻ.

5. Tăng cường truyền thông, các biện pháp vệ sinh môi trường cho người chăm sóc và người nhà xung quanh khu vực có ca bệnh. Đặc biệt các nhà trẻ, mầm non giữ trẻ dưới 3 tuổi.

Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ - "Mái nhà" của trẻ sơ sinh non thángKhoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ - 'Mái nhà' của trẻ sơ sinh non tháng

SKĐS - Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ đã điều trị thành công cho trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, nhiều trường hợp trẻ sinh non kèm bệnh lý được các bác sĩ cứu sống mà không phải chuyển lên tuyến trên điều trị.


A.V
Ý kiến của bạn